Toàn bộ “Hồi Kí Nguyễn Hiến Lê”, nhà xuất bản Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ, 1989.

Bản PDF của toàn bộ “Hồi Kí Nguyễn Hiến Lê”, nhà xuất bản Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ, 1989.

Dung lượng khá lớn, nên quý vị phải download ( tải ) về máy của mình.

Thỏa Hiệp Án Fontainebleau 14/09/1946: ông Hồ cấu kết với Pháp để tiêu diệt các đảng quốc gia. Tác Giả: Hứa Hoành.


Lý do, ông Hồ tạm hòa với Pháp, để tiêu diệt người cùng đoàn kết với mình trong chính phủ liên hiệp. Ðó là ý đồ thầm kín của ông Hồ và thực dân Pháp.

[
Bài viết này có lẽ được tác giả Hứa Hoành hoàn tất vào ngày 26/09/2002. Được Dân Chủ dot Net đăng lại, trang web này nay không còn nữa. Trang http://www.geocities.ws/xoathantuong/hh_14946.htm đã đăng lại.
]

Kéo rốc sang Pháp làm gì?

Lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến nay, còn nhiều bí ẩn chưa được giải tỏa. Người bàng quan, các thế hệ sau, sẽ không thấy được những âm mưu thầm kín của ông Hồ đã tiêu diệt người quốc gia, nếu như chúng ta không phát hiện được những bí mật lịch sử đó. Chúng tôi may mắn được nhà sử học Chính Ðạo, tức tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu, cho phép sử dụng nhiều tài liệu quý giá mà ông sao lục từ các văn khố, thư viện của bộ Thuộc Ðịa, bộ Ngoại Giao Pháp… để làm sáng tỏ nhiều uẩn khúc lịch sử, vốn bị cộng sản che giấu, nhiễu loạn từ hơn nửa thế kỷ qua. Chúng tôi chân thành cảm tạ tiến sĩ Chiêu. Trong loạt bài nầy, chúng tôi sẽ trưng bằng chứng về những hành vi phản bội quyền lợi dân tộc của ông Hồ. Nổi thao thức của ông Hồ lúc nầy là Việt Minh phải mắm chính quyền, không chia xẻ, nhượng bộ cho bất cứ đảng phái nào. Ðó là đường lối nhất quán, trước sau như một của đảng cộng sản. Ðây cũng là dự mưu, từ khi ngoài rừng núi Tân Trào kéo về Hà Nội. “Căn cứ vào kết quả của cuộc thảo luận của ông Hồ cùng các cán bộ, thấy rằng công cuộc phát triển cách mạng của họ sẽ dẫn đến 2 trường hợp:

  1. Một là đủ sức cướp chính quyền, bản thân họ có đủ điều kiện để đàm phán bình đẳng các vấn đề với các nước Ðồng Minh…
  2. Hai là lực lượng bản thân ( Việt Minh ) còn yếu kém… Việt Minh phải suy nghĩ đến việc cùng với nước Pháp tiến hành đàm phán, để tranh thủ một số quyền lợi và tự do dân chủ. Sau đó sẽ dùng những quyền lợi nầy làm vốn liếng để tuyên truyền, rồi tiến thêm một bước, đẩy tới cuộc vận động cách mạng, để tiếp tục đấu tranh với Pháp…”.

Tưởng Vĩnh Kính, Hồ Chí Minh Tại Trung Quốc, Thượng Huyền dịch, trang 339.

Hiểu rõ chiến lược của ông Hồ, cho nên chúng ta không lấy làm lạ khi đối với kẻ thù chính là Pháp, thì ông Hồ tiếp tục nhân nhượng từ quyền lợi nầy đến quyền lợi khác. Ðang tuyên bố là một quốc gia độc lập, tự do ( 02/09/1945 ), vài tháng sau, ông Hồ xin làm một “quốc gia tự do trong Liên Hiệp Pháp” ( tức đế quốc trá hình ), và cho Pháp mọi quyền lợi đầy đủ tại Việt Nam như thời thuộc địa. ( Xem nội dung Thỏa Hiệp Án 14/09/1946 ). Chủ trương của ông Hồ lúc nầy ( 1946 ) là dựa vào Pháp, cấu kết với Pháp để tiêu diệt các đảng quốc gia anh em, đang chia xẻ quyền hành với ông trong “chính phủ liên hiệp”, mà ông đã vật vã van nài. Cấu kết với Pháp để tiêu diệt người quốc gia tức là chủ trương “liên kết với A đánh B”. “Ông Hồ thà nhường cho Pháp thống trị Việt Nam thêm một thời gian nữa, chứ không muốn các đảng phái quốc gia đứng ra lãnh đạo một nước Việt Nam độc lập”, hoặc chỉ tham gia với Việt Minh để “đoàn kết chống Pháp” như ông đã hùng hổ kêu gọi.

Tất cả hành động của ông Hồ đều trước sau như một, nhằm giành lấy sự độc quyền lãnh đạo đất nước, đặng mấy năm sau tiến hành cuộc cách mạng vô sản, đưa toàn dân vào quỹ đạo cộng sản quốc tế. Vấn đề Việt Nam có sớm được độc lập hay không chỉ là thứ yếu. Quyền lợi dân tộc cũng chỉ là bình phong để ông Hồ thực hiện âm mưu nắm chặt chính quyền. Người quốc gia có thể nhìn thấy thủ đoạn của ông Hồ, hoặc nóng lòng vì độc lập tự do, nên đã “đoàn kết trong mặt trận Việt Minh”, để rồi tất cả chịu chung số phận oan nghiệt.

Sau ngày 02/09/1945. Việt Nam trở thành quốc gia độc lập thật sự, mà kẻ thù chính là thực dân Pháp còn ở xa. Với Hiệp Ước Sơ Bộ ( 06/03/1946 ), ông Hồ mời quân Pháp vào chiếm đóng Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc.

Ðó là một trọng tội trong lịch sử. Ông cần rảnh tay để đối phó với các đảng theo chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Ðể che giấu chủ trương bắt tay với kẻ thù, ông Hồ tuyên bố chính sách “văn hóa Pháp Việt đề huề” ( Điều 3 Thỏa Hiệp Án ), ca tụng “nước Pháp mới” ( nước Pháp của thực dân ) và Liên Hiệp Pháp, tức đế quốc trá hình. Nổi thao thức của ông Hồ lúc này ( 1946 ) là không muốn bất cứ một tổ chức hay cá nhân nào ngoài Việt Minh nắm quyền, hay chia xẻ quyền hành với Việt Minh. Hiểu như thế nên chúng ta mới không ngạc nhiên khi đối với kẻ thù chính là Pháp, thì ông ta đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Vừa mới tuyên bố độc lập, ông Hồ lại chịu nép mình trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp, và cho Pháp có đầy đủ quyền lợi như thời thuộc địa. Thái độ của ông Hồ lúc nầy là dựa hẳn vào Pháp, cấu kết với Pháp, để tiêu diệt các đảng phái quốc gia. Nếu thực tâm yêu nước và chiến đấu vì quyền lợi quốc gia dân tộc, ông Hồ và mặt trận Việt Minh đã tích cực chuẩn bị kháng chiến khi Pháp chưa trở lại Việt Nam. Ông đã bỏ phí thời gian ( 15 tháng, năm 1945-1946 ) mà còn phá nát thế đoàn kết chiến đấu của những đảng quốc gia đang “liên hiệp” với ông trong cái chính phủ do ông làm chủ tịch. Ðiều này có nghĩa vì sự độc quyền lãnh đạo của Việt Minh, mà ông Hồ đã phá nát thế đoàn kết kháng chiến chống Pháp, làm cho thế lực Việt Nam yếu đi, nhưng ông vẫn làm, vì sự độc quyền lãnh đạo của Việt Minh.

Giữa lúc tình thế đất nước rối ren, chính cá nhân ông Hồ cùng mấy chục bộ trưởng dân biểu không thuộc cộng sản, kéo rốc sang Pháp để tham quan, để thăm thiện chí, mà thực sự tình thế nước Pháp cũng lâm cảnh tang gia bối rối ( chính phủ Gouin vừa mới đổ, còn chính phủ mới Bidault chưa thành lập ), lại phải đón tiếp một vị khách bất đắc dĩ trong khi tình thế nội bộ chưa ổn định. Phái đoàn thiện chí của Hà Nội gồm 10 vị, do Phạm Văn Ðồng cầm đầu, gồm có: Phạm Văn Ðồng, ( Bộ Trưởng ) Trần Ngọc Danh ( Dân Biểu Cần Thơ do cộng sản chỉ định ), Ðỗ Ðức Dục ( Bộ Trưởng ), Nguyễn Mạnh Hà ( Bộ Trưởng ), Nguyễn Văn Luân ( Dân Biểu ), Trình Quốc Quang, Tôn Ðức Thắng, Huỳnh Văn Tiểng, Hoàng Tích Chu, Nguyễn Tấn Di-Trọng. Rồi phái đoàn tham dự hội nghị Fontainebleau gồm trên 20 vị vừa bộ trưởng, vừa dân biểu. Giữa lúc đó, Pháp đã đưa quân vào Hà Nội, kéo đi chiếm đóng Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Dương, tích cực chuẩn bị đè bẹp kháng chiến. Tình hình kháng chiến Nam Bộ gần như bị đè bẹp hoàn toàn. Ðầu Tháng Hai, năm 1946, Pháp kiểm soát hoàn toàn tất cả 21 tỉnh Nam Bộ và mấy tỉnh Nam Trung Bộ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà Nho nổi tiếng yêu nước, ngay thật, không biết thủ đoạn chính trị, được ông Hồ cử làm quyền chủ tịch nước, chỉ để tượng trưng. Mọi việc đều được trung ương đảng gồm Trường Chinh, Trần Ðăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Kháng… cùng với Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, cứ theo kế hoạch bí mật của ông Hồ mà thi hành. Chính Trung Ương Đảng thảo kế hoạch bí mật để khủng bố, tàn sát đẫm máu các đảng quốc gia, mới “liên hiệp” với Việt Minh.

Có người binh vực cho rằng khi ông Hồ sang Pháp, không chịu trách nhiệm về tình hình xảy ra tại quê nhà. Lý luận như thế là sai lầm. Ông Hồ ra chỉ thị mật, nhận báo cáo của Trung Ương Đảng hàng đêm. Ðây là bí mật lịch sử tới nay ít ai biết. Pierre Celérier viết trong “Menace sur le Vietnam” ( 1950 ): “Phái đoàn Việt Nam đi dự hội nghị Fontainebleau có đem theo chuyên viên vô tuyến điện, để đánh tin và bắt tin từ Việt Nam. Nhà chức trách tại Paris biết được bằng cớ về sự chuyển tin và báo tin, nhưng không thể phá vỡ được trên đất Pháp”. Hơn nữa, người Pháp biết ông Hồ chỉ khủng bố người quốc gia, chớ không tấn công quân Pháp, nên làm ngơ, vui mừng là khác. Ngày 01/06/1946 ông Hồ nhận tin Việt Minh tấn công quân Ðồng Minh Hội tại Phủ Lạng Thương, Ðồng Mỏ, Lạng Sơn.

Hạ tuần Tháng Sáu, năm 1946, các cơ sở Quốc Dân Ðảng tại Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, ( Xem thêm Hoàng Tường, Việt Nam Ðấu Tranh, từ trang 89-101 ), bị tập kích với lực lượng đông gấp 10 lần, bị Việt Minh bao vây, tuyệt lương, rồi tỉa dần từng toán nhỏ. Quá tuyệt vọng, các ông Nguyễn Tường Tam ( Bộ Trưởng Ngoại Giao ), Nguyễn Hải Thần ( Phó Chủ Tịch Chính Phủ ), Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ Tịch Quân Ủy Hội đều bôn đào sang Trung Hoa lần nữa. Các đơn vị do Vũ Hồng Khanh, bị tập kích từ Lào Cay, Phong Thổ, khiến cho khoảng 600 quân Việt Nam Quốc Dân Ðảng tan rã, cuối cùng, rút theo ngả Vân Nam. Ðó là “thế đoàn kết”, “liên hiệp” với Việt Minh, một kinh nghiệm máu xương trong lịch sử. Ngoài ra, hàng ngày, tại Hà Nội, Việt Minh khủng bố, bắt cóc, thủ tiêu đối lập như đảng mafia: Hoàng Ngọc Bách, Nguyễn Bạch Vân, Trần Quốc Lạc, Hoàng Tử Quy đều bị ám sát chết. Ðọc lịch sử giai đoạn nầy, nhiều người không hiểu tại sao Việt Minh lại tiêu diệt những người quốc gia trong chính phủ của họ. Lý do thứ nhứt, Việt Minh là cộng sản trá hình. Lý thuyết cách mạng của Mác Xít đã dạy: “Cuộc đấu tranh cho giai cấp vô sản, dù về mặt nội dung, không phải là cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu phải mang hình thức đấu tranh dân tộc… Ðương nhiên và trước hết, giai cấp vô sản phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình trước đã” ( Mác Angen tuyển tập, NXB Sự Thật Mátcơva 1978, trang 555, tập 1. Dẫn lại của luật sư Nguyễn Văn Chức ). Thứ hai, để thực hiện con đường cách mạng vô sản, ông Hồ phải làm sao cho đảng cộng sản ( tức Việt Minh ) phải nắm được chính quyền hoàn toàn, để lần lượt đưa dân tộc và đất nước đi vào quỹ đạo cộng sản quốc tế. Ông Hồ đã nói với cán bộ: “Lúc nầy nước Pháp không phải là kẻ thù trước mắt. Bọn Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt, Ðồng Minh Hội, Cao Ðài, Hòa Hảo trong Nam… mới là kẻ thù không đội trời chung”. Người quốc gia không hiểu sách lược của cộng sản nên trở thành nạn nhơn của cộng sản.

Việt Minh mở chiến dịch “tổng ruồng, vét sạch” từ Nam chí Bắc. Họ lùng sục bắt giam, tra tấn, thủ tiêu những người quốc gia, kể cả những đại biểu quốc hội mà họ chia ghế như Lê Khang ( Lê Nin ), nhà văn Khái Hưng, Nguyễn Mạnh Côn… ( bị bắt, sắp giết… ).

( Chú thích của hoangkyblog: văn hào Nguyễn Mạnh Côn, tác giả của “1945 Lạc Đường Vào Lịch Sử”. )

Lê Khang, Chủ Nhiệm Đệ Tam Khu Bộ Việt Nam Quốc Dân, nằm bệnh viện Ðặng Vũ Lạc trước ga Hàng Cỏ, bị Việt Minh đến bắt đem đi, rồi giết ở Vĩnh Yên. Còn các ông Phạm Tất Thắng, Nguyễn Tắc Chung, Nguyễn Quỳnh ( Dân Biểu Nam Ðịnh ), đảng trưởng Ðại Việt Trương Tử Anh… đều bị Việt Minh sát hại. Nhà văn Khái Hưng bị bắt ở Liên Khu 3, rồi bị trấn nước chết tại bến đò Cựa Gà, phủ Xuân Trường, vào năm 1947. Ðó là “đoàn kết trong mặt trận Việt Minh”. Tại miền Trung và Nam Bộ, đều thi hành một chính sách khủng bố man rợ như vậy. Những năm đó, Việt Minh tung công an chìm rình rập, bắt bớ những phần tử mà họ cho là nguy hiểm, đem giam “để điều tra”, hoặc thủ tiêu trong đêm bằng hình thức chặt đầu, mổ bụng, trói thúc ké thả trôi sông.

Về chính trị, Việt Minh nhân danh chính phủ liên hiệp, buộc các báo của các đảng quốc gia như “Việt Nam”, “Thiết Thực” phải nạp bản kiểm duyệt trước khi phát hành. Tóm lại, chủ trương của Việt Minh là tận diệt đối lập, là bịt miệng, trói tay, bí mật thanh toán, rồi ngụy tạo bản án “Việt gian”, “phản quốc”, “thổ phỉ” như vụ án Ôn Như Hầu, vụ án Cầu Chiêm Sơn ( xem thêm Hoàng Văn Ðạo, Việt Nam Quốc Dân Ðảng, trang 362-363 ). Ðó là chủ trương thầm kín để tiêu diệt các đảng phái quốc gia của ông Hồ khi kéo rốc qua Pháp để tránh tiếng.

Cũng xin nhắc thêm về hành động “hợp tác rồi khủng bố”, trở mặt như trở bàn tay của Việt Minh tại Hà Nội.

Ngày 18/06/1946, Việt Minh hợp tác với Việt Nam Quốc Dân Ðảng để tổ chức lễ kỷ niệm Phạm Hồng Thái ( ngày 19 Tháng Sáu ), và Nguyễn Thái Học ( ngày 17 Tháng Sáu ). Qua ngày 11/07/46, Việt Minh đem quân bao vây tiêu diệt các thành phần mới vừa hợp tác mấy hôm trước. Lúc 6 giờ chiều Việt Minh bố ráp trụ sở Việt Nam Quốc Dân tại trường Tiểu Học Ðỗ Hữu Vị, bắt hết đối lập, lục soát báo quán “Việt Nam” kế đó tới vụ dàn cảnh “vụ án Ôn Như Hầu”. Ông Hồ biết rõ Việt Minh đã để lộ chân tướng cộng sản, nên không được Anh, Mỹ cảm tình. Nếu tiếp tục giữ mặt trận Việt Minh, sẽ thất bại trong hội nghị sắp tới tại Fontainebleau, vì thế ông Hồ ra lịnh gấp rút tổ chức một mặt trận khác, để gom hết nhân dân vào một khối, do ông ta và đảng cộng sản nắm chặt, nhưng bên ngoài có tính “quốc gia” hơn. Trần Huy Liệu được căn dặn tổ chức “Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam”, gọi tắt là “Liên Việt” nhằm mục đích trên. Còn Võ Nguyên Giáp được lịnh ở lại với nhiệm vụ bí mật là khủng bố tất cả người quốc gia. Ông còn ra lịnh cho Giáp “hãy hy sinh tất cả để mua thật nhiều súng của quân đội Trung Hoa sắp rút đi”. Thứ hai là vận dụng tất cả khả năng để tiêu diệt những người quốc gia.

Thời gian hơn 4 tháng, ông Hồ qua Pháp ( chưa có một chuyến công du, thăm viếng thiện chí của bất cứ nguyên thủ quốc gia nào quá lâu như vậy ), Trung Ương Đảng thi hành kế hoạch mật khủng bố, ám sát, thủ tiêu, hoặc bao vây tiêu diệt quân đội Quốc Dân, Ðồng Minh Hội. Các việc làm nầy phải báo cáo với ông Hồ tại Pháp hàng đêm. Còn “Hội Liên Việt” tức hội “Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam”, thì ông Hồ quỷ quyệt rút tên ra, chỉ làm chủ tịch danh dự. Ông lừa nhà Nho yêu nước Huỳnh Thúc Kháng làm chủ tịch, để lôi kéo những thành phần quốc gia vào mặt trận. Phó chủ tịch là Tôn Ðức Thắng ( cộng sản ). Tổng thơ ký là Cù Huy Cận ( cộng sản ). Các ủy viên là bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, trước ở Sàigòn là quốc gia, sau ra Hà Nội bi nhuộm đỏ! ( Hồi Ký Nam Ðình, trang 341 ). Trần Huy Liệu, ủy viên tổ chức ( cộng sản ), chỉ một nhân vật không cộng sản, thuộc Công Giáo là Ngô Tử Hạ, bị đưa vào làm bình phong và tay sai.

Tại mỗi làng, mỗi tổng, mỗi tỉnh đều có một ủy ban lãnh đạo mặt trận “Liên Việt” do cộng sản nắm giữ. Ngày 12/06/1946, ông Hồ và phái đoàn tới Biarritz, phía Nam nước Pháp, chờ đợi Pháp thành lập chính phủ mới, vì chính phủ Gouin đã đổ. Tình hình nước Pháp đang rối ren mà ông Hồ nhứt định công du, điều đó chứng tỏ ý đồ thầm kín của ông là muốn lánh mặt khỏi Việt Nam, để bọn đàn em tiêu diệt Quốc Dân Ðảng và Ðồng Minh Hội. Gần hai tuần sau, tân chính phủ Bidault được tấn phong. Sainteny đưa ông Hồ lên Paris. Trong hồi ký “Histoire d’une paix manquée”, tác giả Sainteny kể lại: “Hồ Chí Minh hai tay run, nói bên tai tôi:

— Anh đừng rời tôi! Thiên hạ đông quá!

