Thời Kỳ Trỗi Dậy Của Trung Quốc Đã Kết Thúc.

Trung Quốc là một cường quốc đã trỗi dậy, không phải là một cường quốc đang trỗi dậy: nước này đã có được những khả năng địa chính trị đáng gờm, nhưng những ngày tháng tốt đẹp nhất đã lùi xa lại ở phía sau nó.

Bắc Kinh Đã Sắp Hết Thời Gian Để Tái Định Hình Lại Thế Giới.

Tác Giả: Michael Beckley and Hal Brands.

Người Dịch: Từ Liên.

Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2021-10-01/end-chinas-rise

Đã từng có một sự đồng thuận phổ biến, ở Washington và ở nước ngoài, là Trung Quốc đang vượt qua Hoa Kỳ. Tổng Thống Joe Biden cũng đã từng nói, “Nếu chúng ta không làm gì để thay đổi… họ sẽ lấy cả bữa trưa của chúng ta.” Còn theo lời của một nhà ngoại giao Châu Á, các quốc gia ở khắp mọi nơi đã và đang chuẩn bị cho việc Trung Quốc sẽ trở thành “số một” của thế giới.

Đã có nhiều bằng chứng ủng hộ cho quan điểm này. GDP ( Tổng Sản Lượng Quốc Gia ) của Trung Quốc đã tăng gấp 40 lần kể từ năm 1978. Trung Quốc đã khoe khoang rằng họ có dự trữ tài chính, thặng dư thương mại, nền kinh tế được đo bằng sức mua tương đương, và hải quân có nhiều chiến hạm nhất trên thế giới.

Trong khi Hoa Kỳ quay cuồng với một cuộc rút lui đáng xấu hổ khỏi Afghanistan, Trung Quốc đang tích cực tiến tới xây dựng vai trò của mình là Trung Tâm của Châu Á, và có thể thay thế Washington để đứng đầu hệ thống thứ bậc toàn cầu.

Nhưng nếu như Bắc Kinh có vẻ nôn nóng, thì đó là bởi vì khả năng trỗi dậy của họ đã đi đến hồi kết. Quá trình đi lên của Trung Quốc được hỗ trợ bởi những luồng gió mạnh mà giờ đây đã trở thành những cơn gió ngược.

Chính phủ Trung Quốc đang che giấu sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng và quay trở lại chủ nghĩa toàn trị mong manh. Đất nước này đang bị khan hiếm tài nguyên trầm trọng và phải đối mặt với sự thất bại về nhân khẩu học ở thời bình tồi tệ nhất trong lịch sử. Không kém phần quan trọng, Trung Quốc đang mất quyền tiếp cận với sự hoan nghênh của thế giới mà đã tạo điều kiện cho họ tiến lên trong nhiều năm.

Ở thời đại “Trung Quốc đỉnh cao”. Bắc Kinh đã đại diện cho một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại mạnh mẽ mà đã có tham vọng muốn tái tạo thế giới, nhưng thời gian để thực hiện điều đó đã không còn nhiều. Nhận thức này đã không khiến Washington tự mãn — mà ngược lại. Có một nỗi lo ngại rằng, các cường quốc đã có một thời trỗi dậy, thường có khuynh hướng trở nên hung hăng khi vận may của họ suy giảm, và kẻ thù của họ ngày càng nhiều hơn. Trung Quốc đang lần theo một vòng cung như vậy, mà thường kết thúc trong một bi kịch: sự trỗi dậy một cách chóng mặt và sau đó là bóng ma của một sự sụp đổ tang thương.

LÀM NÊN ĐIỀU KỲ DIỆU

Trung Quốc đã trỗi dậy trong một thời gian dài đến nỗi nhiều nhà quan sát cho rằng sự tiếp tục đi lên của nó là điều không thể tránh khỏi. Trên thực tế, hòa bình và thịnh vượng trong vài thập kỷ qua là một điều dị thường trong lịch sử của họ, đã chỉ được tạo ra bởi một số xu hướng chỉ mang tính chất thoáng qua.

Trước tiên là, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã được hưởng một môi trường địa chính trị an toàn và quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ. Trong phần lớn lịch sử hiện đại của họ, vị trí dễ bị tổn thương của Trung Quốc tại khu vực bản lề của lục địa Âu-Á và Thái Bình Dương đã khiến nước này phải đối mặt với xung đột và khó khăn. Từ cuộc Chiến Tranh Nha Phiến lần thứ nhất vào năm 1839 cho đến khi kết thúc cuộc Nội Chiến Trung Quốc năm 1949, các thế lực đế quốc đã chia cắt đất nước. Sau khi Trung Quốc thống nhất dưới sự cai trị của chủ nghĩa cộng sản vào năm 1949, nó lại phải đối mặt với sự thù địch cực độ của Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã phải hứng chịu sự thù hằn của cả hai siêu cường sau khi liên minh Xô-Trung sụp đổ vào những năm 1960. Bị cô lập và bị bao vây, Trung Quốc chìm trong đói nghèo và xung đột.

Việc mở cửa đến Hoa Kỳ vào năm 1971 đã phá vỡ khuôn mẫu này. Bắc Kinh bất ngờ có một đồng minh siêu cường. Washington đã cảnh báo Moscow không tấn công Trung Quốc, và họ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Bắc Kinh hội nhập với thế giới rộng lớn. Vào giữa những năm 1970, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia được an toàn hơn trong lục địa, và có khả năng tiếp cận thị trường và vốn nước ngoài — và thời điểm của nó thật là hoàn hảo. Thương mại thế giới đã tăng gấp sáu lần từ năm 1970 đến năm 2007. Trung Quốc đã bắt kịp đà toàn cầu hóa và trở thành công xưởng của thế giới.

Nếu Bắc Kinh có vẻ như đang vội vàng, đó là bởi vì cơ hội để trỗi dậy của họ đã gần kết thúc.

Trung Quốc đã có thể làm được như vậy chủ yếu là bởi vì chính phủ Trung Quốc đã cam kết cải cách. Sau khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, Đảng Cộng Sản Trung Quốc ( ĐCSTQ ) đã đặt ra các giới hạn nhiệm kỳ và các biện pháp giám sát khác đối với các lãnh đạo cao nhất của mình. Nó bắt đầu khen thưởng cho năng lực kỹ trị và hiệu quả kinh tế tốt. Các cộng đồng nông thôn được phép thành lập các doanh nghiệp với luật lệ thông thoáng hơn. Các đặc khu kinh tế được mở rộng trên cả nước và cho phép các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tự do. Để chuẩn bị gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào năm 2001, Bắc Kinh đã áp dụng các hệ thống pháp luật và thu thuế hiện đại. Trung Quốc đã có một gói chính sách phù hợp để phát triển mạnh mẽ trong một thế giới mở.

Trung Quốc cũng có một dân số phù hợp cho sự thay đổi của mình. Nó đã trải qua sự biến động nhân khẩu lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, cứ mỗi người cao tuổi thì có 10 người trong độ tuổi lao động. Trong khi mức trung bình đối với hầu hết các nền kinh tế lớn chỉ là gần 5 người trong độ tuổi lao động.

Lợi thế nhân khẩu học đó là kết quả ngẫu nhiên của những biến động chính sách có phần dã man. Trong những năm 1950 và 1960, ĐCSTQ khuyến khích sinh nhiều con hơn để bù đấp dân số bị chết chóc bởi chiến tranh và nạn đói. Dân số Trung Quốc đã tăng 80 phần trăm chỉ trong 30 năm. Nhưng vào cuối những năm 1970, Bắc Kinh đã siết cái phanh lại, giới hạn mỗi gia đình chỉ được phép có một con. Kết quả là, trong những năm 1990 và những năm đầu của thế kỷ này, Trung Quốc có một lực lượng lao động khổng lồ với tương đối ít người già hoặc trẻ em để chăm sóc. Chưa từng có dân số nào lại sẵn sàng cho việc tăng năng suất lao động tốt hơn như thế nữa.