Sử gia Philippe Devillers phê bình: “23 năm trước, Hồ Chí Minh từ giả Paris như một người bị trục xuất, nay ông ta trở lại đây với tư cách chủ tịch một chính phủ ( do quốc hậu bầu cử gian lận tấn phong ), quả thật là một định mệnh”. Ðây cũng là lý do thầm kín để ông Hồ công du qua Pháp, như trả thù lúc ông ta làm bồi tàu, làm bếp khách sạn, bị bạc đãi. Rồi các cuộc đón tiếp diễn ra theo nghi thức quốc trưởng: ông đến thăm Khải Hoàn Môn, đền Versailles, Tòa Thị Chính, L’Opera, Đài Chiến Sĩ Trận Vong… đi tới đâu cũng có đoàn xe mô tô hộ tống và dẫn đường.

Bí mật thương thuyết thỏa hiệp án, Hội Nghị Fontainebleau thất bại

Trong khi chuẩn bị hội nghị Fontainebleau, và trong lúc tiếp diễn ( từ 06/07/1946 tới 10/09/1946 ), ông Hồ cử người đi đêm thương thuyết với Pháp, chấp thuận nhiều nhượng bộ về quyền lợi cho Pháp, nên tại hội nghị, Pháp giữ lập trường cứng rắn. Hai bên về mặt công khai, không thỏa thuận điều gì, nên thất bại. Lý do là tại ông Hồ muốn dựa vào Pháp, nhưng lại sợ dư luận công khai biết. Mãi đến khi hội nghị sắp kết thúc, đêm 10/09/1946, ông Hồ thương thuyết bí mật với các phái viên của văn phòng chính phủ Bidault. Hai bên đã thỏa thuận trên căn bản nhiều vấn đề, ngoại trừ vấn đề Nam Bộ. ( Chính Ðạo, Việt Nam Niên Biểu, Tập 1A, trang 347 ). Xin nhắc lại chương trình nghị sự của hội nghị Fontainebleau gồm 4 điểm:

  1. Thống nhứt Việt Nam ( Hội nghị đồng ý để có cuộc trưng cầu dân ý quyết định ).
  2. Vấn đề quan thuế.
  3. Ðại diện ngoại giao.
  4. Văn hóa.

Ba vấn đề sau, đã được ông Hồ chấp thuận hoàn toàn theo đề nghị của Pháp. Tài liệu lích sử của ông Nam Ðình Nguyễn Kỳ Nam, trang 350 ghi lại như sau: “Ngày 11/07/1946, phái đoàn Pháp đưa cho phái đoàn Việt Nam một văn kiện giải thích ‘Liên Hiệp Pháp’ là một tổ hợp có nhiều xứ liên quan với Pháp mà thôi. Còn Liên Bang Ðông Dương là một ‘Hiệp Chủng Quốc’ Phái đoàn Việt Nam phúc đáp ngày 12/07/1946: ‘Việt Nam nằm trong Liên Hiệp Pháp là một sự hợp tác tự do, bằng nhau về mọi phương diện và quyền lợi. Còn Việt Nam trong Liên Bang Ðông Dương tức là Việt Nam trong phạm vi kinh tế, tài chánh’. Như vậy, về công khai giữa hội nghị, hai phái đoàn khác nhau về lập trường đối với Liên Bang Ðông Dương và Liên Hiệp Pháp, nhưng trong bí mật, ông Hồ đã chấp thuận tất cả. Như vậy làm sao Pháp nhượng bộ điều gì? Cùng ngày 12/07/1946, để trấn an dư luận, Hồ Chí Minh họp báo, giải thích: ‘Giữa Pháp và Việt Nam sẽ có một hiệp ước riêng ( tức Thỏa Hiệp Án 14/09/1946 ) mà Pháp phải nhìn nhận nguyên tắc “Dân tộc tự quyết.

Còn vấn đề Liên Bang Ðông Dương, là vì Ðông Dương gồm có Miên và Lào, nên cơ quan nầy đang hợp tác nhau về mặt kinh tế thôi, chớ đừng lập lại chế độ Toàn Quyền trá hình ( sự thật là như vậy )… Về ngoại giao, Pháp muốn Việt Nam chỉ biết có Pháp mà thôi. Còn Việt Nam thì bảo rằng ‘đã là một nước độc lập, thì Việt Nam phải có bộ ngoại giao riêng, trực tiếp với các nước khác’. Về chính trị, phái đoàn Pháp bảo rằng ‘đó thuộc về thẩm quyền của chính phủ Pháp, phái đoàn Pháp chỉ biết chuyển nghị án của Việt Nam lên chính phủ Pháp mà thôi’. Trong lúc lập trường hai phái đoàn không đồng ý điểm nào, thì Cao Ủy d’Argenlieu phá hội nghị bằng cách mở hội nghị Liên Bang Ðông Dương tại Ðà Lạt, từ ngày 23/07/1946, nhưng mãi đến 01/08/1946 mới khai mạc. Phái đoàn Việt Nam gồm 3 phần: Nam Kỳ Quốc với Ðại Tá Nguyễn Văn Xuân làm trưởng đoàn. Ông Nguyễn Văn Xuân bị ông Hồ lấy tên để trong ‘chính phủ lâm thời tự phong’ từ rừng sâu, mà không hỏi ý kiến, cũng chưa từng gặp gỡ, quen biết ( Buổi họp kín của 8 đảng viên cộng sản, ngụy tạo là ‘Quốc Dân Đại Hội Tân Trào’ ). Thủ đoạn này cũng giống như trường hợp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, ông Hồ chỉ nghe mang máng là thủ lãnh Thanh Niên Tiền Phong, liền ‘chộp’ đại tên ‘Phạm Văn Thạch’ lồng trong danh sách thành viên ‘chính phủ’. Thêm một nhân vật khác là Lê Văn Hiến, mặc dù là cộng sản, nhưng cũng không thuộc phe ông Hồ, đang ở miền Trung, được ông Hồ mượn tên, gọi ‘Lê Quốc Hiến’, để trong danh sách ‘chính phủ lâm thời’, để dư luận hiểu lầm rằng những vị này có vô rừng Tân Trào họp ‘quốc dân đại hội’. Ðó là những sự kiện dối trá, cho tới nay rất ít người biết. Phái đoàn Việt Nam thứ hai là của sắc tộc Chàm, do ông Lưu Ái cầm đầu. Phái đoàn thứ ba của đồng bào Thượng ở vùng Ban Mê Thuột, do Ma Krong ( tù trưởng Ê Ðê ) và y sĩ Djac Ayun”, ( Chính Ðạo, Việt Nam Niên Biểu, Tập 1A, trang 345 ).

Như vậy, vùng rừng núi Việt Nam, bị Pháp xẻ làm nhiều “nước tự trị”, không kể Miên, Lào. Mãi đến ngày 07/09/1946, theo hồi ký của Nam Ðình, phái đoàn Việt Nam yêu cầu phái đoàn Pháp tạm ngưng những điểm khác, để thảo luận lại các vấn đề “kinh tế tài chính, quan thuế, hai phái đoàn trao đổi văn kiện, cùng nhau thảo luận đêm 9 rạng 10/09/1946. Hai phái đoàn làm việc suốt đêm, chờ sáng ngày 10/9/1946 sẽ thảo ra tạm ước” ( tức Thỏa Hiệp Án 14/09/1946 ).

Ðến khi tái nhóm, phái đoàn Việt Nam yêu cầu giải quyết nhiều vấn đề khác, như yêu cầu Pháp hứa chắc chắn và rõ rệt về ngày giờ và cách thức trưng cầu dân ý ở Nam Bộ. Pháp không chịu cam kết, Việt Nam không chịu ký “tạm ước về tài chính, quan thuế”. Thế là hội nghị tan vỡ. Phái đoàn xuống tàu Pasteur về nước ngày 16/09/1946… Còn Hồ Chí Minh… Sainteny kể lại rằng: “Hồ Chí Minh rời khách sạn Royal Monceau, xuống Soisy Sous Montmorency, tạm trú tại biệt thự của Aubrac, viện lẽ nên xa Paris vài ngày cho không khí bớt căng thẳng… Nhưng trước khi rời Paris, ngày 14/09/1946, Hồ đến viếng Marius Moutet, Bộ Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại, trao đổi thêm về bản Tạm Ước. Hồ Chí Minh cũng có đến thủ tướng Bidault tâm tình rằng: ‘Tôi làm sao ăn nói với các đảng đối lập với tôi, khi tôi về tay không?”.

Hồ C Minh và Marius Moutet đêm 14/9/1946 tại nhà riêng của Moutet, ký Thỏa Hiệp Án Fontainebleau.
Hồ C Minh và Marius Moutet đêm 14/9/1946 tại nhà riêng của Moutet, ký Thỏa Hiệp Án Fontainebleau.

Mãi đến nửa đêm ngày 14 rạng 15/09/1946, Hồ Chí Minh gõ cửa Moutet ở số 19 đường Courcelles, nhằm lúc Moutet còn thức.

— Tôi đến đây bằng lòng ký Tạm Ước ( Thỏa Hiệp Án ).

Thế là Tạm Ước được ký kết giữa Moutet và Hồ Chí Minh trong phòng ngủ của Moutet. “Hồ Chí Minh ra về, cùng đi với một thanh tra Pháp, đã đi theo hộ tống từ trước đến nay. Trong lúc đêm khuya lạnh lẽo, ông Hồ than với viên thanh tra mật thám Pháp:

— Tôi vừa mới ký một bản án tử hình của tôi!

Dưới đây là nguyên văn “Thỏa Hiệp Án” hay Tạm Ước 14/09/1946, được tờ báo Nam Kỳ số ra ngày 23/09/1946, đăng lại như sau:

═══════════════════════════════════════════════════

Nguyên văn bản Thỏa Hiệp Án:

Làm tại Paris ngày 14 Septembre 1946:

Thay mặt Chính Phủ Lâm Thời Pháp:

Tổng Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại.

Ký tên:

Marius Moutet.

Thay mặt chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam:

Chủ tịch chính phủ.

Ký tên:

Hồ Chí Minh.

Công nhận đúng theo bổn thảo

Tổng Thơ Ký Ủy Ban Ðông Dương

Ký tên:

Messmer.

“Toàn thể các điều dự định trong bản thỏa hiệp án nầy, làm thành hai bản, sẽ được đem ra thi hành vào ngày 30 Tháng Mười 1946.

Ðiều thứ I:

Kiều dân Việt Nam ở Pháp và kiều dân Pháp ở Việt Nam, sẽ được tự do sanh cư y như người bổn quốc, cùng những quyền tự do phát biểu, giáo dục, thương mại, thông hành. Tóm lại là tất cả tự do dân chủ.

Ðiều thứ II:

Sản nghiệp và xí nghiệp Pháp ở Việt Nam, sẽ không đặt dưới một chế độ gắt gao hơn chế độ dành cho sản nghiệp và xí nghiệp của người Việt Nam, nhứt là về thuế vụ và lao động pháp chế. Sự bình đẳng về quy điều này, sẽ được nhìn nhận bằng danh nghĩa đãi ngộ lẫn nhau, cho sản nghiệp và xí nghiệp của kiều dân Việt Nam, trong các lãnh thổ Pháp Quốc hải ngoại. Quy điều sản nghiệp và xí nghiệp Pháp ở Việt Nam, chỉ được sửa đổi bằng sự thỏa hiệp chung giữa Cộng Hòa Pháp và Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam.

Tất cả sản nghiệp Pháp bị chính phủ Việt Nam trưng thâu mà những tài chủ, hoặc những xí nghiệp bị nhà cầm quyền Việt Nam làm cho họ trở nên trắng tay, sẽ được quy hoàn cho những chủ nhơn và những người có quyền nhận lãnh.

Một ủy ban Pháp Việt sẽ được đề cử để quy định các thể thức quy hoàn nầy.

Ðiều thứ III:

Cho được phục hồi ngay bây giờ cuộc văn hóa giao tế mà Pháp Việt đồng muốn khuếch trương, các học đường Pháp, một vài đẳng cấp sẽ được tự do dạy ở Việt Nam.

Những học đường ấy sẽ áp dụng các chương trình chính thức Pháp. Về sau sẽ do hiệp định riêng mà chọn lựa những tòa nhà thích ứng cho sự dạy học của các học đường, những trường, những khoa học viện ở toàn cõi Việt Nam. Kiều dân Việt Nam ở Pháp cũng được hưởng y đặc quyền này. Y Viện Pasteur sẽ được phục hồi quyền lực và sản nghiệp của mình. Một ủy ban Pháp Việt sẽ quy định những điều kiện cho trường Viễn Ðông Bác Cổ hoạt động lại.

Ðiều thứ IV:

Mỗi khi có cần dùng những nhà cố vấn kỹ thuật và chuyên môn, thì chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam, phải gọi đến Pháp kiều trước nhứt. Ðặc quyền ban cho Pháp kiều chỉ không có hiệu lực là khi nào nước Pháp không thể cung ứng nhân viên mà Việt Nam yêu cầu.

Ðiều thứ V:

Liền sau khi giải quyết vấn đề điều chỉnh tiền tệ, hiện thời chỉ có một thứ bạc chung đem ra xài trong các lãnh thổ thuộc quyền chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam, và các lãnh thổ khác ở Ðông Dương. Thứ bạc ấy, chính là đồng bạc Ðông Dương, do nhà băng Ðông Dương phát hành hiện thời, để chờ lập ra một phát ngân viện. Ðiều lệ của cơ quan phát hành viện, sẽ do một Ủy Ban Pháp Việt nghiên cứu. Các nước có chơn trong liên bang, sẽ có đại biểu trong đó. Ủy Ban nầy còn có phận sự liên lạc tiền tệ và các sự mậu dịch. Ðồng bạc Ðông Dương được xài trong khu vực đồng phật lăng ( francs ).

Ðiều thứ VI:

Việt Nam sẽ cùng các xứ khác trong Liên Bang Ðông Dương, tạo thành một liên hiệp quan thuế. Tuy vậy, trong xứ sẽ không có một bức tường quan thuế nào cả. Việc xuất nhập lãnh thổ Ðông Dương đều dùng chung định giá. Một ủy ban liên lạc thương chánh và ngoại thương, cũng giống như ủy ban liên lạc tiền tệ và mậu dịch, sẽ nghiên cứu các biện pháp thi hành cần thiết và chuẩn bị tổ chức thương chánh ở Ðông Dương.

Ðiều thứ VII:

Một ủy ban Pháp Việt liên lạc về giao thông, sẽ nghiên cứu các biện pháp chánh để khôi phục và cải thiện cuộc thông thương giữa Việt Nam và các xứ khác trong Liên Bang Ðông Dương và Liên hiệp Pháp: vận tải đường bộ, đường biển, đường hàng không, sự thông gởi bằng bưu chánh, dây nói, điện tuyến và vô tuyến điện.

Ðiều thứ VIII:

Trong khi chờ đợi sự thành lập của bản hiệp ước hoàn toàn giải quyết xong vấn đề ngoại giao của nước Việt Nam với những nước khác, một ủy ban Pháp Việt sẽ định đoạt những điều giải hầu bảo đảm việc Việt Nam đặt lãnh sự ở các lân bang, và cuộc giao thiệp giữa lãnh sự ấy với các lãnh sự ngoại quốc.

Ðiều thứ IX:

Tha thiết bảo đảm càng sớm chừng nào càng hay chừng ấy, ở Nam Bộ và miền Nam Trung Kỳ, sự khôi phục một trật tự công cộng vừa cần thiết cho nguyện vọng tự do về các quyền tự do dân chủ vừa vãn hồi, và nhận định những phản động lực may mắn phát do sự ngưng những hành động xung đột và bạo động của đôi bên.

Chính phủ Pháp và chính phủ Cộng Hòa Việt Nam, đồng thảo các biện pháp sau đây:

  1. Ðôi bên chấm dứt tất cả những hành động xung đột và bạo động.
  2. Những hiệp định của các bộ tham mưu Pháp Việt, sẽ quy định các điều kiện thi hành và kiểm soát những biện pháp quyết định chung.
  3. Những tội phạm hiện còn bị giam cầm về nguyên do chính trị, sẽ được thả ra, chỉ trừ những kẻ bị truy tố về hình sự và thường phạm ( droit commun ). Với những tù binh bắt được trong các cuộc hành quân, cũng sẽ quy định y như thế. Việt Nam đảm bảo không truy tố bất cứ người nào đã cộng tác hoặc trung thành với Pháp Quốc, và chẳng dung tha bất cứ bạo hành nào chống những kẻ ấy. Bù lại, chính phủ Pháp cũng đảm bảo không truy tố bất cứ người nào cộng tác với Việt Nam, và không dung tha bất cứ bạo hành nào chống lại kẻ ấy.
  4. Việc hưởng các quyền tự do dân chủ giải thích ở điều khoản thứ I, sẽ được đôi bên đảm bảo lẫn nhau. Sẽ chấm dứt những sự tuyên truyền bất hữu ái của đôi bên.
  5. Chính phủ Pháp và chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam, sẽ cộng tác với nhau, để làm cho kiều dân các nước nghịch cũ, không làm hại gì được nữa.
  6. Một nhân vật do chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam đề cử, và được chính phủ Pháp công nhận, sẽ được gởi tới bên Thượng Sứ Pháp, để cộng tác và thi hành những điều thỏa thuận nầy.

Ðiều thứ X:

Chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam, đồng ý chung tìm cách ký kết những hiệp định riêng về tất cả vấn đề có thể đưa ra hầu thắt chặt tình hữu nghị, và dọn đường để ký kết một hiệp ước chung vĩnh viễn.

Cuộc thương thuyết sẽ tiếp tục về mục đích nầy sớm chừng nào càng hay, và trễ lắm là vào Tháng Giêng 1947.

Ðiều thứ XI:

Toàn thể những điều khoản trong “Thỏa Hiệp Án” nầy chia làm hai bản, sẽ được thi hành vào ngày 30 Tháng Mười 1946.”

═══════════════════════════════════════════════════

Ðọc qua nội dung, chúng ta thấy rõ Hồ Chí Minh nhượng bộ Pháp gần như đầy đủ các quyền lợi như hồi Việt Nam còn là thuộc địa của nước Pháp. Ở vào hoàn cảnh lúc đó, người ta mới thấy sự thiệt thòi của Việt Nam. Với hiệp ước tạm 14/09/1946 hay “Tạm Ước” nầy, nước ta chỉ hưởng được những từ ngữ mới “Nước Việt Nam Cộng Hòa Dân Chủ”, được tự do, còn sự thật, người Pháp nắm tất cả mọi ngành, từ chính trị, quân sự, ngoại giao, quan thuế, tiền tệ. Lý do thầm kín là ông Hồ cần dựa vào Pháp, cần cộng tác với Pháp, để có thì giờ tận diệt người quốc gia. Với đảng cộng sản lúc đó ( dù trên danh nghĩa giả bộ giải tán từ Tháng Mười Một, năm 1945 ), nước Pháp không phải là kẻ thù trước mắt. Các đảng Ðại Việt, Quốc Dân Ðảng, Ðồng Minh Hội, Cao Ðài, Hòa Hảo, Trotkyst… tuy là đồng bào ruột thịt, cùng một mục đích tranh đấu giành độc lập, nhưng bị ông Hồ và Việt Minh coi như thù địch không đội trời chung. Ðó là chính sách, đường lối của ông Hồ và mặt trận Việt Minh, rồi Liên Việt. Vì cần bảo vệ sự độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng Sản, ông Hồ phải bí mật tiêu diệt tả hữu, từ Trotkyst đến người quốc gia, không cho một mầm mống nào tồn tại.