Trung Quốc không cần nhiều sự trợ giúp từ bên ngoài để cung cấp thực phẩm và nước ( gia dụng, nông nghiệp ) cho người dân, và các ngành công nghiệp của họ còn đang ở mức chỉ sử dụng hầu hết các nguyên liệu thô. Họ có thể tiếp cận dễ dàng với các nguồn tài nguyên này, cộng với lao động rẻ và các biện pháp bảo vệ môi trường yếu kém đã khiến Trung Quốc trở thành một cường quốc công nghiệp.

SỰ ĐẢO NGƯỢC CỦA VẬN MAY

Nhưng tình huống tạo ra một sự gia tăng đột biến của cải, vận may, lợi nhuận kiểu “ngàn năm có một” như vậy không tồn tại mãi mãi. Trong thập kỷ qua, những lợi thế từng giúp đất nước tăng vọt nay đã trở thành những khoản nợ đến hạn phải trả kéo quốc gia này đi xuống.

Trước tiên, Trung Quốc đang cạn kiệt các nguồn lực của họ. Một nửa số con sông của đất nước đã biến mất và ô nhiễm đã khiến 60% lượng nước ngầm của nó – theo sự thừa nhận của chính phủ – “không thích hợp để con người tiếp xúc”. Sự phát triển đột phá đã khiến nó trở thành quốc gia nhập khẩu năng lượng ròng lớn nhất thế giới. An ninh lương thực đang xấu đi: Trung Quốc đã phá hủy 40% diện tích đất canh tác do khai thác quá mức và giờ đây họ trở thành quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Một phần là do tài nguyên bắt đầu khan hiếm, việc tăng trưởng đang trở nên rất tốn kém: Trung Quốc phải đầu tư nhiều gấp ba lần để tạo ra được mức tăng trưởng bằng với với những năm đầu của thế kỷ này, một mức tăng lớn hơn nhiều so với mức người ta có thể mong đợi ở bất kỳ nền kinh tế nào đã đạt đến độ trưởng thành.

Trung Quốc cũng đang dần cạn kiệt nguồn nhân lực do hậu quả di căn của chính sách một con. Từ năm 2020 đến năm 2035, Trung Quốc sẽ mất khoảng 70 triệu người trong độ tuổi lao động và có thêm 130 triệu người cao tuổi. Đó là lượng người tiêu thụ, người đóng thuế và người lao động bằng với dân số của nước Pháp sẽ biến mất — và lượng người hưu trí có quy mô ngang bằng với dân số Nhật Bản hiện tại, sẽ tăng thêm — trong 15 năm. Từ năm 2035 đến năm 2050, Trung Quốc sẽ mất thêm 105 triệu lao động và có thêm 64 triệu người già. Hậu quả kinh tế sẽ rất thảm khốc. Các dự báo hiện tại cho thấy chi tiêu có liên quan đến vấn đề tuổi tác phải tăng gấp ba lần vào năm 2050, từ 10% lên 30% GDP. Trong khi đó, tất cả chi tiêu chính phủ của Trung Quốc hiện tại chiếm khoảng 30% GDP.

Đối phó với những vấn đề này sẽ đặc biệt khó khăn vì Trung Quốc hiện được cai trị bởi một nhà độc tài luôn sẵn sàng hy sinh hiệu quả kinh tế cho quyền lực chính trị. Các công ty tư nhân tạo ra phần lớn tài sản của đất nước, nhưng dưới thời Chủ Tịch Tập Cận Bình, các công ty tư nhân luôn trong tình trạng bị thiếu vốn. Thay vào đó, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả nhận được 80% các khoản vay và trợ cấp của chính phủ. Sự bùng nổ của Trung Quốc được dẫn dắt bởi các doanh nhân địa phương, nhưng chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã khiến các nhà lãnh đạo địa phương sợ hãi khi tham gia vào thử nghiệm kinh tế. Chính phủ của ông về cơ bản đã đặt ra ngoài vòng pháp luật các tin tức kinh tế tiêu cực, khiến cho những cải cách thông minh gần như không thể thực hiện được, trong khi một làn sóng các quy định do chính trị thúc đẩy đã bóp chết sự đổi mới.

Khi Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán và độc tài hơn, thế giới lại càng trở nên ít có lợi hơn cho sự phát triển của Trung Quốc. Bắc Kinh đã phải đối mặt với hàng ngàn rào cản thương mại mới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngăn các mạng viễn thông của họ khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác đang tìm cách loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng của họ.

VŨNG LẦY KINH TẾ

Với việc kết thúc kỳ nghỉ đã kéo dài 4 thập kỷ trong lịch sử, Trung Quốc hiện phải đối mặt với hai xu hướng – tăng trưởng chậm lại và bị bao vây chiến lược – đã đánh dấu việc chấm dứt của thời kỳ trỗi dậy.

Do những vấn đề tích tụ lại qua thời gian của nó, nền kinh tế Trung Quốc đã bước vào giai đoạn suy thoái kéo dài nhất trong thời kỳ hậu Mao. Tốc độ tăng trưởng GDP chính thức của Trung Quốc giảm từ 15% năm 2007 xuống còn 6% vào năm 2019, trước khi COVID-19 kéo tăng trưởng xuống hơn 2% một chút vào năm 2020. Nhưng ngay cả những con số đó cũng có thể đã bị phóng đại: Các nghiên cứu kỹ lưỡng cho thấy tốc độ tăng trưởng thực tế của Trung Quốc có thể chỉ thấp bằng một nửa con số do chính phủ công bố.

Tệ hơn nữa, phần lớn tăng trưởng GDP của Trung Quốc kể từ năm 2008 đến từ việc chính phủ cung cấp vốn cho nền kinh tế. Trừ chi tiêu mang tính kích thích, nền kinh tế Trung Quốc hầu như không tăng trưởng. Năng suất, thành phần quan trọng để tạo ra của cải, đã giảm 10% từ năm 2010 đến năm 2019 – mức sụt giảm tồi tệ nhất ở một cường quốc kể từ thời Liên Bang Xô Viết vào những năm 1980.

Trong thập kỷ qua, những lợi thế từng giúp Trung Quốc tăng trưởng ngoạn mục nay đã trở thành những khoản nợ phải trả và đang kéo nước này đi xuống.

Các dấu hiệu của sự tăng trưởng không hiệu quả này có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Trung Quốc có hơn 50 thành phố ma – những trung tâm đô thị với đường cao tốc và nhà cửa nhưng không có người ở. Gần 2/3 các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc sẽ không bao giờ bù đắp được chi phí xây dựng của chúng. Kết quả, không có gì đáng ngạc nhiên, là nợ của Trung Quốc đã dần vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Tổng nợ của Trung Quốc đã tăng gấp tám lần từ năm 2008 đến năm 2019. Chúng ta biết câu chuyện này kết thúc như thế nào: với các bong bóng do các khoản đầu tư dẫn dắt sụp đổ thành những đợt sụt giảm kéo dài. Tại Nhật Bản, việc cho vay quá mức đã dẫn đến việc mất đi ba thập kỷ mà tăng trưởng chỉ ở mức không đáng kể. Tại Hoa Kỳ, nó đã gây ra cuộc Đại Suy Thoái. Với quy mô của núi nợ của Trung Quốc, sự suy thoái của nó có thể còn tồi tệ hơn. Những vấn đề mà nhà phát triển bất động sản Trung Quốc hiện đang gặp phải như Evergrande đang rơi vào cảnh mắc nợ hàng loạt, có thể chỉ đơn giản là dấu hiệu của những điều sắp xảy ra.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã không thừa nhận thất bại: Ông Tập vẫn hy vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng thông qua đổi mới công nghệ và chi tiêu cho R&D ( Research and Development tức Nghiên Cứu và Phát Triển ) đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2006. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã không thúc đẩy được năng suất và Trung Quốc vẫn chỉ đang chiếm thị phần nhỏ trên thị trường toàn cầu ở hầu hết các ngành công nghệ cao nhất. Lý do chính là hệ thống R&D từ trên xuống của Trung Quốc, mặc dù rất xuất sắc trong việc huy động nguồn lực, nhưng lại ngăn dòng thông tin mở và nguồn vốn cần thiết cho sự đổi mới bền vững. Đàn áp chính trị vẫn đang diễn ra, và những cách thức tưởng thưởng khuyến khích các trí thức vâng lời, sẽ càng làm phức tạp thêm vấn đề.