Trong con mắt của ông Hồ thời đó, nước Pháp bấy giờ là “nước Pháp mới”, vì có tổng bí thư đảng cộng sản Pháp Maurice Thorez làm phó thủ tướng chính phủ. Trong chuyến đi Pháp lần này, ông Hồ còn đem theo 20kg vàng, tặng cho báo l’Humanité, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Pháp, để họ làm cái loa ủng hộ ông ta và đảng CSVN. Vì thế khi vừa đặt chân lên Paris, ký giả Simonne Terry của l’Humanité liền viết một bài “l’Oncle Hồ” ( Bác Hồ ), để ca ngợi ông ta. Sự thật chính cái “nước Pháp mới” đã đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, đưa quân chiếm các vị trí hiểm yếu, đang sẵn sàng đè bẹp các cuộc chống đối của kháng chiến Việt Minh. Ðiều này có hại cho dân tộc Việt Nam, nhưng có lợi cho riêng ông Hồ và đảng cộng sản của ông ta.

Hồi các năm 1945-1946, Việt kiều tại Pháp có đoàn kết, nhưng không suy tôn, thờ phụng Hồ Chí Minh như thần thánh, không làm lễ sinh nhựt của ông ta như đảng CSVN mong muốn. Họ ủng hộ Việt Minh trong chừng mực nào đó, và phản đối ông Hồ trong “Thỏa Hiệp Án 14/09/1946”, cũng như Hiệp Ước Sơ Bộ ngày 06/03/1946.

Xin nhắc lại tình hình của người Việt tại Pháp hồi năm 1946. Khi ông Hồ sang Pháp, thì cộng đồng Việt kiều ở đây khoảng 14.000 ( mười bốn ngàn ) người, gồm lính thợ, công binh, một số ít gia đình, du học sinh có mặt ở Pháp. Cộng đồng Việt kiều có đoàn kết, nhưng không “đoàn kết trong mặt trận Việt Minh, không chịu nhận sự lãnh đạo của Việt Minh”. ( Xem thêm Ðặng Văn Long, Người Việt ở Pháp, trang VIII đến IX ). Cần phân biệt có hai thứ đoàn kết: Một là “đoàn kết trong mặt trận Việt Minh”, “đoàn kết chung quanh bác Hồ”. Còn đoàn kết theo nghĩa thông thường, để gây sức mạnh, thì lúc đó không còn nữa. Một người có nhiều kinh nghiệm về “đoàn kết” là ông Bùi Tín, viết: “Ðoàn kết trong mặt trận Việt Minh, trong mặt trận Liên Việt, hay trong mặt trận Tổ Quốc… có nghĩa là theo sự lãnh đạo của đảng cộng sản, vâng lời đảng cộng sản, chịu mọi sự áp đặt của đảng cộng sản. Nói khác với đảng, cãi lại đảng là ‘vi phạm tinh thần đoàn kết’, là nhằm cách phá vỡ khối đoàn kết, là có tội, có khi tội rất nặng” ( Mặt Thật, trang 120 ). Dù chưa có kinh nghiệm với Việt Minh, Việt kiều có lẽ cũng thấy rõ những âm mưu thầm kín của họ. Việt kiều chỉ đoàn kết để tranh giành độc lập cho nước Việt Nam, nhưng không tranh đấu dưới ngọn cờ của Việt Minh, của cộng sản.

Vì lẽ đó, khi vừa tới Pháp, ông Hồ tìm cách phá vỡ khối đoàn kết ( không chịu theo Việt Minh ). Ông tìm cách phá hoại sự đoàn kết của người theo chủ nghĩa quốc gia với những người Trotkyst, tức Cộng Sản Đệ Tứ, kẻ thù không đội trời chung của ông Hồ, tức Cộng Sản Đệ Tam. Tại Pháp, ông Hồ không thể dùng chính sách khủng bố để tiêu diệt những kẻ “không chịu đoàn kết trong mặt trận Việt Minh”. Ông Hồ sử dụng âm mưu về chính trị “kêu gọi công binh, Việt kiều hãy đoàn kết chung quanh bác Hồ”.

Sống lâu trên đất Pháp, người Việt nhiễm tư tưởng tự do, không bị gò bó như dưới chế độ thuộc địa. Họ tố cáo ông Hồ khi thấy ông để lộ gian ý “ủng hộ nước Pháp mới”, tức nước Pháp thực dân, chỉ vì có lãnh tụ cộng sản Pháp làm Phó Thủ Tướng chính phủ. Việt kiều cũng tố cáo “Liên Hiệp Pháp” chính là đế quốc trá hình mà ông Hồ không ngớt ca tụng…. Bây giờ, ông Hồ đường đường chính chính là chủ tịch nước, do quốc hội bầu cử gian lận ( xem Trần Trọng Kim, Một Cơn Gió Bụi, trang 104 ) tấn phong. Ông Hồ tìm mọi cách dựa vào đảng cộng sản Pháp để nhờ họ giúp đỡ. Khốn nỗi, khi chưa chiếm được chính quyền, đảng cộng sản kêu gọi “hãy giải phóng các dân tộc thuộc địa”, giải phóng giai cấp bị bốc lột. Ðến khi Maurice Thorez trở thành Phó Thủ Tướng chính phủ, còn nhiều đảng viên trở thành Bộ Trưởng, thì cộng sản Pháp liền trở mặt: “Cờ đại Pháp phải được cắm lại trên các thuộc địa” ( Thorez ). Báo l’Humanité, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Pháp, số ra ngày 03/08/1944, ủy viên trung ương đảng cộng sản Pháp tuyên bố: “Nhân dân Pháp muốn rằng xứ Ðông Dương, cũng như các đại thuộc địa khác, sẽ trở về nước Pháp đầy đủ, không mất một tấc đất nào, để xây dựng một cộng đồng Liên Bang Ðại Pháp”. Tháng Giêng, năm 1945, tờ nhựt báo “Ce Soir”, cơ quan của đảng cộng sản nhấn mạnh: “Là một đại cường quốc, nước Pháp phải được tham gia vào cuộc chiến ở Thái Bình Dương. Là một đại cường quốc có thuộc địa, nó ( Pháp ) phải giữ lấy thuộc địa ở khắp nơi và tái chiếm Ðông Dương”. ( Ðặng Văn Long, Người Việt ở Pháp 1940-1954, trang XII ).

[
Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một Cơn Gió Bụi, viết xong tại Nam Vang, Cambodia 01/05/1949. Không rõ nhà xuất bản. Bản PDF của sách được xuất bản:

http://www.tusachtiengviet.com/images/file/JIqCLGit1AgQACxO/mot-con-gio-bui.pdf
]

Hồ Chí Minh cử ông Trần Ngọc Danh ( em ruột Trần Phú ) làm đại diện chính thức cho chính phủ tại Pháp từ năm 1946. Ðể lôi kéo những người không thích cộng sản, Danh tuyên bố “Hồ Chí Minh không phải là người cộng sản”. Chưa hết, Danh còn cho in lại bài phỏng vấn của nhà báo Thụy Sĩ, trong đó Hồ Chí Minh nói: “Các bạn của Việt Nam đừng quá lo ngại, chủ nghĩa cộng sản không thể nào du nhập được ở xứ tôi”. Rõ ràng chính ông là cán bộ quốc tế cộng sản, đã đem chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam từ thập niên 1920, mà bây giờ ông lại phủ nhận điều đó. Quả thật, đây là thủ đoạn của ông Hồ. Ông nói láo không ngượng miệng. Nên nhớ khi, còn ở Tân Trào, ông tâm sự với mấy người Mỹ trong toán OSS, đang huấn luyện cho du kích của ông: “những cán bộ lãnh đạo Việt Minh, đã bị mật thám Pháp vu cáo là cộng sản”. ( Chính Ðạo, Hồ Chí Minh: Con Người. Huyền Thoại, trang 357 ). Còn trong báo “Ðộc Lập” ( tức cộng sản trá hình ) xuất bản ngày Thứ Ba 04/09/1945, trong danh sách chính phủ “quốc gia” liên hiệp, ông Hồ: chủ tịch kiêm ngoại giao “đảng quốc gia” ( Xin xem tờ báo đính kèm với bài nầy ).

( Chú thích của hoangkyblog: trang web mà chúng tôi tìm thấy bài viết này không có đính kèm bài báo vừa nêu. )

Qua Thỏa Hiệp Án nầy, cũng như trong Hiệp Ước Sơ Bộ ngày 06/03/1946, Hồ Chí Minh đã bán rẽ quyền lợi quốc gia dân tộc, kéo dài thêm cuộc kháng chiến, để củng cố quyền lãnh đạo của cộng sản. Chiêu bài “độc lập”, “tự do” cũng chỉ là những công cụ tuyên truyền lừa dối. Mặt trận Việt Minh, cũng như người sáng lập ra nó ( ông Hồ ), chỉ là một cái công ty chuyên môn lừa bịp, khủng bố, đàn áp, nhưng lại ngụy trang trong bộ mặt đấu tranh “giải phóng dân tộc”. Ngoài một số trí thức có nghiên cứu về chính trị, biết rõ thủ đoạn của cộng sản, còn đại đa số người dân, hay quần chúng Việt Nam, vì chưa có kinh nghiệm, lại nóng lòng vì độc lập, tự do, nên trở thành viên gạch lót đường cho Việt Minh cộng sản tiến tới mục đích cuối cùng của họ.

Nhận xét về “Thỏa Hiệp Án 14/09/1946”

Khoản thứ 1: Việt Nam lúc đó tự nhận là một quốc gia độc lập, có chủ quyền ( dù không một nước nào trên thế giới nhìn nhận ), mà lại nhường cho Pháp các quyền tự do như chính trong nước của họ là tại sao? Tạm ước cho phép người Pháp được tự do cư trú, đi lại sinh sống, ngôn luận, văn hóa, có khác nào như Pháp sống trên lãnh thổ của họ? Ðiều đó có nghĩa là hiện ta đang chiến đấu chống ngoại xâm, tự mình buông khí giới, dùng lời nói, giấy mực… tiến hành đánh Pháp. Lại còn cho Pháp tự do buôn bán, kinh doanh không giới hạn ở nước ta, thì như vậy có khác chi tình trạng một thuộc địa như trước đây? Trong lịch sử, chưa có một quốc gia nào chống ngoại xâm theo kiểu ấy.

Khoản thứ 2: Việt Nam đồng ý trao trả lại cho người Pháp tất cả xí nghiệp, tài sản… tất cả những thứ mà ta đã tịch thu của Pháp, như vậy là trái với cương lĩnh Mặt Trận Việt Minh từ năm 1941. Nói một đàng, làm một nẻo.

Hồi chưa chiếm được chính quyền, ông kết án chế độ Pháp tại Ðông Dương: “Tại các thuộc địa Pháp, cảnh khốn cùng và đói khát ngày càng gia tăng, nổi uất hận càng dâng cao, tinh thần phấn đấu của nông dân…”, vậy mà khi đã chiếm chính quyền, ông lại dễ dàng thỏa hiệp với Pháp, nhường cho Pháp đầy đủ các đặc quyền như thời thuộc địa, tại sao? Ðể Pháp tiếp tục đàn áp, bốc lột để thống trị Việt Nam thêm một thời gian nữa, đặng ông ta rảnh tay tiêu diệt đối lập trong Chính Phủ Liên Hiệp?

Khoản thứ 3: Cho Pháp tự do đặt chương trình giáo dục, mở trường học các cấp, dạy văn hóa Pháp không hạn chế, như vậy chủ quyền độc lập của Việt Nam ở đâu? Tại sao ông Hồ phải nhượng bộ các quyền lợi cho Pháp như vậy?

Khoản thứ 4: Khi cần, Việt Nam phải ưu tiên mướn chuyên viên của Pháp. Ðiều nầy giống như Việt cộng bây giờ buộc các công ty nước ngoài ở Việt Nam, phải thuê mướn người do đảng cộng sản giới thiệu là ưu tiên, là một điều kiện không bình đẳng.

Khoản thứ 5: Là nước tự do, nhưng Việt Nam chấp nhận không có tiền tệ riêng, phải xài chung đồng bạc của các xứ Liên Bang Ðông Dương. Tiền tệ do chính ngân hàng Ðông Dương của Pháp phát hành, chớ không phải của Việt Nam. Hơn nữa đồng bạc Ðông Dương phải phụ thuộc vào đồng franc ( phật lăng ) của Pháp. Như vậy đâu còn là một quốc gia tự do như đã khẳng định ở trên.

Khoản thứ 6: Việt Nam nằm trong Liên Hiệp Pháp về giao thông, vận tải, có nghĩa là Pháp tự do định đoạt, vì Việt Nam đâu có phương tiện, máy móc tàu bè gì? Về ngoại giao, Việt Nam muốn giao thiệp với ai, phải do Pháp quyết định, như vậy có khác gì thời thuộc địa? Tại sao ông Hồ lại chấp nhận cho chính phủ Pháp quyết định vấn đề ngoại giao của ta, trong khi ta không có quyền dòm ngó, can thiệp vào việc ngoại giao của Pháp?

Khoảng thứ 9: Việt Nam phải nhìn nhận cuộc kháng chiến ở Nam Bộ từ ngày 23/09/1945 đến 14/09/1946 là bất hợp pháp, là “phá rối an ninh trật tự”. Là người dân Việt Nam, quý độc giả nghĩ sao? Việt Nam tuyên bố chống Pháp giành độc lập, nhưng bây giờ ông Hồ hợp tác với Pháp toàn diện, thỏa mãn tất cả yêu sách của Pháp, như vậy ông Hồ phản bội quyền lợi dân tộc hay yêu nước như tuyên truyền? Ðình chiến mà không đặt điều kiện có nghĩa là quân Pháp đi tới đâu ta cũng không được đánh. Việc thả tù binh, theo định nghĩa “tù chính trị” cũng rất mơ hồ. Người Pháp đưa quân đến đây để dàn áp, chém giết nhưng người Việt Nam chống lại, bây giờ lại “ân xá” trong khi cuộc chiến còn tiếp diễn. Ngoài ra Việt Nam cũng như Pháp, phải chấm dứt tuyên truyền ác cảm chính là một sự lừa phỉnh. Ðiều nầy Pháp biết, ông Hồ biết, nhưng cứ giả bộ thành thật để dối gạt lẫn nhau, để ông Hồ có thì giờ khủng bố, sát hại đồng bào, vì yêu nước, tranh dấu giành độc lập như ông, nhưng không chịu “đoàn kết trong Mặt Trận Việt Minh” với ông mà thôi. Chiến tranh kiểu gì kỳ cục vậy? Các quyền tự do mà Pháp hứa cho Việt Nam chẳng qua là một sự rao hàng, phỉnh phờ, nhưng ông Hồ dùng nó làm vốn liếng để tuyên truyền đặng câu giờ để tàn sát những phần tử yêu nước, muốn tranh giành với Việt Minh.

Trên các sách báo từ năm 1945, Việt Minh luôn tự hào là một quốc gia độc lập “nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông Nam Á”, nhưng lại chấp nhận tất cả mọi yêu sách của thực dân như hồi còn là thuộc địa. Dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Hồ được mối lợi gì, chẳng qua chỉ là cái bánh vẽ. Ðối với ông Hồ, tất cả chỉ là phương tiện, nhưng có điều tất cả những phương tiện của ông Hồ sử dụng đều có hại cho quyền lợi quốc gia dân tộc quá nhiều. Chiến thuật có hại cho dân tộc chính là sự phản quốc. Mà ông Hồ dùng các chiến thuật phá nát đất nước, tàn bạo, giết hết người yêu nước, như vậy ông Hồ chính là kẻ phản quốc, chứ không có công trạng gì với đất nước như cộng sản thêu dệt, bịa đặt để khoa trương.

Là cán bộ cộng sản quốc tế thuần thành, ông Hồ thuộc nằm lòng các thủ đoạn của đàn anh. Ông mô phỏng các mánh mung ấy nhưng không nêu xuất xứ. Bọn đàn em cứ bịa đặt thành tích rồi râm ran ca tụng như thần thánh. Nào “Bác vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lê vào hoàn cảnh Việt Nam”, nào “tư tưởng Hồ Chí Minh”, sự thật tất cả chỉ là sự bịa đặt. Thủ đoạn ông Hồ bắt tay với Pháp để ký liên tiếp hai hiệp ước sơ bộ 06/03/1946 và thỏa hiệp án 14/09/1946, chỉ là sao y mánh khóe của Lenin sau cách mạng 1917 tại Nga. Mánh khóe ấy là “nhịn giặc ngoài để diệt thù trong”. Ðó là lý do Lenin ký hiệp ước Brest-Litovsk vào ngày 03/03/1918. Hiệp ước nầy cũng gần như đầu hàng Ðức Áo, để rảnh tay tiêu diệt kẻ nội thù của đảng cộng sản. Ông Hồ còn bắt chước chiến thuật “tiêu thổ kháng chiến” của Nga hồi Thế Chiến Thứ Hai. Tuy nhiên, vì quá nô lệ, ông không phân biệt được chỗ đúng và sai, Nga là quốc gia hàn đới, mùa đông cần chỗ trú ẩn, điện nước. Phá hủy nhà cửa, cắt điện nước, tức là làm cho quân địch phải tuyệt vọng vì không thể “sống ngoài trời, thiếu điện sưởi ấm và nước để uống. Còn áp dụng tiêu thổ kháng chiến ở Việt Nam, phá dinh thự, nhà cửa, không làm cho Pháp thiệt hại gì cả, vì họ đóng quân ngoài đường, trong rừng, có nước uống. Đó là sai lầm lớn và tội trạng của ông Hồ và Mặt Trận Việt Minh, vì tới nay, trên nửa thế kỷ qua, khắp nơi trên đất nước, còn nhiều cây cầu bị Việt Minh phá hủy, chưa khôi phục lại được. Còn các tổ chức Mặt Trận Việt Minh, nêu khẩu hiệu lừa bịp ‘Kháng Nhật cứu quốc’, cũng như các tổ chức ‘chiến khu’, ‘quân giải phóng’, ‘cứu quốc’, ‘Việt gian’ tất cả đều là sự rập khuôn, mô phỏng theo tổ chức của Mao Trạch Ðông. Ông Hồ không có bất cứ một sáng kiến gì cả. Lợi dụng thời cơ kẻ địch xâm lăng Việt Nam, Pháp, Nhật, ông Hồ và Mặt Trận Việt Minh đeo mặt nạ, lớn tiếng rêu rao ‘giải phóng dân tộc, chiến đấu giành độc lập, tự do’ tất cả đều là sự giả dối, có mục đích chiếm chính quyền, rồi tiến hành đưa đất nước vào quỹ đạo quốc tế cộng sản. Chớp được cơ hội Nhật đầu hàng, Pháp chưa trở lại, Việt Minh từ rừng sâu treo bảng cách mạng, nhảy lên địa vị chính phủ một cách bất hợp pháp, mưu đồ giành lấy chủ quyền độc tôn, để bành trướng chủ nghĩa cộng sản ra các lân quốc, theo sách lược của Cộng Sản Đệ Tam. Mọi sự nhân nhượng, cấu kết với Pháp qua hai hiệp ước kể trên, không phải do tình thế bắt buộc: đó là sự dự mưu đã được ông Hồ phác thảo từ lúc mới chuẩn bị cướp chính quyền”. ( Tưởng Vĩnh Kính, Hồ Chí Minh Tại Trung Quốc, Thượng Huyền dịch, trang 371- ).

Ông Hồ thà nhường cho Pháp tiếp tục thống trị Việt Nam thêm một thời gian, chứ không muốn cho các đảng phái Việt Nam khác, đứng ra lãnh đạo một nước Việt Nam độc lập”. Ðó chính là ý đồ thầm kín của ông Hồ. Các hành động của ông lúc nầy ( 1946 ), chỉ xoay quanh ý đồ cộng sản độc chiếm chính quyền mà thôi.

Ông Hồ gặp gỡ kiều bào trên đường về

Khi hay tin Hồ Chí Minh sẽ ghé thăm và nói chuyện về hiệp ước 14/09/1946, kiều bào Việt Nam tổ chức cuộc đón tiếp ngày 17/09/1946. Lúc đó ở Pháp, có tin đồn chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sẽ bị ám sát trên đường về nước ( Ðặng Văn Long, Người Việt Ở Pháp, trang 117 ). Ðiều nầy đã chứng tỏ thái độ bất mãn của Việt kiều với ông Hồ. Trên đường xuống Toulon về nước, ông Hồ qua sân vận động, là chỗ 3000 Việt kiều tập họp để chào đoán phái đoàn. Ông Hứa Văn Nên đọc diễn văn, bày tỏ sự băn khoăn thắc mắc của kiều bào đối với Hiệp Ước Sơ Bộ 06/03/1946 và Thỏa Hiệp Án 14/09/1946. Lý do chính phủ nhượng bộ cho Pháp quá nhiều, gần như đầu hàng. Ông Nên nói:

Chúng tôi không chống đối việc thương thuyết, nhưng thấy chủ tịch nhường cho Pháp quá nhiều quyền lợi về kinh tế, chánh trị, hơn cả Hiệp Ước Sơ Bộ 06/03/1946.