Thí dụ, Bắc Kinh đã đầu tư nhiều chục tỷ đô la vào ngành công nghiệp vi mạch ( microchip ) nội địa, tuy nhiên họ vẫn phải nhập cảng 80 phần trăm cho nhu cầu của điện toán quốc gia. Trung Quốc cũng đã đầu tư nhiều chục tỷ đô la vào ngành công nghệ sinh học, vậy mà vaccine COVID-19 của họ vẫn không thể cạnh tranh với các loại vaccines của các quốc gia dân chủ. Cải cách sẽ không cứu Trung Quốc khỏi sự suy thoái. Và sự suy sụp này sẽ khiến hệ thống hiện tại bị lung lay, khi một mối đe dọa khác – sự bao vây chiến lược từ các quốc gia khác – ngày càng trở nên hiện hữu.

CÁI VÒNG LỬA

Khu vực Á – Âu thường được coi là tử địa cho những kẻ bá quyền đầy tham vọng: có quá nhiều kẻ thù xung quanh có thể tạo ra mối đe dọa an ninh giống nhau đối với các siêu cường lục địa. Trong gần 40 năm, một Trung Quốc đang trỗi dậy đã tránh khỏi sự bao vây chiến lược bằng cách hạ thấp tham vọng toàn cầu và duy trì quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ. Nhưng thời kỳ đó đã qua. Khi Bắc Kinh trở nên hung hăng hơn ở Biển Đông, eo biển Đài Loan và các nơi khác, nó đã gây ra sự thù địch gần như ở khắp nơi.

Trong năm năm qua, Hoa Kỳ đã từ bỏ các giao kết và áp dụng chính sách be bờ kiểu mới. Washington đã tiến hành mở rộng hải quân và hỏa tiển lớn nhất trong một thế hệ, áp đặt thuế quan mạnh mẽ nhất kể từ Thế Chiến Thứ Hai, và thực hiện các hạn chế chặt chẽ nhất đối với đầu tư nước ngoài kể từ Chiến Tranh Lạnh – tất cả đều nhắm vào Trung Quốc. Doanh số bán vũ khí và hỗ trợ quân sự cho các quốc gia nằm ở khu vực “tiền tuyến” đã tăng lên; các lệnh trừng phạt công nghệ của Hoa Kỳ đang đe dọa tiêu diệt Huawei và các công ty Trung Quốc khác. Vào năm 2021, Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc phàn nàn rằng “một chiến dịch của toàn bộ các chính phủ và toàn bộ các xã hội đang được tiến hành để hạ gục Trung Quốc”.

Tập Cận Bình sẽ tự hỏi liệu ông ta có thể thực hiện những cam kết vĩ đại của mình hay không. Và đó là lúc thế giới sẽ thực sự phải lo lắng.

Việc Hoa Kỳ quay lưng lại với Trung Quốc đã góp phần gây ra phản ứng dữ dội hơn đối với sức mạnh của Bắc Kinh. Ở Đông Bắc Á, Đài Loan trở nên quyết tâm hơn bao giờ hết trong việc duy trì nền độc lập trên thực tế của mình, và chính phủ đã thông qua một chiến lược phòng thủ mới táo bạo có thể khiến hòn đảo này trở nên cực kỳ khó bị xâm chiếm. Nhật Bản đã đồng ý hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ để chống lại sự xâm lược của Trung Quốc trong khu vực. Thông qua sự hiếu chiến của mình, Bắc Kinh đã tạo cho liên minh Mỹ-Nhật một lực lượng chống Trung Quốc rõ ràng.