Ðáp lại thái độ của công binh và của Việt kiều hồi ấy, Hồ Chí Minh không một lời nói đến sự lo ngại của công binh, mà bắt đầu bằng một sự kiện khác:

Hội nghị Fontainebleau tuy không thành công, nhưng là một thắng lợi của phái đoàn quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Không thành, nhưng hội nghị Fontainebleau là một thắng lợi của nhân dân ta, thắng lợi của toàn thể nhân dân yêu chuộng hòa bình ở khắp thế giới.

Thay mặt chánh phủ và quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do toàn dân bầu cử ( chỗ nầy sai, chỉ có miền Bắc và vài tỉnh Trung Kỳ, mà bầu cử gian lận ), tôi khuyên kiều bào là công việc chánh trị để cho những người chuyên môn giải quyết, kiều bào hãy cố gắng chăm lo học lấy một cái nghề tinh xảo, để góp vào việc kiến thiết quốc gia. Ðất nước chúng ta cần đến những người con có nghề nghiệp tinh xảo.

Tôi nhắc lại một ý kiến mà kiều bào đã biết là nước ta như người có ruộng mà không có thóc, nước Pháp là người có thóc mang sang trồng ở ruộng ta, đến vụ gắt hái đem chia đôi, hai bên cùng có lợi, có phải như thế không? Kiều bào hiểu chưa?” Không một tiếng trả lời. Hồ Chí Minh nhắc lại “Kiều bào hiểu chưa?”. Hơn 3.000 ( ba ngàn ) người im phăng phắc, ngoài một tiếng phía gần cuối hàng vụt lên “hiểu rồi”. Ðó là tiếng nói của một công binh Cơ ngoại hạng tên Nguyễn Văn Trọ” ( Ðặng Văn Long, sđd. trang 117 ).

Còn tờ báo Nam Kỳ, số ra ngày thứ hai 23/09/1946, vừa binh vực Pháp, vừa khen ông Hồ như sau:

May thay, ở phương Bắc, còn có người biết quý sinh mạng của thanh niên Pháp và Việt Nam, còn có người biết nhân nhượng, còn có người biết cố gắng, còn có người chịu khó tìm hiểu nhau, người đó là cụ Hồ Chí Minh, ông Vũ Hồng khanh và ông Sainteny ba người đã ký hiệp ước Pháp Việt ngày 6/3/1946”.

Nhưng cùng với sơ ước 06/03/1946, thuyết chia rẽ ra đời, làm cho cuộc xung đột Pháp Việt kéo dài, ở Nam bộ “Hội nghị Ðà Lạt, hội nghị Fontainebleau không thành, người ta đã tưởng tượng tới cảnh núi xương sông máu cùng khắp non sông nước Việt. Song vẫn có người sáng suốt thấy xa, vẫn có người thành thật muốn hiệp tác và chấm dứt cuộc đổ máu tai hại cho cả đôi bên, nên đồng ý ký hiệp ước tạm thời 15/09/1946 ( nguyên bản ) để cứu vãn tình hình nghiêm trọng, chấn chỉnh nhân tâm, phục hưng kinh tế trong khi chờ sang năm 1947, ký một hiệp ước vĩnh viễn. Người đó lại là cụ Hồ Chí Minh với ông Bidault, thủ tướng Ðệ Tứ Cộng Hòa Pháp…”.

Chắc chắn lời khen nầy không giá trị, vì chỉ cuối năm, chiến tranh bùng nổ. Hai bên Pháp và Việt Minh đều bịp lẫn nhau, nhưng giả bộ như thật, để chuẩn bị mở rộng chiến tranh. Chỉ có người quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc bị thiệt thòi. Lý do, ông Hồ tạm hòa với Pháp, để tiêu diệt người cùng đoàn kết với mình trong chính phủ liên hiệp. Ðó là ý đồ thầm kín của ông Hồ và thực dân Pháp.

Còn dưới đây là ý kiến của một nhân chứng thời cuộc, đã tham dự vào Mặt Trận Việt Minh, chúng ta càng thấy rõ thủ đoạn của ông Hồ:

Làm thế nào biết được khi ông ta ( Hồ ) lầm lũi trong đêm khuya đến nhà riêng xin ký với Marius Moutet? Làm thế nào biết được khi ông ta ( Hồ ) cho Pháp tất cả mọi điều Pháp muốn, từ đồng bạc đến nền ngoại giao, khi một người đàn bà vô học, cứ van lạy không thôi, cũng đòi lại đôi chút quyền lợi, nhiều hơn tạm ước 14/09”. ( Nguyễn Kiên Trung, Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử, trang 79 ).

( Chú thích của hoangkyblog: Nguyễn Kiên Trung một bút hiệu khác của văn hào Nguyễn Mạnh Côn, tác giả của “1945 Lạc Đường Vào Lịch Sử”. )

Thắng lợi tại quê nhà

Như trên đã nói, ông Hồ và hai đoàn dân biểu, bộ trưởng vừa thành lập chính phủ, đã kéo rốc sang Pháp, kể chủ tịch mới được tấn phong. Công việc nước nhà bề bộn: Pháp đưa quân chiếm đóng các tỉnh miền Bắc, chiếm các vị trí hiểm yếu. Nội bộ Việt Nam cũng rối ren không kém. Các đảng còn tranh chấp nhau, tố cáo lẫn nhau vì chánh phủ nói một đàng làm một nẻo. Nước Pháp cũng rối ren, chưa sẵn sàng đón tiếp quốc khách công du. Tuy vậỵ, ông Hồ vẫn cứ đi, đi cho vắng mặt tại Việt Nam. Ông đã có mưu đồ thầm kín. Các bộ trưởng của chính phủ mới cũng đi để khỏi thấy cảnh đồng viện, đồng bộ trưởng ở nhà đang bị sát hại bởi cái chính phủ mà họ đang tham gia.

Vừa về tới Hà Nội, Hồ Chí Minh họp báo tuyên bố: “Chúng tôi quyết đoạt được độc lập, nhưng chúng tôi cũng quyết định sống trong Liên Hiệp Pháp ( chú thích: đế quốc trá hình ). Nước Pháp yêu chuộng dân chủ và tự do. Không lý do nào mà Pháp từ chối. Tôi dám cam kết rằng chính phủ Pháp đã có ý định thi hành nghiêm chỉnh tạm ước vừa ký kết”. Chỉ 3 tháng sau, Pháp tấn công toàn diện! “Tạm ước nầy rất cần thiết, tiện sự giao hảo giữa hai nước Pháp Việt, trước khi hội nghị tháng giêng tới đây.” ( Nam Ðình, Tài Liệu Lịch Sử, trang 364 ).

Rõ ràng lời tuyên bố của ông Hồ đều hoàn toàn xảo trá. Các sự kiện xảy ra sau đó mấy tháng đã chứng minh sự thật.

Về tới Hà Nội, điều đầu tiên ông Hồ hài lòng là tất cả nhân vật thuộc các đảng quốc gia tham dự chính phủ liên hiệp đều bị loại: kẻ bị giết, người bị bắt cóc thủ tiêu, người bị giam cầm nơi kín đáo, còn người nhanh chân thì đã vượt biên sang Trung Hoa. Bây giờ Việt Minh một mình một chợ. Ðảng Dân Chủ vẫn được giữ lại làm bình phong để Việt Minh ngụy trang trong đó. Như vậy, ông Hồ phải lập chính phủ mới với các thành phần mới trong Mặt Trận Liên Việt, tổ chức cộng sản trá hình thứ hai, để thế giới không thấy rõ cả chính phủ đều là cộng sản!

Vì thế quốc hội nhóm càng sớm càng tốt. Ông Hồ âm thầm ra lịnh triệu tập quốc hội vào ngày 28/10/1946.

Trước ngày nhóm quốc hội, Võ Nguyên Giáp bố ráp một lần nữa, bắt hết cán bộ của những đảng đối lập, nên từ ngày 23 đến 27 Tháng Mười, có hơn 200 người “tình nghi đối lập” bị bắt và bị thủ tiêu như Vũ Ðình Chí, biên tập viên báo Việt Nam ( Quốc Dân Ðảng ), thường viết bài xã thuyết chống Việt Minh, chống lập trường của chính phủ.

Sau đợt nầy, không còn dối lập nữa. Ðúng ngày 28/10/1946, quốc hội nhóm tại Nhà Hát Lớn. Lần nầy chỉ còn 210 dân biểu hiện diện, 70 dân biểu đối lập thì lớp bị thủ tiêu, hoặc đang trốn, nay còn lại không quá 20 người và cũng ngã theo Việt Minh.

Ba ngày đầu, không có gì quan trọng. Ngày thứ tư 31/10/1946, Hồ Chí Minh ra trước quốc hội trình bày những hoạt động của chính phủ từ 6 tháng nay, để rồi từ chức, ông viện lẽ “tình hình biến chuyển, cần có một chính phủ mạnh mẽ hơn để đối phó mọi biến cố”.

Quốc hội hoan nghinh ( vì toàn thể đều là Việt Minh của ông Hồ ), rồi biểu quyết tặng Hồ Chí Minh danh hiệu “công dân thứ nhứt Việt Nam”, đồng ý giao cho Hồ Chí Minh lập chính phủ khác. Ba ngày sau ( ngày 3 Tháng Mười Một ), Hồ Chí Minh lại ra trước quốc hội trình thành phần chính phủ mới:

  • Hồ Chí Minh: Chủ Tịch kiêm Ngoại Giao. Vài ngày sau, Hoàng Minh Giám được cử làm Thứ Trưởng.
  • Võ Nguyên Giáp: Bộ Quốc Phòng.
  • Tạ Quang Bửu: Thứ Trưởng Quốc Phòng.
  • Huỳnh Thúc Kháng: Bộ Nội Vụ.
  • Hoàng Hữu Nam: Thứ Trưởng Nội Vụ.
  • Phạm Văn Ðồng: Thứ Trưởng Kinh Tế.

Chắc quý độc giả cũng thấy vắng các vị như Nguyễn Tường Tam ( Việt Nam Quốc Dân Đảng ), Nguyễn Hải Thần ( Ðồng Minh Hội ), Vũ Hồng Khanh. Cả ba đã trốn sang Tàu! Còn bác sĩ Trương Ðình Tri ( Ðồng Minh Hội ) cũng bị loại ra khỏi hàng ngũ.

Nghiêm Kế Tổ thì tự ý rút lui vì hiểu rõ tâm địa cộng sản. Ðó là bề mặt. Quyền hành thực sự nằm trong tay Tổng Bộ Việt Minh, tức trung ương Đảng Cộng Sản: đó là các ông Hạ Bá Cang, Trần Huy Liệu, Trường Chinh, Trần Ðăng Ninh.

Bước thứ nhất đã được ông Hồ thực hiện: loại tất cả đối lập trong chính phủ. Có điều ông khéo ngụy trang: vắng mặt để Giáp ngụy tạo tội trạng, tấn công các đảng quốc gia. Việt Minh truy đuổi họ đến tận biên giới Lào Cay hay Lạng Sơn để thực hiện việc “Việt Minh độc chiếm chính quyền, không chia xẻ với bất cứ ai”.

Sách Hồ Sơ Ðệ Tứ Việt Nam thuộc Tủ sách Nghiên Cứu Paris 2000, trang 13 viết “Cũng đi từ quan niệm độc quyền lãnh đạo, ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam đã mở cuộc diệt trừ tả hữu từ Trotkyst đến quốc gia, không cho một mầm mống nào đối lập có thể trồi lên được”. Trước đó mấy tháng, cuối năm 1945 đầu 1946, chính ông Hồ van nài các đảng đối lập “hợp tác tịnh thành với Việt Minh”, bây giờ chính ông triệt hạ họ một cách tàn bạo. “Ðoàn kết” thực tế là như vậy.

Theo chủ trương che giấu sự thật lịch sử, bưng bít các hành động phản bội và phản quốc của mình, ông Hồ và Đảng Cộng Sản Việt Nam không bao giờ dám cho đăng lại toàn bộ nội dung các bản hiệp ước: Hiệp Ước Sơ Bộ 06/03/1946, Thỏa Hiệp Án 14/09/1946.

Bản chúng tôi có trong tay do báo Nam Kỳ, thân Pháp, không phải của Việt Minh ở Sài Gòn, đăng lại. Ðiều nầy cũng giống như việc Đảng Cộng Sản Việt Nam đã ký kết hai hiệp ước bán nước, dâng đất, lãnh hải cho Trung Cộng mới đây.

( VNNB, 26/09/2002 )

Tác Giả: Hứa Hoành.

Nguồn:

http://www.danchu.net/ArticlesChinhLuan/Collection4/HuaHoanh4001.htm

http://www.geocities.ws/xoathantuong

Phần 6/6: Giới thiệu sách: “THẤT BẠI VĨ ĐẠI – Sự Ra Đời Và Cái Chết Của Chủ Nghĩa Cộng Sản Trong Thế Kỷ XX” của Zbigniew Brzeziński. Tác Giả: Từ Liên.


Sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản, xét đến cùng là về mặt trí tuệ. Nó đã bắt nguồn từ một nhận thức sai về lịch sử và về bản chất con người, nó không coi trọng nguyện vọng cơ bản của con người là tự do cá nhân, để tự biểu hiện về mặt nghệ thuật và trí tuệ.

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TRUNG QUỐC và SỰ HẤP HỐI CỦA CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN TRÊN TOÀN THẾ GIỚI

Khác với học thuyết cộng sản tương đối “thuần khiết” được áp dụng ở Liên Xô ở giai đoạn đầu, khi tới Trung Quốc, trừ một vài giai đoạn hết sức ngắn ngủi ban đầu, thứ chủ nghĩa này sau đó chỉ còn duy trì được mỗi tên gọi mà bên trong đã chứa đựng một nội dung khác xa với ý nghĩa ban đầu. Chủ nghĩa cộng sản kiểu Trung Quốc, chỉ giữ lại phần tồi tệ nhất trong học thuyết của nó [ cách cai trị tập thể, đảng độc tài nắm trong tay toàn quyền kinh tế và quyền sinh sát với dân chúng, đồng hóa áp bức toàn bộ những sắc dân sống trên lãnh thổ của mình bằng một hệ tư tưởng đầy tham vọng và giáo điều ], đã kết hợp một cách hòa bình với tư tưởng Khổng Giáo của thời phong kiến, và kết hợp khéo léo với chủ nghĩa thương mại thực dụng kiểu Trung Hoa… Sự kết hợp này, đã khiến mô hình Trung Quốc trở nên tương đối độc lập với mô hình Liên Xô.

Mặt khác, nó cũng chứa đựng trong mình nhiều vấn đề tiềm ẩn giống như Liên Xô đã phải đối mặt vào những năm cuối cùng trước khi chủ nghĩa xã hội và Đảng Cộng Sản Liên Xô lâm vào khủng hoảng và sụp đổ toàn diện. Ba trong số những vấn đề nổi bật là:

  1. Quyền lực độc đoán của Đảng Cộng Sản bao trùm trên một khu vực rộng lớn [ Trung Quốc có diện tích lớn thứ ba trên thế giới ], trong đó có nhiều sắc dân chung sống, và không phải sắc dân nào cũng đồng ý với sự thống trị của Trung Cộng, không phải sắc dân nào cũng thừa nhận rằng nền văn hóa của “Hán Tộc” là “cao” hơn hay “đặc sắc” hơn văn hóa của họ. Điều này khiến cho xu hướng đòi quyền dân tộc tự quyết luôn luôn chờ đợi để bùng nổ.
  2. Đảng độc tài toàn trị trong một thời gian dài nắm quyền, đã lan tỏa những chân rết của nó tới những hang cùng ngõ hẻm của xã hội, trong mọi lĩnh vực. Những chân rết này được nuôi dưỡng bởi những quyền lực và lợi ích nhóm do Đảng ban phát, mà đứng đầu là các thành viên cao cấp của Đảng và thân hữu của họ. Điều này khiến một nhóm nhỏ người mạnh lên nhờ bóc lột và tham nhũng, trong khi phần lớn xã hội bị chèn ép và đối xử bất công. Những tiếng nói đòi hỏi nhân quyền và dân chủ chỉ cần có môi trường và hoàn cảnh là trỗi dậy mạnh mẽ.
  3. Vấn đề thứ hai là: Bài toán hóc búa chưa có lời giải đáp giữa khát khao phát triển kinh tế và đòi hỏi cải tổ chính trị, điều mà Liên Xô sau vài thập niên loay hoay vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục cho chính họ.

Chủ nghĩa cộng sản kiểu Trung Quốc:

Những điều kiện của Trung Quốc và lịch sử của Trung Quốc khác xa với nước Nga, đã dẫn tới con đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc không diễn ra theo cùng một cách như ở Liên Xô… Trong khi nước Nga bước lên vũ đài của chủ nghĩa cộng sản từ một xã hội tư bản nửa phong kiến vào năm 1917, thì Trung Quốc đã có thời gian tiếp nhận một vài kinh nghiệm của các cuộc cách mạng xảy ra từ đầu thế kỷ XX. Có ba nhân vật đã được ghi lại trong quá trình dò đường này của Trung Quốc: Tôn Dật Tiên, Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông. Mỗi người trong ba người đó đều mượn những tư tưởng chính trị từ thế giới bên ngoài nhằm dựng lên một phong trào và một học thuyết với mục đích khôi phục sự vĩ đại của Trung Quốc trong quá khứ.

Tôn Dật Tiên / Sun Yat-sen / 孫中山, 孫逸仙, 孫文.
Tôn Dật Tiên / Sun Yat-sen / 孫中山, 孫逸仙, 孫文.

Cuộc cách mạng mang màu sắc Cộng Hòa năm 1911 của Tôn Dật Tiên là một ý định nhằm áp dụng vào điều kiện Trung Quốc những khái niệm của phương Tây như Chế Độ Lập Hiến, Chế Độ Cộng Hòa. Chủ nghĩa dân tộc của ông ta một phần cũng chịu ảnh hưởng sự thành công của Nhật trong việc áp dụng những thành tựu của phương Tây trong công nghiệp và trong tổ chức xã hội. Việc này cũng đã gặp nhiều khó khăn và phản đối trong giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên, nó cũng để lại những thành tựu nhất định.

Tưởng Giới Thạch / Chiang Kai-shek / 蔣中正, 蔣介石.
Tưởng Giới Thạch / Chiang Kai-shek / 蔣中正, 蔣介石.

Cuộc cách mạng của Tưởng Giới Thạch cũng là một mưu toan nhằm vận dụng những khái niệm hiện đại của phương Tây vào những điều kiện hỗn loạn của Trung Quốc. Tuy nhiên, Tưởng đã chọn kết hợp Chủ Nghĩa Dân Tộc với chủ nghĩa Marx thành một tình cảm thống nhất. Bản thân Tưởng cũng được Liên Xô huấn luyện và cũng đã một thời cộng tác với những người cộng sản Trung Quốc trong cuộc đấu tranh cho một nước Trung Hoa mới.

Sự hợp tác đó chấm dứt năm 1927 với sự thất bại của cái gọi là Mặt Trận Thống Nhất, mở đầu cho gần hai mươi năm liên tục đấu tranh với những người cộng sản.

Mao Trạch Đông / Mao Zedong / 毛泽东.
Mao Trạch Đông / Mao Zedong / 毛泽东.

Sự thất bại của Tưởng ở Đại Lục mở đường cho một lực lượng khác nổi lên thay thế. Phong trào mới này đã động viên được dân chúng đông đảo ở Đại Lục nhờ vào việc họ có thể kết hợp một cách khéo léo những thất vọng, cả về mặt dân tộc lẫn xã hội của nước Trung Hoa cận đại. Phong trào đó được xác định rõ ràng hơn về mặt học thuyết, và được xây dựng trên cơ sở một tổ chức chính trị có kỷ luật và hiệu quả hơn. Đó là phong trào được cộng sản và Hồng Quân đứng đầu là nhà Marxist Mao Trạch Đông lãnh đạo, từ giữa những năm 1930s với tên gọi cuộc Vạn Lý Trường Chinh.