Các quốc gia xung quanh Biển Đông cũng đang bắt đầu chống lại Trung Quốc. Việt Nam đang mua các hỏa tiễn cơ động phòng thủ duyên hải, tàu ngầm tấn công của Nga, máy bay chiến đấu mới và chiến hạm trang bị hỏa tiễn hành trình loại mới. Singapore đã lặng lẽ trở thành một đối tác quân sự quan trọng của Hoa Kỳ. Indonesia đã tăng chi tiêu quốc phòng 20% vào năm 2020 và tăng lên 21% vào năm 2021. Ngay cả Philippines, quốc gia đã đi theo đuôi Trung Quốc trong phần lớn nhiệm kỳ của Tổng Thống Rodrigo Duterte, hiện đang nhắc lại các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông và tăng cường các cuộc tuần tra trên không và trên biển.

Tham vọng của Trung Quốc cũng đang gây ra phản ứng vượt ra ngoài khu vực Đông Á, từ Úc, Ấn Độ đến Châu Âu. Ở bất cứ nơi nào Bắc Kinh đang tiến tới, một loạt các đối thủ ngày càng tăng về số lượng cũng đang hợp tác để đẩy lùi Trung Quốc. Đối thoại An Ninh Tứ Giác — một quan hệ đối tác chiến lược bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ — đã nổi lên như một tâm điểm của hợp tác chống Trung Quốc giữa các nền dân chủ mạnh nhất ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Liên minh AUKUS mới ( Úc – Vương quốc Anh – Hoa Kỳ ) hợp nhất những “hạt nhân” của các quốc gia có nguồn gốc Anglo nhằm chống lại Bắc Kinh.

Hoa Kỳ đang xây dựng các liên minh nhỏ chồng chéo nhau để đảm bảo rằng các nền dân chủ tiên tiến luôn dẫn đầu trong các công nghệ quan trọng, trong khi đó, G-7 và NATO cũng đang đưa ra các lập trường cứng rắn hơn đối với Đài Loan và các vấn đề khác. Chắc chắn, hợp tác chống Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề đang phải giải quyết, vì nhiều nước vẫn đang dựa vào thương mại với Bắc Kinh. Nhưng những quan hệ đối tác đan xen này cuối cùng có thể tạo thành một cái thòng lọng vòng quanh cổ Bắc Kinh.

BÙNG CHÁY

Trung Quốc là một cường quốc đã trỗi dậy, không phải là một cường quốc đang trỗi dậy: nước này đã có được những khả năng địa chính trị đáng gờm, nhưng những ngày tháng tốt đẹp nhất đã lùi xa lại ở phía sau nó. Sự khác biệt đó rất quan trọng, bởi vì Trung Quốc đã đặt ra những tham vọng lớn và bây giờ có thể nó không thể đạt được chúng nếu không có hành động quyết liệt. ĐCSTQ đặt mục tiêu giành lại Đài Loan, thống trị tây Thái Bình Dương và lan rộng ảnh hưởng của mình trên toàn cầu. Ông Tập đã tuyên bố rằng Trung Quốc tìm kiếm một “tương lai nơi chúng tôi sẽ giành được thế chủ động và có vị trí thống trị”. Tuy nhiên, giấc mơ đó đang bắt đầu biến mất, khi tốc độ tăng trưởng của nó đã chậm lại và Trung Quốc phải đối mặt với một thế giới ngày càng thù địch với họ.

Đó có vẻ là tin tốt cho Washington: khả năng Trung Quốc dễ dàng vượt qua Mỹ rất thấp. Nhưng điều đó cũng không làm cho chúng ta hoàn toàn yên tâm. Khi các vấn đề của Trung Quốc tiếp diễn, tương lai sẽ có vẻ đe dọa đối với Bắc Kinh. Bóng ma của sự trì trệ sẽ ám ảnh các quan chức ĐCSTQ. Tập Cận Bình sẽ tự hỏi liệu ông ta có thể thực hiện những cam kết vĩ đại của mình hay không. Và đó là lúc thế giới sẽ thực sự phải lo lắng.

Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã quyết tâm phải hành động thật nhanh vì họ không còn nhiều thời gian.

Các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại có xu hướng trở nên nguy hiểm nhất khi khoảng cách giữa tham vọng và năng lực của họ bắt đầu trở nên không thể kiểm soát được. Khi cửa sổ chiến lược của một cường quốc đang trong cơn thất vọng bắt đầu đóng lại, ngay cả một nỗ lực chiến thắng có xác suất thấp cũng có vẻ tốt hơn là một sự hạ bệ nhục nhã. Khi các nhà lãnh đạo độc tài lo lắng rằng sự suy giảm địa chính trị sẽ phá hủy tính hợp pháp chính trị của họ, thì sự tuyệt vọng thường xảy ra sau đó. Ví dụ, Đức tiến hành Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất để ngăn chặn khát vọng bá quyền của mình bị nghiền nát bởi phe Hiệp Ước Anh-Nga-Pháp; Nhật Bản bắt đầu Thế Chiến Thứ Hai ở Châu Á để ngăn chặn Hoa Kỳ bóp nghẹt đế chế của mình.

Trung Quốc ngày nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đáng lo ngại. Tăng trưởng chậm lại? Đang bị. Bị bao vây chiến lược? Đang bị. Chế độ độc tài tàn bạo với một số ít nguồn mang tính hợp pháp tự nhiên? Chính xác. Uất hận lịch sử và tham vọng bành trướng lãnh thổ? Đúng và đúng. Trên thực tế, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động — không ngừng xây dựng quân đội, tìm kiếm các phạm vi ảnh hưởng ở Châu Á và hơn thế nữa, nỗ lực kiểm soát các công nghệ và tài nguyên quan trọng — hành xử đương nhiên của một quốc gia ở vị thế như Trung Quốc. Nếu có một công thức gây hấn của một cường quốc đỉnh cao, thì Trung Quốc đã thể hiện những yếu tố then chốt.

Nhiều nhà quan sát tin rằng Trung Quốc đang phân tán sức mạnh của họ ra nhiều nơi, vì họ rất tự tin vào sự tiếp tục hùng mạnh của mình. Ông Tập chắc chắn nghĩ rằng COVID-19 và sự bất ổn chính trị ở Hoa Kỳ đã tạo ra những khả năng mới để tiến tới. Nhưng khả năng xảy ra nhiều hơn – và đáng sợ hơn nhiều – là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quyết tâm hành động nhanh vì họ hiểu rằng họ sắp hết thời gian. Điều gì sẽ xảy ra khi một quốc gia muốn định hình lại thế giới lại đi tới kết luận rằng họ không có khả năng thực hiện điều đó một cách hòa bình? Xét về cả lịch sử và hành vi hiện tại của Trung Quốc đều cho thấy câu trả lời là: Không có gì tốt đẹp từ Trung Quốc dành cho thế giới trong tương lai cả.

Người Dịch: Từ Liên.

MICHAEL BECKLEY là Giáo Sư Dự Phòng ( Associate Professor ) ngành Khoa Học Chính Trị tại Đại Học Tufts, bang Massachusetts; và ông cũng là Giảng Sư Thỉnh Giảng Jeane Kirkpatrick của American Enterprise Institute ( Học Viện Kinh Doanh Hoa Kỳ ).

HAL BRANDS là Giáo Sư Xuất Sắc của Trung Tâm Thời Sự Hoàn Cầu Henry A. Kissinger tại Đại Học Johns Hopkins ngành Quốc Tế Học Cao Cấp và cũng là Giảng Sư Thâm Niên của American Enterprise Institute ( Học Viện Kinh Doanh Hoa Kỳ ).