Marx Lenin Stalin Mao.
Marx Lenin Stalin Mao.

Khi Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc Lần Thứ 7 diễn ra ở tổng hành dinh Hồng Quân tại Diên An cuối mùa xuân năm 1945, khoảng 4 năm trước khi cộng sản Trung Quốc giành được thắng lợi cuối cùng, sự đóng góp về hệ tư tưởng của Mao đã được hoan nghênh như là “tư tưởng Mao Trạch Đông” và được nâng lên tầm cỡ những nguyên tắc chỉ đạo Đảng và được coi là sự phát triển tiếp theo của chủ nghĩa Marx-Lenin-Stalin. Hành động đó biểu lộ không những tính kiêu ngạo to lớn về mặt tri thức của Mao mà còn là sự tự tin về mặt chính trị của những người cộng sản thế hệ đầu của Trung Quốc.

Điểm khác biệt giữa những nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản ở Nga và ở Trung Quốc thể hiện ở một số điểm sau:

Những người đi tìm sự đổi mới cho Trung Quốc là những người thấm nhuần lịch sử của đất nước, và đặc biệt là tư tưởng Khổng Giáo, trong đó nhấn mạnh kỷ luật và sự cai trị thường trực bởi một giai cấp quan lại vượt trội hơn hẳn về mặt đạo đức và tinh thần, đối với toàn bộ dân chúng trên lãnh thổ Trung Hoa [ Trong khi đó, điều này không được thừa nhận rõ ràng ở Liên Xô ].

Điều quan trọng hơn là, với tư cách những người thừa kế nền văn minh cổ với vài ngàn năm của Trung Quốc, họ có lòng tự tin về tri thức và văn hóa để tạo ra kinh nghiệm cách mạng của chính họ và vạch ra chiến lược của chính họ. Họ đã thực hiện một cuộc tiến công cách mạng và đã giành được thắng lợi hoàn toàn vào năm 1949.

Đây là một sự trái ngược hoàn toàn với kinh nghiệm của những người lãnh đạo Liên Xô cũng như những người đồng chí Đông Âu phụ thuộc vào Liên Xô. Phần lớn những người Đông Âu xem sự thống trị của Nga như là một sự thụt lùi về mặt văn hóa.

Những điều này được kết hợp một cách vá víu với học thuyết cộng sản và kinh nghiệm trước đây của cộng sản Liên Xô, đã tạo ra bước khởi đầu cho những cố gắng đầu tiên nhằm xây dựng lại Trung Quốc. Tuy nhiên, sau ba cuộc thử nghiệm to lớn của Mao ( trong đó cái giá phải trả cho hai cuộc thử nghiệm là hết sức đắt ) để đưa Trung Quốc đi theo mô hình của Liên Xô nhưng không thành công. Thêm vào đó, sự nhận thức dần dần về thất bại của mô hình cộng sản chính thống, những người kế nhiệm Mao đã “thức tỉnh” và quyết tâm lớn hơn trong việc tạo ra một học thuyết cộng sản riêng kiểu Trung Quốc nhằm lấp bỏ khoảng cách lịch sử rộng lớn và đầy bất lợi cho Trung Quốc trong bối cảnh mới của thế giới. Hình ảnh tiêu biểu khởi xướng cho sự thức tỉnh này là Đặng Tiểu Bình.

Đặng Tiểu Bình / Deng Xiaoping / 邓小平.
Đặng Tiểu Bình / Deng Xiaoping / 邓小平.

Điểm then chốt tạo ra sự khác biệt trong mô hình riêng này của Trung Quốc được tìm thấy trong truyền thống văn hóa lịch sử của họ. Nền văn hóa phong kiến lâu đời của Trung Hoa với những phiên bản Nho Giáo khác nhau làm trụ cột, đã chia sẻ những điểm chung quan trọng với học thuyết của chủ nghĩa cộng sản. Tư tưởng nhà nước với một vị hoàng đế tối cao thống trị, và được thờ phụng tương đương với những vị thần linh, cộng với việc coi người dân như những thần dân được cai trị trực tiếp bởi một bộ máy quan lại quan liêu và hách dịch là điều đã được chấp nhận hàng ngàn năm trong lịch sử Trung Hoa. Trái với Đông Âu bác bỏ một cách tự nhiên chủ nghĩa cộng sản, Trung Quốc chấp nhận một cách tự nhiên chủ nghĩa cộng sản do những truyền thống và giá trị lâu đời của đất nước đã hun đúc.

Cũng khác với những đồng chí trong khối Xô Viết, sự hấp dẫn về hệ tư tưởng cộng sản kết hợp với Khổng Giáo của Trung Quốc đã hấp dẫn dân chúng của họ không phải chỉ vì họ đã đánh trúng vào tâm lý của quần chúng nông dân đang khao khát về ruộng đất và những công nhân đang bất mãn với sự bóc lột của giới chủ công nghiệp trong giai đoạn đầu tiên của nền công nghiệp, mà còn do họ biết khoét sâu vào những tình cảm sâu sắc về lòng yêu nước đã bị xúc phạm và rằng Trung Quốc đã bị làm nhục bởi những đế quốc phương Tây trong hàng trăm năm, rồi lại tiếp tục với việc Nhật xâm lược Trung Quốc. Những điều đó đã kích thích nhiều người Trung Quốc vốn tự hào về nền văn hóa của mình có những tình cảm bất bình mãnh liệt với cả những người nước ngoài đáng ghét và những người lãnh đạo của họ đầy quyền uy nhưng thoái hóa và bất lực.

Sự tài tình của Chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc là họ đã có thể pha trộn hai cái đó thành một công thức, trong đó chủ nghĩa yêu nước tự giác và chủ nghĩa cộng sản không phải là những mệnh đề loại trừ lẫn nhau. Như vậy là, đối với nhiều người Trung Quốc, thắng lợi của cộng sản cũng đồng thời tiêu biểu cho sự giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị đáng căm ghét của ngoại bang. Trong khi đó, ở Đông Âu do Liên Xô thống trị, nơi mà đối với nhiều người, chủ nghĩa cộng sản lại có nghĩa là họ phải phục tùng quyền lực của “nước ngoài”.

Điều đó đã dẫn tới thực tế: Trong mỗi giai đoạn tiếp nối nhau, chính sách của cộng sản Trung Quốc ngày càng ít bị chi phối bởi những giáo huấn hệ tư tưởng chung các nước xã hội chủ nghĩa khác, đặc biệt là của Liên Xô, và ngày càng chịu ảnh hưởng nhiều hơn của ý đồ vận dụng học thuyết đó vào những điều kiện riêng biệt của Trung Quốc, đặc trên nền tảng của những truyền thống đã có, và những nhu cầu của dân tộc đã được xác định một cách thực dụng.

Ít người phương Tây có thể đánh giá được đầy đủ khoảng cách đã phát triển trong thế kỷ XIX giữa một bên là cảm nhận của người Trung Quốc về nền văn minh độc đáo, cao hơn hẳn về mặt văn hóa ( họ cho là như vậy ) và bên kia là ý thức của người Trung Quốc về sự yếu kém của họ khi đối diện với những sự làm nhục mà những cường quốc nước ngoài đã cố ý gây ra cho họ.

Giai đoạn Trung Quốc bắt chước Liên Xô như vậy là rất ngắn ngủi. Trong những năm đầu sau thắng lợi của cách mạng, Trung Quốc cũng bắt chước công cuộc công nghiệp hóa đầu tiên của Liên Xô do Nhà Nước chỉ đạo ( Đại Nhảy Vọt ). Đất nước lao vào một chương trình công nghiệp hóa đầy tham vọng với một lòng tin được đơn giản hóa đến cao độ về những lợi ích kỳ diệu về mặt xã hội của công nghiệp nặng. Để đạt được mục đích đó, viện trợ và kỹ thuật của Liên Xô đã được nhập khẩu càng nhanh càng tốt, y như kế hoạch 5 năm lần đầu tiên thời Stalin. Cố vấn Liên Xô tràn ngập đất nước, sinh viên Trung Quốc lũ lượt kéo sang các trường đại học Xô Viết, và những thành tựu của Liên Xô được tán dương trên báo chí Trung Quốc. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, kinh nghiệm của Liên Xô đã bị thừa nhận là đã phá sản tại Trung Quốc, trong Hội Nghị Trung Ương Bất Thường Lần Thứ Hai của Đại Hội Đảng Lần Thứ 8 vào Tháng Năm, 1958.

Để biện minh cho sự thất bại đó, Mao cần đến một giải pháp tạm thời khác. Tháng Chín, 1956, những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên bố một cách tùy tiện tại Hội Nghị Trung Ương Lần Thứ Nhất của Đại Hội Đảng Lần Thứ 8, rằng Trung Quốc đã hoàn thành những mục tiêu vĩ đại của Đại Nhảy Vọt, và đã bước vào “giai đoạn phát triển” trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những cố gắng cuồng nhiệt và tàn bạo nhằm cấu trúc lại nông dân Trung Quốc thành cái gọi là CÔNG XÃ NHÂN DÂN đã tạo ra một tai họa với quy mô to lớn. Hàng triệu nông dân, ước chừng là 27 triệu, đã chết do phải di chuyển nơi ở, do bị đàn áp bởi bạo lực và nạn đói.

Đến cuối những năm 1950, khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô rạn nứt mọi viện trợ của Liên Xô đã chấm dứt, chuyên gia Liên Xô đột ngột rút về nước, những phụ tùng thay thế của Liên Xô không có nữa, Trung Quốc đột nhiên ý thức được mình phải hoàn toàn dựa vào bản thân mình.

Từ giữa những năm 1960, trước sự chỉ trích từ bên ngoài của Liên Xô và một số mầm mống nổi dậy đã xuất hiện ở trong nước, Mao đã tiến hành một công cuộc “thanh lọc” bị gọi chệch đi là Cách Mạng Văn Hóa. Bạo lực bao trùm lên toàn bộ Trung Quốc. Mao già nua và bất lực thúc giục những người dưới quyền tiêu diệt lẫn nhau trong một quá trình có ngụ ý là “thay máu” cách mạng, là những cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng nhằm chống lại bọn quan liêu cầm quyền và những truyền thống của quá khứ. Kinh nghiệm Liên Xô lúc này bị tố cáo thẳng thừng và bị coi là chủ nghĩa xét lại phản cách mạng.

Kết quả là, từ 1966 đến giữa những năm 1970, Trung Quốc đã trải qua một loạt các cuộc thanh trừng tàn bạo, giết hại hàng trăm nghìn cán bộ Đảng và những chỉ huy quân sự ( trong đó có một số nhân vật của cuộc trường chinh và của cách mạng Trung Quốc ) rất được kính trọng, bắt giam và đưa đi đày ở các trại lao động cưỡng bức hàng triệu người. Tuy rằng số liệu chính xác về sử dụng bạo lực đó không bao giờ biết được, thời kỳ đó về nhiều mặt có thể so sánh với những năm tồi tệ trong thời kỳ khủng bố và thanh trừng của Stalin. Bạo lực tuy được Mao và một số người cộng sự chủ chốt khuyến khích, nhưng cũng còn được nuôi dưỡng bởi những cuộc đấu tranh không ngừng tăng lên nhằm giành quyền kế tục chính trị, y như truyền thống trong những triều đại phong kiến Trung Quốc xưa kia.

Phải mất nhiều năm với hoạt động kiên nhẫn của những người cộng sản Trung Quốc, trong đó có Chu Ân Lai, người ta mới thấy lại sự khôi phục cho những người lãnh đạo chóp bu trước đây còn sống sót, như Đặng Tiểu Bình, và sự phá hoại khủng khiếp của cuộc Cách Mạng Văn Hóa mới được chế ngự. Và phải đến cái chết của Mao vào Tháng Chín, 1976, quá trình bình thường hóa xã hội mới quay trở lại.

Chu Ân Lai / Zhou Enlai / 周恩來.
Chu Ân Lai / Zhou Enlai / 周恩來.

Vào Đại Hội Đảng Lần Thứ 12 ( Tháng Chín, 1982 ), Đặng chính thức đưa ra một cách tiếp cận mới nhằm tìm ra mục tiêu khôi phục dân tộc và uy tín quốc tế cho Trung Quốc. Được công bố vào cuối những năm 1970 và được miêu tả như là “bốn hiện đại hóa” ( hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa khoa học kỹ thuật, hiện đại hóa quốc phòng ), chương trình đó hướng tới sự mở cửa thực dụng với toàn thể ra thế giới phương Tây và làm nảy sinh nguy cơ xáo trộn tính chính thống của hệ tư tưởng ở trong nước. Quá trình mới đó cũng bao gồm việc xây dựng vị trí quốc tế của Trung Quốc: Khôi phục toàn bộ các quan hệ với Mỹ cuối năm 1978, phục hồi quan hệ về kinh tế, chính trị thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cũng đồng thời được coi là sự chia sẻ lo sợ chung về chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô.

Trong các cuộc họp Đảng, Đặng luôn ra vẻ trung thành với những lời dạy của Mao. Năm 1979, ông ta nói rằng bất cứ người công dân Trung Quốc nào cũng đều phải tuân theo “bốn nguyên tắc”; đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, chuyên chính vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng, chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, trên thực tế, dưới chiêu bài tiếp tục đường lối của Mao, Đặng đã chủ tâm xét lại đường lối đã định của Đảng, và trong quá trình đó, ông ta phải vượt qua một loạt các trở ngại to lớn về chính trị, về cả mặt học thuyết lẫn bộ máy cai trị quan liêu.

Đặng đã tỏ ra rất thận trọng và nhẫn nại trong việc tìm cách loại bỏ từ từ những lãnh đạo lớn tuổi thuộc thế hệ cũ, nặng lòng sùng bái Mao và hệ tư tưởng Marxist. Trong một chừng mực nào đó, ông ta đã làm nảy sinh các mầm mống của phong trào dân chủ nổi lên trong giới sinh viên và thanh niên. Tuy nhiên, cứ mỗi khi ông ta gặp sự phản kháng của các lãnh đạo thế hệ cũ và tầng lớp vẫn đang hưởng lợi từ việc duy trì trật tự cũ, ông ta lại sẵn lòng hy sinh những nhóm người khởi xướng những phong trào dân chủ này để làm hài lòng bộ máy của mình, để đảm bảo những làn sóng giận dữ của họ không trào dâng và xô đổ bức tường đổi mới mà ông ta đang xây dựng.

Ngay từ đầu năm 1978, hoạt động đó đã thể hiện qua những cuộc biểu tình của quần chúng và qua những người dán báo đại tự trên “bức tường dân chủ” nổi tiếng, không xa cấm thành ở Bắc Kinh. Một khẩu hiệu được dán bởi một người lãnh đạo sinh viên là Ngụy Kinh Sinh đã nói lên được ý muốn quan trọng của những người chống đối: “Không có dân chủ, không có hiện đại hóa”. Đặng đã ban cho Ngụy Kinh Sinh được hưởng 15 năm tù vì mong muốn có được “hiện đại hóa thứ năm” ( tức là đòi dân chủ hóa ). Đối với Đặng, cải cách không có nghĩa là ông ta hoặc Đảng Cộng Sản phải từ bỏ quyền lực.

Ngụy Kinh Sinh / Wei Jingsheng / 魏京生.
Ngụy Kinh Sinh / Wei Jingsheng / 魏京生.

Công cuộc cải cách của Đặng đòi hỏi không những phải trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, mà còn cả sự kế tục bản thân Đặng một cách có trật tự. Để bảo đảm cho một sự quá độ như vậy thì những người lãnh đạo cao nhất trước hết phải củng cố quyền lực của họ, gạt bỏ mọi đối thủ hiện có hoặc tiềm năng, nắm chắc tình hình cũng như chỉ định và hỗ trợ cho người kế nhiệm. Đó là trung tâm chương trình hành động của Đặng từ đầu những năm 1980. Nhờ sự khéo léo đó, ông ta dọn đường chuẩn bị cho những người kế nhiệm mình leo lên những vị trí cao nhất, trong đó có Hồ Diệu Bang.

Hồ Diệu Bang / Hu Yaobang / 胡耀邦.
Hồ Diệu Bang / Hu Yaobang / 胡耀邦.

Cũng như Gorbachev, Hồ Diệu Bang đã úp mở quan điểm cho rằng những thay đổi chính trị cơ bản là cần thiết và chúng phải được tiến hành song song với những thay đổi về kinh tế “bốn hiện đại hóa”. Bởi vì chương trình kinh tế hướng về sự mở rộng phi tập trung hóa, thì sự thay đổi về chính trị có thể dẫn tới một sự phân tán quyền lực chính trị. Tuy vậy, khi cuộc thảo luận đi đến vấn đề vai trò của Đảng, thì tác động phối hợp của lợi ích chính trị to lớn, của hệ tư tưởng giáo điều, kết hợp với thiên hướng đặc biệt của tất cả các nhà lãnh đạo cộng sản tự cho mình là những người duy nhất nhận thức được đúng đắn thực tế phức tạp xung quanh mình, lại làm xuất hiện trở lại sự khẳng định dứt khoát là vai trò lãnh đạo của Đảng cần được tiếp tục, có nghĩa là “dân chủ tập trung”, một thuật ngữ mà Lenin cố ý dùng sai để nói về sự phục tùng ngu đần [ Trang 162 ].

Điều đó, đến lượt nó, lại đặt ra câu hỏi về giới hạn của sự thay đổi, vấn đề đâu là ranh giới đích thực giữa cải cách kinh tế và cải cách chính trị, vẫn chưa được giải quyết. Gặp phải nhiều sự chống đống của những quan chức Đảng trung thành với tư tưởng cũ, Hồ Diệu Bang bị ép phải từ chức vào năm 1987.

Là một người khôn ngoan, Đặng đã tìm ra một yếu tố mới để thêm vào công thức “Đổi Mới” của mình, ông ta đã kết hợp thêm truyền thống “thương mại thực dụng” của các thương nhân Trung Quốc vào công thức của mình, do đó đã lái được sự chú ý của nhiều người qua vấn đề kinh tế. Trong đó phải kể đến công cuộc việc phi tập thể hóa và giải thể hóa công xã dần dần trong nền nông nghiệp Trung Quốc đã đẩy nhanh năng suất lao động ở khu vực nông thôn một cách bất ngờ. Quả vậy, qua vài năm, Trung Quốc đã biến từ một nước thuần túy nhập lương thực thành một nước có thể xuất khẩu lương thực – hoàn toàn trái với nước cộng sản láng giềng Liên Xô. Điều này đã khiến cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc có lý do để hài lòng và tin tưởng vào tiến trình hành động của mình.

Nhưng sự cải cách này cũng đem lại một vài hậu quả sâu xa về ý thức hệ. Khi nhiều người Trung Quốc đã thoát dần ra khỏi cái khuôn khổ chủ nghĩa cộng sản được nhào nặn bằng sự phát triển ý thức hệ và bắt đầu quan tâm đến việc bán sản phẩm tự do trên thị trường mở rộng với giá cả được quyết định bởi quy luật cung cầu, nó tạo ra nguy cơ làm suy yếu sự kiểm soát trực tiếp của Đảng đối với một dân tộc quá đông – dù rằng có thuận lợi lớn cho nền kinh tế Trung Quốc. Nguy cơ này, lại cảnh tỉnh những người cộng sản, khiến họ phải xây dựng những hệ thống tường rào khác để bảo vệ cho quyền lợi của mình.

Đến năm 1984, chính quyền của Đặng lại mở cửa cho những xí nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, nhất là trong lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu. Một khi đã tạo ra việc mở cửa này thì khuynh hướng văn hóa của xã hội Trung Quốc đối với sáng kiến của người phụ trách xí nghiệp nhanh chóng được thể hiện. Theo một báo cáo của CIA đệ trình lên Quốc hội Mỹ vào Tháng Tư, 1988 thì 300.000 xí nghiệp như thế, cũng như thêm 20 triệu cơ sở kinh doanh một người hay một gia đình, đã ra đời năm 1987.

Vào đầu những năm 1980, Trung Quốc đã lập nhiều cái gọi là đặc khu kinh tế trong các vùng duyên hải Trung Quốc, đặc biệt là Thẩm Quyến, Sán Đầu, Chu Hải và Hạ Môn để thu hút đầu tư nước ngoài. Sự có mặt của nước ngoài và hoạt động kinh tế trong các vùng này thực tế là tạo ra một loạt ốc đảo tư bản chủ nghĩa bên trong nền kinh tế Trung Quốc.

Năm 1987, xuất khẩu của Trung Quốc tăng vụt lên 25% và ngoại thương Trung Quốc đạt đến mức đáng kính nể là 80 tỷ, gấp 4 lần mức năm 1978.

Đồng thời, Trung Quốc đã gởi số tương đối lớn những sinh viên có khả năng – và trong nhiều trường hợp, có những liên hệ thân thích về phương diện chính trị – ra nước ngoài học tập. Kết quả là một sự tổn thất không tránh khỏi trong việc kiểm soát trực tiếp ý thức hệ đã được thừa nhận – dù rằng với đôi chút miễn cưỡng chính thức và có lúc căng thẳng – nhằm thu được lợi ích từ các nước phương Tây tiên tiến hơn về công nghệ và khoa học. Nổi bật nhất về phương diện này là việc rất nhiều sinh viên như thế đã được gửi sang Hoa Kỳ, kẻ thù tư tưởng của Trung Quốc trong thời gian trước kia. Người ta đã ước lượng rằng vào năm 1987 có khoảng 27 nghìn sinh viên Trung Quốc đang học tập tại các trường đại học Mỹ, so với số ít ỏi sinh viên từ Liên Xô. Năm 1988, trường Đại Học Harvard cho biết rằng trường Đại Học Bắc Kinh đã trở thành một trong 10 trường đứng hàng đầu thế giới về cung cấp sinh viên đối với các chương trình đào tạo của trường Harvard [ Trang 168 ].

Tuy nhiên, những cải cách như thế không phải là không đau đớn. Khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc tăng nhanh do việc thâu tóm đất đai nông nghiệp. Quan trọng hơn, phần lớn những người được trao quyền để mở rộng làm ăn trong những lĩnh vực mới và trên quy mô lớn cũng đều là người của các quan chức Đảng và bà con họ hàng của họ. Điều này càng củng cố sự ưu việt và tính hợp pháp của Đảng, khiến cho bất kỳ một nỗ lực cải tổ nào cũng trở nên khó khăn, do sự đụng chạm quyền và lợi ích quá lớn lao. Cuối cùng thì, những sự phát triển của các thành phần được gọi là “tư bản đỏ” này lại trở thành một cánh tay nối dài cho quyền lực của Đảng. Nó đưa thêm vào nhiều lý do khiến xu hướng tập trung quyền lực của Đảng lại càng trở nên cần thiết đối với một bộ phận lớn đảng viên và những người bà con thân thích của họ.

Tham nhũng cũng trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Những bài tường thuật của báo chí Trung Quốc đã kể lại những vụ quan chức ăn cắp hàng triệu tới hàng tỷ đô la của nhà nước thông qua việc buôn lậu, lừa gạt và lợi dụng công khai trắng trợn. Ăn hối lộ để nhận được những hàng hóa hay vật tư khan hiếm, kể cả ở những người sản xuất và người tiêu dùng, đã trở thành một vấn đề lan tràn khắp nơi. Lạm dụng quyền lực chính trị và thiên vị trong phân phối tài nguyên kinh tế, chẳng hạn như chất đốt, xảy ra ở mọi nơi. Tháng Giêng, 1986, các lãnh đạo Đảng đã phát động một chiến dịch nhằm “chỉnh đốn Đảng”. Nhưng chừng nào các tài nguyên còn được phân phối không theo thị trường mà bằng ý chí của bộ máy Nhà Nước và Đảng thì các loại tham nhũng này vẫn còn tiếp tục diễn ra như thế.

Thêm vào đó, việc cùng tồn tại một nền kinh tế dựa trên việc hoạch định giá cả do trung ương đề ra một cách độc đoán với một nền kinh tế do thị trường điều khiển đã tạo ra một sự hỗn loạn lớn lao đối với những người làm kế hoạch Trung Quốc. Đối với những nhà quản lý ngày càng độc lập trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh; đối với các nhà kinh doanh tư nhân mới đang nổi lên và đối với các thương gia nước ngoài. Sự hỗn loạn trong hệ thống giá cả là nguồn gốc của những đình trệ trong nền kinh tế, và nó cũng góp phần vào những áp lực lạm phát nguy hiểm tiềm tàng. Làm thế nào giải quyết vấn đề này vẫn là đề tài nan giản, về mặt kinh tế cũng như về mặt học thuyết, mà có khả năng dẫn đến sự chia rẽ dữ dội giữa những nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Chủ nghĩa cộng sản thương mại có thể thoái hóa thành chủ nghĩa cộng sản tham nhũng, mà sự tham nhũng trước hết lây lan và làm suy đồi tầng lớp quan chức trong Đảng, rồi sau cùng đưa nhanh đến một cuộc đàn áp và phản ứng tập trung về chính trị. Trong khi đó, chủ nghĩa đa nguyên kinh tế ngày càng nổi lên có thể sinh ra sự bất ổn trong dân chúng ngày càng lớn, và xuất hiện ngày càng nhiều những yêu cầu đòi dân chủ hơn.

Những vấn đề chính trị cũng được đặt ra, khi tình trạng khó xử không thể tránh được của việc phi tập trung hóa kinh tế lại được thiết lập trong một cái khung chính trị tập trung. Kinh tế phát triển chắc chắn xung đột với chính trị độc quyền. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải lựa chọn giữa thỏa hiệp về phi tập trung hóa hay nhượng bộ về kiểm soát chính trị. Nhượng bộ trên mặt trận chính trị rõ ràng có nghĩa là thu hẹp hơn nữa vai trò quản lý hành chính của Đảng. Trong khi đó, sự giới hạn hơn nữa vai trò của Đảng lại càng mở rộng cửa cho sự bất đồng quan điểm chính trị công khai.

Nét nổi bật của vấn đề này càng rõ ràng do sự xuất hiện các bất đồng như thế trong giới sinh viên và trí thức. Đối với các lãnh tụ của Đảng, những yêu cầu quá đáng về tự do hóa chính trị hơn nữa – được đẩy mạnh vào cuối những năm 1980, đã khiến họ phải xuống tay để bảo vệ quyền lợi mà họ chưa chuẩn bị để nới lỏng của mình – mà sự kiện Thiên An Môn là một trong những hậu quả đau buồn nhất và thể hiện sự bất lực trước bài toán kinh tế và chính trị hóc búa mà họ chưa thể giải đáp.

Mặc cho những điều kiện lịch sử – văn hóa đặc thù đã khiến cho Trung Quốc trở thành một trường hợp độc đáo khác xa với Liên Xô, giúp họ tận dụng được hoàn cảnh quốc tế, và vượt qua những khủng hoảng ban đầu, nhưng khi câu hỏi lớn nhất không có lời giản đáp lại quay trở lại với cùng một mệnh đề như ở Liên Xô và các quốc gia cộng sản Đông Âu, thì những nguyên nhân đã dẫn đến cuộc khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô… sẽ đặt chân lên ngưỡng cửa Trung Hoa, có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian…

SỰ HẤP HỐI CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN

Chủ nghĩa cộng sản xuất hiện ở Liên Xô, bị bác bỏ ở Đông Âu, và ngày càng trở thành thương mại hóa ở Trung Quốc, đã trở thành một hệ tư tưởng mất uy tín trên toàn thế giới. Chủ nghĩa Marxist-Leninist – sự thống nhất lý thuyết và hành động – đã không còn được tôn trọng ngay cả trong các đảng viên như là một sự chỉ dẫn có giá trị phổ quát cho việc kiến thiết lại xã hội trong thực tiễn.

Khắp thế giới, ngày nay, người ta cho chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Xô Viết là đồng nghĩa với sự phát triển bị kìm hãm. Quan điểm này ngự trị ở cả hai phần của Châu Âu, ở Viễn Đông, ở Đông Nam Á và ở Bắc Mỹ. Nó cũng đang bắt đầu ảnh hưởng quan điểm của những người lãnh đạo dư luận ở Châu Mỹ Latin và Châu Phi.

Trong khi ở những phần phát triển hơn của thế giới, có rất ít người tìm thấy ở chủ nghĩa cộng sản một chương trình thích hợp cho tương lai, thì trong các quốc gia đang phát triển, những nhược điểm của mô hình phát triển Xô Viết được chứng minh hùng hồn bởi số phận của nhiều nước đã chọn đi theo nó.

Tình trạng nhất trí mới của thế giới nói lên một sự thay đổi có tính chất thời đại và kéo theo những hậu quả chính trị tai hại đối với chủ nghĩa cộng sản thế giới. Chủ nghĩa cộng sản đã từng có sức hấp dẫn trước hết đối với những người bất mãn do điều kiện không được ưu đãi hay do sự áp bức dân tộc, họ nhìn thấy ở đây một lối thoát đi đến quyền lực chính trị. Tình trạng nghèo khổ, lạc hậu và sự thù địch dân tộc tạo ra cơ sở thuận tiện nhất cho sức thu hút của nó. Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi…

Sự suy sút về tầm quan trọng tư tưởng và về nhiệt tình chính trị của chủ nghĩa cộng sản có thể được nhìn thấy qua một cuộc họp tập hợp 93 Đảng Cộng Sản ở Praha vào giữa Tháng Tư, 1988 để chuẩn bị lần kỷ niệm thứ 30 cơ quan cộng sản quốc tế cuối cùng còn sót lại do Liên Xô nâng đỡ là tờ World Marxist Review ( tức tờ “Những Vấn Đề Hòa Bình Và Chủ Nghĩa Xã Hội” ). Cuộc họp gần như đã hoàn toàn rơi ra khỏi tầm chú ý của của thế giới, và chỉ được đăng với một vài nhận xét ngắn gọn và qua loa trong báo chí cộng sản.

Trong khi thế giới xích lại gần nhau và tiến hành hàng loạt những chương trình hợp tác, thì trong nội bộ các nước cộng sản lại diễn ra những cuộc đấu tranh liên miên với nhau. Sự sụp đổ về kỷ luật, sự sa sút về kinh tế, và sự phai nhạt về đạo đức, vốn gắn liền trực tiếp với sự xói mòn sức thu hút của Liên Xô, với tư cách một mẫu mực của chủ nghĩa xã hội đã là minh chứng hùng hồn cho việc lý thuyết cộng sản bị tan vỡ, thực tiễn cộng sản hiện nay bị xem là một thất bại trên khắp thế giới. Tất cả những điều này báo trước sự kết thúc sắp đến của chủ nghĩa cộng sản với tính cách một hiện tượng thế giới quan trọng vào đầu thế kỷ XX.

Xét về mặt lý thuyết, lẽ ra chủ nghĩa cộng sản phải thắng lợi nhiều nhất ở thế giới đã phát triển. Theo học thuyết kinh điển của Marx thì cách mạng xã hội chủ nghĩa lẽ ra phải xảy ra ở các nước phát triển như là hậu quả lịch sử tất yếu của cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản ở trong xã hội công nghiệp hóa. Vào năm 1961, Đảng Cộng Sản Liên Xô tuyên bố, trong cương lĩnh mới được thông qua của nó rằng “quá trình giải thể tất yếu đã trùm lên chủ nghĩa tư bản từ trên xuống dưới” và “cuộc tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản” đang diễn ra [ Trang 200 ].

Không những sự “chẩn đoán” này là sai lầm, mà vào khoảng cuối thế kỷ XX, một mệnh đề còn mạnh mẽ hơn nảy sinh: xã hội càng tiến lên thì Đảng Cộng Sản của nó càng trở thành ít cần thiết về mặt chính trị. Điều này làm đảo lộn cả học thuyết của chủ nghĩa cộng sản, trong khi nó thất bại ở nơi nó có hy vọng thành công, thì nó lại có vẻ thành công ở nơi mà theo học thuyết, các điều kiện xem ra là quá sớm về mặt lịch sử cho sự thành công của nó.

Điều ngược đời này cuối cùng dùng đã làm cho chủ nghĩa cộng sản mất luận điểm trung tâm của nó: Nó vẫn tự cho rằng nó đang đứng ở điểm cao nhất của lịch sử, rằng nó đại diện cho tương lai, và sự thắng lợi tất yếu của nó là biểu hiện sự tiến bộ của loài người. Lối đơn giản hóa quá đáng của nó đã không thể nào bao quát được tất cả những tình trạng phức tạp của cấu trúc xã hội của xã hội tiên tiến. Quan điểm mà Marx đưa ra về địa vị trung tâm của giai cấp vô sản công nghiệp cũng không trở thành hiện thực.

Học thuyết này cũng không thể cung cấp một sự hướng dẫn có ý nghĩa nào tới các chính sách xã hội mà mặc nhiên là cần phải tiếp thu những sự cải tiến sáng tạo của các khoa học mới và kỹ thuật cao. Toàn bộ khu vực cộng sản đã trở nên tụt hậu về kinh tế, lạc hậu về xã hội so với những phần khác của thế giới. Học thuyết của nó hoàn toàn không có tính sống động và không có khả năng thích nghi khi hoàn cảnh thay đổi. Đối diện với nền dân chủ của phương Tây là nơi những sự lựa chọn được tiến hành trên cơ sở tranh luận công khai, chủ nghĩa cộng sản đã không thể đối phó lại, và nó đã tự phơi bày sự không thích nghi rõ rệt của nó đối với thời hiện đại.

Sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản, xét đến cùng là về mặt trí tuệ. Nó đã bắt nguồn từ một nhận thức sai về lịch sử và về bản chất con người, nó không coi trọng nguyện vọng cơ bản của con người là tự do cá nhân, để tự biểu hiện về mặt nghệ thuật và trí tuệ. Và trong thời đại của trí thức và thông tin đại chúng, con người ngày càng muốn có sự tự do lựa chọn về chính trị. Nó cũng coi nhẹ mối quan hệ hữu cơ giữa một bên là hiệu quả kinh tế với sáng kiến đổi mới và một bên khác là sự khao khát của cá nhân về phúc lợi vật chất. Như vậy chủ nghĩa cộng sản đã bóp nghẹt sự sáng tạo xã hội ngay cả khi họ tự nhận mình là chế độ xã hội sáng tạo và đổi mới nhất.

Nó đã đánh giá thấp vai trò các dân tộc và chủ nghĩa dân tộc, do đó mà đã bị choáng trước những cuộc xung đột dân tộc trong các nước xã hội cộng sản. Nó cũng không thấy được sự hấp dẫn của tôn giáo nên nó đã bị bất ngờ về sự chống đối ở Ba Lan dựa trên đạo Thiên Chúa và sự hồi sinh của Hồi Giáo ở ngay chính Liên Xô. Điều cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, trong khi cuộc cách mạng kỹ thuật điện tử đã làm thay đổi bản chất sự phân phối quyền lực và cơ cấu xã hội ở các nước tư bản phát triển, thì những người theo chủ nghĩa Marx-Lenin vẫn còn bám lấy những khái niệm lỗi thời trong những giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp.

Thế kỷ XX như vậy đã không trở thành thế kỷ của chế độ cộng sản như những người cộng sản đã tuyên bố. Không những vậy, vào cuối thế kỷ XX, chủ nghĩa cộng sản ở khắp mọi nơi trên thế giới, không những lạc hậu với tư cách một cương lĩnh xã hội mà còn không cần thiết về mặt chính trị.

Một thứ chủ nghĩa thiếu sức sống, thiếu khả năng thích nghi, ích kỷ, và không còn cần thiết như vậy, khi gặp những biến động lớn từ bên ngoài ập tới hoặc từ bên trong trỗi dậy, thường rất có rất ít khả năng tự giải quyết hoặc chuyển hóa những khó khăn của mình thành cơ hội… Nó có thể khuyến khích tham vọng của những người đang được hưởng lợi ích to lớn từ hệ thống để những kẻ này dùng bạo lực đàn áp số đông còn lại trong một khoảng thời gian nào đó… Nhưng điều này chắc chắn là không thể kéo dài mãi mãi… Trong một thế giới liên tục đổi thay, chủ nghĩa cộng sản và những kẻ trục lợi từ hệ thống cai trị của chúng không thể trục lợi mãi dựa trên một thứ lý thuyết đã mục ruỗng và hấp hối…, trong khi đại bộ phận dân chúng ngoài kia đã và đang sống bằng những chất liệu của cuộc đời thực sống động, sáng tạo và không ngừng đổi thay… Vấn đề còn lại sẽ chỉ là thời gian, và việc con người có thể tận dụng được bao nhiêu những điều kiện của hiện tại để rút ngắn khoảng cách có thể tạo ra những đổi thay lớn lao này…

Tuy nhiên, một kịch bản đổi thay dẫn đến việc đưa chủ nghĩa cộng sản trở thành một di sản đáng buồn của lịch sử, sẽ khó có thể xảy ra nếu người ta dùng khoảng thời gian đó chỉ để chờ đợi. Khoảng thời gian đó cần phải dùng vào việc chuẩn bị cho một bộ phận lớn dân chúng sẵn sàng về mặt tri thức, hành động và những ý tưởng kiến tạo xã hội mới trên các lĩnh vực khác nhau… để có thể trong một chừng mực nào đó, lấp vào những khoảng trống cần thiết gồm nhiều những cái hố sâu đầy nguy hiểm mà chủ nghĩa cộng sản đã để lại trong suốt một thời gian dài.

Sự gặp gỡ đầy thảm họa của nhân loại với chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ XX đã cho chúng ta một bài học đau đớn nhưng cực kỳ quan trọng: Đó là sự xây dựng xã hội một cách ảo tưởng về căn bản đã xung đột với tính phức tạp của điều kiện con người, và sự sáng tạo xã hội chỉ nảy nở tốt nhất khi quyền lực chính trị bị thu hẹp. Bài học cơ bản đó cho thấy chính là nền dân chủ, chứ không phải chủ nghĩa cộng sản sẽ thống trị trong thế kỷ XXI [ Trang 258 ].

Tác Giả: Từ Liên.

Phần 5: Giới thiệu sách: “THẤT BẠI VĨ ĐẠI – Sự Ra Đời Và Cái Chết Của Chủ Nghĩa Cộng Sản Trong Thế Kỷ XX” của Zbigniew Brzeziński. Tác Giả: Từ Liên.

Do đó, để công bằng với Gorbachev, phải nói rằng ông ta không có gì nhiều để chọn lọc trong vấn đề hóc búa này. Từ bỏ cả chủ nghĩa Stalin lẫn chủ nghĩa Lenin có nghĩa là bác bỏ toàn bộ thời đại cộng sản.

Mikhail Sergeyevich Gorbachev.
Mikhail Sergeyevich Gorbachev Lãnh đạo tối cao Thứ Tám và Cuối Cùng của Liên Bang Sô Viết.

GORBACHEV VÀ NHỮNG DI SẢN CỦA THỜI KỲ TRƯỚC ĐÓ…

Di sản Stalin vẫn kéo dài không phải chỉ vì có lợi cho những người kế nhiệm cộng với những đồng chí thân cận và trung thành của họ. Nó tồn tại bởi vì nó đã trở thành một cơ cấu rộng lớn các đặc quyền chồng lên nhau, những quyền kiểm soát, ban thưởng, và lợi ích được ban phát. Nó kéo dài cũng còn vì quần chúng Xô Viết đông đảo mới được đô thị hóa chưa thể tiếp nhận một sự thay đổi khác, bởi vì, hàng nửa thế kỷ họ đã bị nhồi nhét quan điểm rằng, thời đại của họ tượng trưng cho một bước tiến khổng lồ của nhân loại.

Nhà sử học Leonid Batkin.
Nhà sử học Leonid Batkin.

Điều quan trọng hơn hết, chủ nghĩa Stalin vừa kéo dài, vừa trì trệ bởi vì NÓ LÀ MỘT HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ MÀ KHÔNG CHỨA ĐỰNG MỘT ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ THỰC SỰ. Nhà sử học Leonid Batkin đã viết trong tờ báo Nedelya số 26 năm 1988, trong dịp có những cuộc tranh luận công khai nổ ra phản ứng lại di sản của Stalin: “…Hoạt động chính trị đã biến mất khỏi đời sống xã hội chúng ta từ cuối những năm 1920s… nó đã thôi không còn là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt của con người, trong đó chứa đựng những sự khác biệt về giai cấp và lợi ích của các nhóm đặc thù, và chúng va chạm nhau, trong đó có sự so sánh trực tiếp, công khai các lập trường và những phương pháp được đề xuất để đưa chúng đến một sự thỏa hiệp năng động nào đó. Hoạt động chính trị biến mất và thế là mọi cái đều trở thành ‘chính trị’” [ Trang 34 ].

Ngay từ những năm sau cùng của thời đại Leonid Brezhnev, một cảm giác bất an đã phát triển trong một bộ phận của tầng lớp Xô Viết ưu tú. Một nỗi lo âu về suy thoái, về sự mục nát của hệ tư tưởng, về sự cằn cỗi của văn hóa đã nảy sinh. Nó không những bắt đầu thấm vào các giới trí thức mà còn lây sang cả một số thành viên của giới lãnh đạo chính trị, những người đang ngày càng lo lắng về khoảng cách đang tăng lên về sự lạc hậu giữa Liên Xô với Mỹ, đối thủ của họ.

Cũng theo lời của sử gia nói trên, “trong khi hệ thống Stalin tiêu diệt hàng triệu con người thì những người như Niels Bohr, Norbert Wiener, James Dewey Watson và Francis Harry Compton Crick đang làm việc. Trong khi hệ thống Brezhnev đưa đất nước chúng ta đến một tình trạng kém cỏi, thì thế giới phát triển tia laser, máy tính cá nhân và chứng kiến sự bùng nổ của cuộc cách mạng hậu công nghiệp” [ Trang 34 ].

Sự bi quan trong tầng lớp thượng lưu Xô Viết trái ngược sâu sắc với chủ nghĩa lạc quan khoác lác thời Khrushchev. Chỉ mới hai thập kỷ trước, bắt đầu năm 1958, Bí thư thứ nhất Nikita Khrushchev bắt đầu rêu rao công khai là Liên Xô sẽ sớm “chôn” nước Mỹ trong cuộc chạy đua kinh tế. Nhà lãnh đạo Xô Viết đã khẳng định trong nhiều dịp là đến đầu những năm 1970, “Liên Xô sẽ chiếm vị trí thứ nhất trên thế giới” về sản xuất kinh tế và điều đó “sẽ bảo đảm cho nhân dân chúng ta có những mức sống cao nhất trên thế giới”. Xã hội Xô Viết sẽ giàu hơn xã hội Mỹ, nền kinh tế của nó có hiệu quả hơn, và “tòa lâu đài tráng lệ của chủ nghĩa cộng sản” cho phép thiết lập “nguyên tắc phân phối theo nhu cầu”.

Những lời huênh hoang này còn được ghi vào cương lĩnh hành động của đảng cộng sản cầm quyền được thông qua năm 1961.

Trong thực tế, vào giữa những năm 60, những lời ba hoa đó đã chỉ đơn thuần là bức màn che giấu thực tế đáng buồn của sự trì trệ. Vào đầu thập niên 1970, kinh tế Liên Xô đã đạt tới mức bằng hơn một nửa tầm vóc kinh tế Mỹ. Nhưng trong những năm 1970, tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Liên Xô mất đà và kinh tế teo lại. Cái đất nước tự xem mình sẽ trở thành cường quốc kinh tế thứ nhất trên thế giới đã bị Nhật Bản vượt qua, nền kinh tế của nước này không những đã phát triển nhanh hơn Liên Xô mà về kỹ thuật còn tiến xa hơn nhiều. Thật vậy, khoảng cách bi đát về mặt kỹ thuật ngày càng mở rộng trở thành mối lo âu của những thành viên có nhận thức sâu sắc và trong cả giới thượng lưu Xô Viết. Giới thượng lưu đó nhận thấy rằng tiến bộ kỹ thuật cao đòi hỏi phải có cách tân khoa học công nghệ, và Liên Xô hiện nay hết sức lạc hậu, đặc biệt là trong việc áp dụng công nghệ vào kinh tế xã hội.

Nhiều số liệu công khai đã nói lên một thực tế bi đát. Đất nước tự khoe khoang là mũi nhọn sắc bén của sáng kiến đã lâm vào cảnh khó khăn trong những giai đoạn giữa của thời đại công nghệ hóa mà không thể vượt qua được. Dưới đây là một số dẫn chứng: Nền kinh tế Liên Xô không những tụt lại sau trong cuộc chạy đua công nghệ mà còn lãng phí lạ thường. Không có sự kích thích từ bên trong, chẳng những khu vực công nghiệp của Liên Xô mà cả những bản sao chép của nó ở Trung Âu đã trở thành những công trình bất hủ về tình trạng quan liêu, vô hiệu quả, và sự phung phí quá đáng tài nguyên mà không đem lại lợi ích gì cho sản xuất. Những điều này đã được liệt kê trong quyển sách “Điều Tra Kinh Tế, Đông và Tây” ( London, 1987 ), của nhà kinh tế học Ba Lan, giáo sư Jan Winiecki cho rằng những nền kinh tế theo kiểu Liên Xô, đã tiêu thụ năng lượng lớn hơn hai tới ba lần cho một đơn vị sản xuất so với nền kinh tế các nước phương Tây dựa trên thị trường.

Giáo sư Jan Winiecki nhà kinh tế học Ba Lan.
Giáo sư Jan Winiecki nhà kinh tế học Ba Lan.

Vào những năm 70, sự vô hiệu quả có tính kinh niên của hệ thống kinh tế tập trung, cùng với những điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã buộc những nhà lãnh đạo Xô Viết hàng năm phải bỏ ra hàng tỷ đô la, ngoại tệ mạnh để nhập lương thực.

Theo báo cáo hàng năm của GATT ( The General Agreement on Tariffs and Trade ), Liên Xô tụt từ vị trí thứ 11 năm 1973 xuống vị trí thứ 15 năm 1985 trong xuất khẩu hàng công nghiệp và trong những năm giữa hai thời điểm đó đã bị Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong và Thụy Sĩ vượt qua.

Xét một cách chung hơn, 40 năm sau khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, xã hội Xô Viết vẫn còn phải thi hành một phần sự hạn chế về khẩu phần lương thực thực phẩm, và chịu đựng tình trạng thiếu liên tục hàng tiêu dùng. Đứng xếp hàng nhiều giờ hàng ngày là thường lệ đối với đại đa số các bà nội trợ ở các thành phố Liên Xô.

Nạn nghiện rượu tiếp tục lan tràn trong khi sự chăm sóc về y tế cho người dân Xô Viết bình thường nói chung xuống cấp. Tháng Ba, 1987, Bộ trưởng Bộ y tế Liên Xô mới được bổ nhiệm tiết lộ là một tỷ lệ lớn các bệnh viện Xô Viết không có nước nóng, cống rãnh không có đủ, thiếu điều kiện cải thiện vệ sinh. Không có gì lạ khi tuổi thọ của nam giới giảm rõ rệt từ 66 tuổi xuống 62 tuổi trong những năm Brezhnev cầm quyền so với 71,5 tuổi ở Mỹ, và tỷ lệ chết của trẻ em cao hơn 2,5 lần ở Mỹ, và như vậy là đặt Liên Xô vào vị trí thứ 50 trên thế giới, sau Barbados.

Nhóm duy nhất thực sự được miễn chịu đựng gian khổ đó là đám quan liêu của đảng cầm quyền, tầng lớp trên trong giới quân sự và quản lý. Được mua hàng ở những cửa hàng đặc biệt kín đáo, được chữa bệnh ở những bệnh viện tốt và ở những trung tâm nghỉ ngơi đặc biệt, lợi ích của chủ nghĩa xã hội chỉ được dành cho một giai cấp.

Một cuộc điều tra dư luận xã hội đáng chú ý được đăng trên báo “Tin tức Moskva” ngày 3/7/1988 cho thấy gần một nửa công chúng Xô Viết không nghĩ rằng họ sống trong “một xã hội công bằng. Nỗi bất bình lớn nhất chĩa về phía những đặc quyền của đám quan liêu bao cấp. Sự bực bội tăng lên theo thứ tự những đặc quyền đó bao gồm “những kiện hàng thực phẩm, những cửa hàng riêng”, “tự do có bất cứ cuốn sách nào, hoặc dự các buổi biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim”, “những căn phòng trong các nhà cao cấp ở những khu sang trọng” và những “biệt thự của nhà nước”.

Sự bất bình xã hội đó đã tăng mạnh do thực tế là chất lượng sống của quần chúng rõ ràng là không được cải thiện trong một thời gian dài, và thậm chí còn tồi tệ hơn ở một số mặt quan trọng.

Đã đến lúc không còn có thể rêu rao và khoe khoang như vào những năm dưới thời Stalin rằng cuộc sống ở Liên Xô tốt hơn ở bất cứ nơi nào khác.

Năm 1987, một nhân vật lãnh đạo của Viện Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô, Evgueni Afanasiev, đã giải thích “Xã hội Xô Viết sống trong một tình trạng cố ý tự cô lập về mặt trí tuệ, điều đó có nghĩa là nó không biết gì về phương Tây. Bản thân chúng ta không quan tâm gì đến Max Weber hoặc Emile Durkheim hay Sigmund Freud hoặc Arnold Joseph Toynbee, hoặc Oswald Arnold Gottfried Spengler. Đó không phải chỉ là những cái tên, mà còn có những thế giới, những hệ thống đa dạng của thế giới ở đằng sau những cái tên đó. Nếu một xã hội thiếu sự hiểu biết những thế giới đó, thì điều đơn giản là nó sẽ bị rơi khỏi thế kỷ XX, nó sẽ tự thấy mình đứng ngoài rìa những phát minh quan trọng nhất của thế kỷ” [ Trang 38 ].

Nhận thức về sự cần thiết phải thay đổi, phải cải cách và cải tiến lớn hơn, cuối cùng đã nổi lên với một quy mô chính trị to lớn sau khi Brezhnev chết năm 1982. Trong hơn hai thập kỷ bị lãng phí. Kết quả là những di sản cần phải vượt qua đã trở thành chồng chất lên nhau và thành một cản trở vô cùng đồ sộ.

Hệ thống Xô Viết tồn tại lúc này là sản phẩm xơ cứng của ba giai đoạn tạo thành gắn bó chặt chẽ với nhau và xếp chồng lên nhau:

  1. Dưới thời Lenin, đó là một đảng cực quyền với mục đích xây dựng lại xã hội.
  2. Dưới thời Stalin, đó là một nhà nước cực quyền đã hoàn toàn khống chế xã hội.
  3. Dưới thời Brezhnev, đó là một nhà nước hoàn toàn trì trệ bị thống trị bởi một đảng cực quyền đã bị thoái hóa.

Muốn cải tổ chế độ hiện hành thì phải tấn công vào ba người cầm đầu lịch sử của ba thời kỳ đó. Nhưng mà, làm như vậy sẽ có nguy cơ phải đạp đổ những thể chế cơ bản của quyền lực và làm nổi dậy sự chống đối của nhiều bộ phận nhân dân Xô Viết mà về tinh thần vẫn còn tin theo Stalin. Do đó, để thành công, bất cứ cải cách nào cũng phải đi từng bước, phải lay chuyển từ tầng lớp này đến tầng lớp khác, củng cố bước tiến đã đạt được, và phải hết sức cẩn trọng để không làm cho các lợi ích chủ quan và khách quan đang tồn tại đối lập lại mình.

Tấn công vào di sản Brezhnev là dễ hơn và vì nó cho thấy rõ tình trạng đồi bại cá nhân, trì trệ xã hội, lạc hậu rõ về kinh tế ngày càng tăng.

Tấn công vào di sản Stalin khó hơn, do những lợi ích quan liêu đã được ban cấp vào, do tâm lý trung thành với đảng của những người dân Xô Viết nhiều tuổi.

Khó hơn cả là di sản của Lenin, di sản này được kết hợp kỷ niệm yêu quý về NEP ( Chính Sách Kinh Tế Mới ) với sự khẳng định vai trò lịch sử duy nhất của một đảng ưu tú, đảng đó tạo ra một giới cầm quyền ưu tú và mang tính chính đảng, tính hợp pháp.

Mikhail Gorbachev bị đẩy lên vũ đài lịch sử với một niềm hy vọng mơ hồ là làm cho hệ thống Xô Viết sống động trở lại. Điều còn ít rõ ràng hơn thế nữa là NHỮNG CẢI CÁCH CẦN THIẾT CÓ THỂ ĐI XA TỚI ĐÂU, VÀ MÔ HÌNH NÀO SẼ ĐƯỢC SỬ DỤNG NHƯ LÀ MÔ HÌNH PHÙ HỢP CHO NHỮNG CẢI CÁCH ĐÓ?

Chiến dịch Glasnost ( Công Khai ) của Gorbachev được đề xướng vào năm 1985, nó khuyến khích người ta khai báo về những sự lạm quyền đang diễn ra bởi nhà nước quan liêu, kể cả bộ máy cảnh sát cho đến thời điểm đó vẫn là bất khả xâm phạm, và về sự lãng phí và quản lý tồi trong khu vực kinh tế. Gorbachev và những cộng sự của ông mở rộng phạm vi của chiến dịch vào năm 1987 đến mức bao gồm một chương trình sửa đổi đầy tham vọng chủ yếu nhằm vào quản lý và kế hoạch hóa nền kinh tế của nhà nước.

Nhưng điều đó cũng dẫn đến câu hỏi liệu cải cách cơ bản nền kinh tế Xô Viết có thể thực hiện được không nếu nó không làm đảo lộn một cách sâu sắc hệ thống chính trị và không mở cửa một cách rộng hơn cho tự do của trí thức.

Như vậy đâu là giới hạn của cải cách là câu hỏi quan trọng chưa được giải đáp.

Gorbachev chắc chắn là cũng chưa biết được câu trả lời cụ thể. Phát biểu trong một cuộc hội nghị vào giữa Tháng Bảy, 1987, Gorbachev kêu gọi cho một “nền văn hóa chính trị” mới của Liên Xô, và việc vay mượn hai từ đó của xã hội chính trị phương Tây đã gây ấn tượng thật sâu sắc.

Gorbachev nhận định: “Chúng ta hiện nay phải trở lại trường học về dân chủ. Chúng ta phải học. Tư duy chính trị của chúng ta không còn thích hợp. Ngay cả khả năng tôn trọng quan điểm của những bạn bè, đồng chí của chúng ta cũng không còn thích hợp”. Những cách thực hành của Liên Xô đã mất tín nhiệm trên phạm vi toàn thế giới, và sẽ phải bằng cách nào đó bác bỏ hoặc sửa đổi [ Trang 44 ].

Mặt khác, để làm được điều này, không những cần phải có một cuộc cách mạng trong tư duy chính trị mà còn cả một quyết tâm bác bỏ mạnh mẽ về mặt thể chế, đối với hai nguồn gốc của tình trạng tiến thoái lưỡng nan hiện nay của Liên Xô: chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Lenin.

Trừ phi chủ nghĩa Stalin bị xóa bỏ và chủ nghĩa Lenin bị làm phai nhạt đi một cách mạnh mẽ, còn không thì nhà nước Xô Viết vẫn còn tồn tại như một quái thú không có nội dung xã hội mang tính xây dựng và không có lý tưởng hoặc quan điểm lịch sử. Nó sẽ tiếp tục xung đột với khuynh hướng trên thế giới là đề cao những quyền tự do của cá nhân, và sẽ tiếp tục thiếu hụt những điều kiện tiên quyết cần thiết cho những sự sáng tạo thực sự về xã hội và về công nghệ.

Tuy vậy, thực tế cho thấy rằng, sự phá bỏ chủ nghĩa Stalin và làm phai nhạt chủ nghĩa Lenin chỉ có thể được tiếp tục tiến hành một cách tốt nhất theo một lộ trình có từng giai đoạn, nhất là đối với truyền thống của chủ nghĩa Lenin, thì phải hết sức thận trọng. Đó là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, do nó vấp phải các quyền lợi được bao cấp của giới thượng lưu cầm quyền, chưa nói đến truyền thống kéo dài ở nước Nga trong đó quyền lực tối thượng của nhà nước trùm lên toàn xã hội.

Hơn nữa, tính chất nhiều dân tộc của nhà nước Xô Viết cũng đặt ra một tình huống phức tạp, bởi vì bất cứ một sự phi Stalin hóa thực sự nào cũng làm nổi lên các bóng ma những khát vọng dân tộc tự quyết ngày càng tăng lên của những dân tộc không phải Nga, đặc biệt là trường hợp của Trung Á, với số dân từ 45 đến 50 triệu người Hồi Giáo, đã bị buộc phải từ bỏ tôn giáo của mình để theo chủ nghĩa “vô thần” của cộng sản. Tiếng nói của quyền tự quyết dân tộc sẽ đe dọa trực tiếp sự sống còn của Liên Xô thống nhất.

Việc xử lý chủ nghĩa Lenin càng khó khăn hơn. Chủ nghĩa Lenin đóng vai trò cốt tử đối với giới thượng lưu cầm quyền về tính chính đáng lịch sử, nó giúp hợp lý hóa yêu cầu của họ về quyền lực. Bất cứ sự bác bỏ nào đều sẽ là một sự tự sát tâm lý tập thể. Sau bấy nhiêu “thập kỷ”, giới thượng lưu cộng sản Liên Xô không thể đột nhiên tự xác định lại mình như là một biến thể nào đó của nền xã hội – dân chủ phương Tây, một biến thể được làm sống lại của những người Menshevik trước đây ( mà Lenin đã từng đập tan ).

Do đó, để công bằng với Gorbachev, phải nói rằng ông ta không có gì nhiều để chọn lọc trong vấn đề hóc búa này. Từ bỏ cả chủ nghĩa Stalin lẫn chủ nghĩa Lenin có nghĩa là bác bỏ toàn bộ thời đại cộng sản.

Nó cũng đòi hỏi việc giới cầm quyền phải chấp nhận các viễn cảnh mới là phần lớn biến đổi xã hội có tính ngẫu nhiên, mơ hồ và nhiều khi tự phát, và kết quả là sự phức tạp xã hội sẽ không bao giờ có thể nhồi vào cái áo chật chội của thứ gọi là ý thức hệ [ Cộng sản ].

Để khởi đầu công cuộc Cải Tổ đầy tham vọng của mình, Gorbachev đầu tiên tập trung sự chú trọng vào việc hợp lý hóa và hiện đại hóa nền kinh tế Xô Viết. Hoặc vì thiếu thận trọng, hoặc có lẽ vì nghĩ rằng thành tựu kinh tế có thể được nâng lên một cách nhanh chóng bằng sự cải tiến trong quản lý và kế hoạch hóa kinh tế, ông ta đẩy mạnh trước hết vào việc loại trừ những vấn đề lãng phí, quản lý tồi, kiểm soát chất lượng không thích hợp, kỷ luật lao động lỏng lẻo, nạn nghiện rượu, và sự luộm thuộm nói chung. Điều này khiến người ta có cảm tưởng là ông ta đã lựa chọn cho Liên Xô mô hình Đông Đức, nơi mà hệ thống cộng sản tỏ ra có hiệu quả, có kỷ luật và phát triển về mặt công nghệ học.

Không nghi ngờ gì, ít lâu sau, ông ta thất vọng nhận thấy rằng, người Nga không phải là người Phổ ( tên cũ của người Đức ), rằng ảo tưởng ông ta xem Liên Xô như là Đông Đức rõ ràng không đúng.

Ông ta phải đối diện với thực tế là những vấn đề mà ông ta phải đương đầu có nguồn gốc sâu xa về mặt văn hóa và hệ thống. Có 10 vấn đề lớn và đan xen vào nhau được xác lập trong cuộc Cải Tổ này:

(1) Cải cách kinh tế; (2) Những ưu tiên về xã hội; (3) Dân chủ hóa chính trị; (4) Vai trò của đảng; (5) Hệ tư tưởng, tôn giáo và văn hóa; (6) Di sản của lịch sử; (7) Những vấn đề dân tộc trong nước; (8) Những lo âu trong nước về cuộc chiến tranh ở Afghanistan; (9) Chính sách đối ngoại và quốc phòng; (10) Khối Xô Viết và phong trào cộng sản thế giới.

Xét một cách tổng thể đây chính là những vấn đề đã làm rạn nứt sự thống nhất bề ngoài đã được xác lập từ lâu ở Liên Xô.

Vào Tháng Sáu, 1988 tại Hội nghị Đảng toàn quốc đặc biệt lần thứ 19. Gorbachev đã thay đổi quan điểm.

Trong bài phát biểu khai mạc, Gorbachev đã nói rằng cải cách chính trị có tầm quan trọng hơn sự xây dựng lại cơ cấu kinh tế: “Chúng ta đang phải đương đầu với nhiều vấn đề phức tạp. Vấn đề cốt yếu nhất là cải cách hệ thống chính trị của chúng ta”.

Gorbachev cũng phê phán những người chờ đợi những cải cách từ bên trên và khích lệ những người phát động việc gây áp lực từ cơ sở: “Ở nhiều địa phương khác nhau, có những người đã nói và viết rằng Cải Cách đã không đến được với họ; họ hỏi rằng đến bao giờ thì nó sẽ đến. Nhưng Cải cách không phải là từ trên trời rơi xuống, đáng lẽ không phải chờ đợi nó từ đâu đưa đến mà phải tự nhân dân ở các thành phố, làng mạc, công việc tập thể đem đến cho mình”.

Như vậy, “dân chủ hóa” chính là điều kiện cần thiết để đẩy mạnh cuộc cải cách này.

Những hồi âm đối với những lời kêu gọi của ông ta là rất thiếu đồng nhất. Nhiệt tình của những người ủng hộ ông ta, nhất là trong các Viện nghiên cứu và trong giới trí thức ở Moskva đã bị bù đắp ngược lại bởi một sự lạnh nhạt nổi bật trong đám quan liêu và số chức sắc trong đảng. Lý lẽ của họ là “Dân chủ sẽ dẫn tới hỗn loạn”. Đó là luận điệu quen thuộc của những quan chức cộng sản đang “cuống quýt lo cho những quyền lợi ích kỷ của họ”.

Để đoạn tuyệt thật sự với quá khứ và để mở ra sự sáng tạo xã hội, những di sản của quá khứ cần được xếp lại. Một số người ủng hộ Gorbachev muốn đi xa hơn, bằng cách lên án Lenin đã đàn áp những cuộc đàn áp quần chúng, xem đó như là giải pháp bản lề để có thể giải quyết trước hết là những vấn đề chính trị và sau đó là những vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, đó vẫn còn là những quan điểm lẻ loi.

Vấn đề của tương lai chính là: Liệu hệ thống Xô Viết có thể tiến hóa trở thành một cơ chế đa nguyên hơn, có tính sáng tạo lớn hơn về xã hội và kinh tế và có thể làm cho Liên Xô thực sự có khả năng cạnh tranh hơn trên vũ đài thế giới.

Hệ thống chính trị ấy qua bao nhiêu năm trời đã nhào nặn ra một xã hội bằng bạo lực, theo một bản thiết kế tư tưởng đầy tham vọng và thiếu thực tế, và sau đó, nó lại khiến cho toàn xã hội bị lệ thuộc nghiệt ngã vào nó.

Do đó muốn dần dần thoát khỏi cái chế độ đó thì nó phải thể chế hóa từng bước một để chuyển qua một khuôn khổ chính trị đa nguyên hơn, nhằm cho phép xã hội đảm nhận một vai trò tích cực hơn và đảm bảo rằng đời sống chính trị thực sự trở thành một phương diện của sự tồn tại xã hội thông thường.

Tuy nhiên, để làm được điều này, những người lãnh đạo nước Nga mới phải trả lời được hai câu hỏi:

Thứ nhất, liệu có thể làm cho kinh tế hồi sinh mà lại không phải dùng biện pháp tương ứng để xem xét lại vai trò của Đảng Cộng Sản trong việc quản lý xã hội hay không? Thứ hai, liệu có thể thực hiện việc phi tập trung hóa nền kinh tế cũng như thu hẹp vai trò cai trị chủ đạo của Đảng mà không phải trả lại quyền lực cho những người không phải là người Nga mà điều này có thể dẫn đến sự phân tán mà cũng tương đương với việc dần dần phá vỡ Liên Xô hay không?

Một số kịch bản đã được tính tới, ngoài kịch bản số I là Cải Cách thành công như mong đợi.

Kịch bản II: Rối loạn kéo dài và không có kết luận.

Kịch bản III: Ngưng trệ trở lại, vì Cuộc Cải Cách đã hụt hơi.

Kịch bản IV: Có thể xảy ra chính biến, cải cách thụt lùi, đàn áp, phản ứng lại kịch bản I và II.

Kịch bản V: Liên Xô bị vỡ tan thành từng mảnh do kết quả của một sự kết hợp nào đó các cách chọn trên.

Tóm lại, tình trạng nan giải tất yếu của chế độ cộng sản ở Liên Xô đó là: chỉ có thể có thành công kinh tế bằng cái giá là sự bất ổn của chính trị, trong khi sự ổn định chính trị của nó lại chỉ có thể duy trì bằng cái giá là sự thất bại về kinh tế.

Những người lãnh đạo chóp bu, kể cả Gorbachev, đã chưa bao giờ hình dung ra những khó khăn nghiêm trọng này, trong tình trạng loay hoay tìm một mô hình hợp pháp và hợp lý để thay thế cho mô hình Xô Viết cũ, và chịu đựng nhiều sự công kích từ nhiều phía, đã không thể làm gì để tiếp tục đưa công cuộc cải tổ này đến chỗ “thắng lợi”. Cuối cùng, Mikhail Gorbachev bị coi là người theo chủ nghĩa xét lại.

Tác Giả: Từ Liên.

Phần 4: Giới thiệu sách: “THẤT BẠI VĨ ĐẠI – Sự Ra Đời Và Cái Chết Của Chủ Nghĩa Cộng Sản Trong Thế Kỷ XX” của Zbigniew Brzeziński. Tác Giả: Từ Liên.

Chính dưới thời Stalin, việc đề cao nhà nước và việc sử dụng bạo lực nhà nước như một công cụ xây dựng lại chủ nghĩa xã hội đã đạt tới tột đỉnh.

THẢM HỌA CỦA STALIN

Thiên tài của Stalin là ông ta có thể hiểu sâu sắc ý nghĩa di sản của Lenin.

Đối thủ chính của ông ta, Leon Trotsky đã phạm sai lầm cơ bản là tấn công vào những điểm yếu kém đã bắt đầu lan tràn ở Liên Xô từ những năm 1920, cũng như dám tấn công trực diện vào con người Stalin.

Lev Davidovich Trotsky.
Lev Davidovich Trotsky tên được biết đến là Leon Trotsky.

[ Lev Davidovich Trotsky là một trong những lãnh đạo của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, với vị trí chỉ đứng sau Lenin. Ông cũng là một trong những thành viên đầu tiên của Bộ Chính Trị. Sau khi lãnh đạo một cuộc đấu tranh thất bại của Cánh Tả Đối Lập chống lại các chính sách, sự quan liêu, và sự thăng tiến của Joseph Stalin trong thập niên 1920, Trotsky bị khai trừ khỏi Đảng Cộng Sản và bị trục xuất khỏi Liên Xô, cuối cùng bị ám sát tại Mexico bởi một người được cho là điệp viên của Liên Xô. Các ý tưởng của Trotsky vẫn thuộc trường phái Marxist chính thống dù nó đối lập với các lý thuyết của Chủ nghĩa Stalin ].

Sự chống đối này của Trotsky đã làm tổn thương đến bản năng tự vệ của tầng lớp quan chức quan liêu trong đảng, những kẻ không sẵn sàng hy sinh tất cả quyền lợi của họ cho bất kỳ một cuộc cách mạng nào có thể dẫn tới sự thay đổi trật tự xã hội mà họ đang là những người được hưởng lợi.

Trái lại, Stalin lại biết khai thác thứ bản năng này của các quan chức cộng sản, ông ta liền phát động một cuộc cách mạng trong nước nhằm ngăn chặn nguy cơ nhìn thấy chế độ cộng sản đã bắt đầu có dấu hiệu chết chìm, do tính sống động của xã hội không ngừng tăng lên. Như vậy là, ông ta đã thỏa mãn nhiệt tình tư tưởng của họ, đồng thời cũng đáp ứng được lợi ích của bản thân họ.

Cuộc cách mạng của Stalin đưa ra một mệnh đề then chốt, “Chủ nghĩa xã hội trong một nước” [ Socialism in one country ], sau này đã trở thành học thuyết Stalin, nhằm thực hiện một sự tàn phá mang tính hủy diệt xã hội chưa từng thấy, nhờ một bộ máy nhà nước khủng bố tập trung cao độ. Một nhóm lãnh đạo có những âm mưu và tư tưởng đen tối [ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vì họ làm việc vào ban đêm đầy bí mật, trong một số phòng ở điện Kremlin ], tự đảm nhận nhiệm vụ mà họ gọi là “xây dựng lại xã hội“, tiêu diệt phần lớn giai cấp nông dân và giai cấp trung lưu, cưỡng bức di dân hàng triệu người, và nhờ vào quá trình đó, họ đã mở rộng phạm vi quyền lực của nhà nước đến một mức độ xưa nay chưa có nơi nào trên thế giới này so sánh nổi.

Chủ nghĩa xã hội trong một nước” do đó có nghĩa là “MỘT QUỐC GIA HOÀN TOÀN PHỤ THUỘC VÀO QUYỀN LỰC CỦA MỘT NHÀ NƯỚC / MỘT ĐẢNG TỐI CAO”.

Chính dưới thời Stalin, việc đề cao nhà nước và việc sử dụng bạo lực nhà nước như một công cụ xây dựng lại chủ nghĩa xã hội đã đạt tới tột đỉnh.

Mọi hoạt động của xã hội và người dân đều phụ thuộc vào một cá nhân độc tài và nhà nước mà ông ta là người chỉ huy. Được tán dương trong thơ ca, hoan hô trong âm nhạc, được tôn sùng với hàng nghìn những bức tượng, Stalin có mặt khắp nơi, và ông ta đã thống trị mọi điều. Là một người bạo ngược chuyên quyền ít có đối thủ nào có thể sánh ngang trong lịch sử, Stalin đã thực hiện quyền lực của mình thông qua một cơ cấu nhà nước đầy uy quyền và phức tạp, cả hai mặt quan liêu hóa và thể chế hóa đều ở mức độ cao. Toàn bộ xã hội bị đảo lộn theo mục đích của Stalin, bộ máy nhà nước vụt lớn lên về địa vị, về giàu có, về quyền lực và đặc quyền.

Cái tháp của quyền lực được đặt trên cơ sở một chế độ khủng bố mà không bảo đảm an ninh cho bất cứ ai, kể cả những người đồng chí thân cận nhất của Stalin. Không ai có thể tránh khỏi tính khí thất thường của Stalin. Một ủy viên bộ chính trị được Stalin sủng ái một ngày nào đó đều có thể trở thành nạn nhân của một vụ xét xử và bị bắn vào một ngày khác. Và đó là số phận của N. A. Voznesensky, vốn được nhiều người xem như là được Stalin chuẩn bị cho giữ chức vụ cao nhất trong chính phủ” [ Trang 23 ].

Nikolai Alekseevich Voznesensky.
Nikolai Alekseevich Voznesensky.

Trong khi đó, đối với những người luôn bày tỏ lòng trung thành hoàn toàn với Stalin, đồng lõa hăng hái vào những tội ác của Stalin… cũng ít có cơ hội tránh khỏi nạn bị khủng bố hoặc bị sỉ nhục vào bất cứ lúc nào. V. Molotov và M. I. Kalinin, cả hai đều tham gia vào việc lập danh sách các đồng chí của mình để đem đi giết, đã tham dự vào những cuộc họp bàn tròn của bộ chính trị, trong khi đó thì vợ của họ bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức theo lệnh của Stalin.

Như vậy là, quyền lực tối cao đối với sự sống và cái chết ở nhà nước Xô Viết, trong khoảng một phần tư thế kỷ, đã được đặt trong tay một nhóm nhỏ những kẻ đầy âm mưu và hết sức tàn nhẫn. Đối với đám người này, việc buộc tội chết cho hàng nghìn, hàng vạn con người, những người vô tội bị gán cho cái tội hết sức mơ hồ là “kẻ thù của nhân dân”, chỉ có ý nghĩa như là một hành động quan liêu nhỏ bé. Dù cho một ngày nào đó, những kho lưu trữ Xô Viết hoàn toàn được mở ra ( tờ tạp chí chống đối Glasnost ở Moskva, Tháng Tám, 1987 cho biết là để che đậy quá khứ, cơ quan an ninh KGB đã hủy hồ sơ các nạn nhân từ những năm 1930 đến những năm 1940 với tỷ lệ 5.000 hồ sơ mỗi tháng ), thì người ta vẫn sẽ không bao giờ biết hoàn toàn quy mô những vụ diệt chủng trên quy mô khủng khiếp của Stalin.

Hình thức tàn sát trực tiếp bằng cách giết chết ngay lập tức hoặc bằng cái chết kéo dài, ĐÓ LÀ SỐ PHẬN CỦA TẤT CẢ CÁC LOẠI NGƯỜI TRONG SỐ NHÂN DÂN CỦA HỌ, KHÔNG TRỪ MỘT AI: Những đối thủ chính trị, những đối thủ về hệ tư tưởng, những đảng viên bị nghi ngờ về lòng trung thành, những sĩ quan quân đội bị buộc tội, những nông dân tự do Kulak, những thành viên của các giai cấp đã bị hạ bệ [ chủ yếu là tư sản, địa chủ, trí thức ], những quý tộc trước đây, những nhóm dân tộc bị nghi ngờ là không thần phục Đảng, những nhóm dân tộc bị xem là chống đối, những người truyền giáo cũng như những người có lòng sùng đạo, và đến cả họ hàng, ( và trong nhiều trường hợp ) còn gồm toàn thể gia đình của những nạn nhân kể trên [ Trang 23 ].

Thật không lời nào nói được quy mô toàn bộ sự đau khổ của cá nhân và tập thể con người mà Stalin đã gây nên – nhân danh chủ nghĩa xã hội, hàng triệu gia đình nông dân đã bị đi đày với những điều kiện thiếu thốn cổ xưa nhất, và đối những người vẫn còn sống sót khi di cư đến vùng Siberia khắc nghiệt, xa xôi.

Stalin cũng phải chịu trách nhiệm về nạn chết đói của hàng triệu nông dân Ukraina trong nạn đói lớn đầu những năm 1930, những nạn đói đã được khai thác một cách cố ý, để đẩy nhanh quá trình tập thể hóa, và ở một góc độ khác, nạn đói đó đã được sinh ra do chính bản thân công cuộc tập thể hóa tàn bạo được khởi xướng trước đó.

Qua những cuộc thanh trừng, bản thân Đảng cũng bị tiêu hao nhiều: phần lớn những người lãnh đạo cấp cao bị giết và gia đình họ bị khủng bố tàn bạo. Những vụ bắt bớ và giết hại hủy hoại toàn bộ xã hội Xô Viết và lên tới hàng triệu người [ Đảng viên ].

Theo những số liệu của chính Liên Xô công bố, chỉ riêng trong khu vực quân sự, ít nhất là 37.000 sĩ quan lục quân và 3.000 sĩ quan hải quân đã bị bắn trong những năm 1937-1938, nhiều hơn con số người thực tế đã hy sinh trong hai năm đầu của cuộc chiến tranh Xô-Đức.

Các trại tập trung Gulag cứ phình lên dưới thời Stalin. Những vụ bắt bớ cá nhân và từng nhóm là chuyện xảy ra ồ ạt và liên tục. Có những nhóm dân tộc mà toàn bộ người của họ đã trở thành mục tiêu cho những cuộc diệt chủng: Ngay trước khi nổ ra cuộc chiến tranh năm 1939, toàn thể nhân dân Ba Lan sống ở Liên Xô trong vùng biên giới Liên Xô – Ba Lan, đông tới hàng chục vạn người, đột nhiên biến mất, chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em được di cư đến Kazakhstan. Đàn ông đã chết hết. Trong những giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, những người Tatar ở Crimea, và những người Chechen-Ingush ở miền bắc Caucasus đông tới hàng chục vạn người đã bị “nhổ bật” khỏi những nơi đó, và bị đưa đi đày đến Siberia.

Bản đồ vùng Caucasus.
Bản đồ vùng Caucasus.

Sau chiến tranh, mặc dầu đã có sự tiết lộ về vụ Nazi ( Đức Quốc Xã ) đã đưa vào lò thiêu hàng triệu những người Do Thái, dòng người Do Thái ở Moskva và Leningrad lại đột nhiên biến thành mục tiêu và những người lãnh đạo cộng đồng của họ lần lượt bị tiêu diệt. Năm 1949, hàng chục vạn người dân vùng Ban Tích bị đày đi Siberia. Theo sự tính toán chi tiết của Liên Xô do đài phát thanh Vilnius trích dẫn ngày 22/9/1988, chỉ riêng nạn nhân người Lithuania đã là 108.362 [ Trang 24 ].

Cho đến ngay trước khi Stalin chết, người ta thấy đã có sự chuẩn bị để đưa ra những vụ xét xử mới về “âm mưu của những bác sĩ Do Thái”, những nạn nhân bị buộc tội là có âm mưu giết hại những người lãnh đạo tối cao ở điện Kremlin.

Như vậy, theo đúng nghĩa của nó, hàng chục triệu cuộc sống tốt đẹp đã bị làm tiêu tan. Nỗi đau khổ đã được chia đều cho cả những tầng lớp dưới cũng như tầng lớp trên trong xã hội.

Tuy rằng tổng số nạn nhân của Stalin có thể không bao giờ được biết hết, nhưng có thể hoàn toàn chắc chắn để ước lượng ít nhất là 20 triệu và có lẽ cao nhất là 40 triệu.

Trong quyển sách “Cuộc Đại Khủng Bố” xuất bản năm 1968, nhà sử học Anh Robert Conquest tổng hợp những bản ước lượng đầy đủ và đáng tin nhất, và những sự tính toán cẩn thận của ông ta đưa đến con số ở mức độ cao như đã nêu ở trên. Xét tổng thể, Stalin chắc chắn là kẻ giết nhiều người nhất trong lịch sử nhân loại, về thống kê vượt xa ngay cả Hitler.

Mỉa mai thay, những vụ giết người hàng loạt đó là một bộ phận, một phần của công cuộc xây dựng hệ thống Xô Viết. Hệ thống đó đã nổi lên, dần dần phát triển về mặt thể chế, để rồi bị xơ cứng trong cơ chế quan liêu hóa mà nó đã tạo ra, và nó bộc lộ bản chất của chính nó khi những vụ giết người hàng loạt được tiến hành. Nhưng khía cạnh đáng chú ý của quá trình đó là mặc dù chính là người đã ra lệnh tiến hành tất cả những hành động tàn bạo đó, Stalin lại đã thành công trong việc tạo nên một nhận thức sai lệch về thành tựu trong não bộ của những người dân thuộc tầng lớp thượng lưu Xô Viết, và trong phần lớn cư dân mới ở thành thị Xô Viết.

Ông ta đã làm như vậy bằng cách đồng nhất hóa các chính sách của ông ta và bản thân ông ta với việc xây dựng lại xã hội Xô Viết trong đó bao gồm công nghiệp hóa trên quy mô lớn và đô thị hóa, tất cả đều được dán nhãn hiệu “nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Vậy là, đối với nhiều công dân Xô Viết, thời đại Stalin là thời đại đạt được một số tiến bộ xã hội, một bước đại tiến vọt lịch sử, và có thể bao gồm cả một tình cảm tự hào chính đáng về thành tựu của lòng yêu nước. Thứ nhận thức này đã củng cố cho một tư tưởng “sùng bái cá nhân Stalin” được đẩy lên tới mức cực điểm.

Những người này, là những người đã tiếp nhận và làm lan tỏa tư tưởng bài ngoại điển hình của người Nga, từ việc cho rằng kẻ thù của nước Nga sẽ lợi dụng bất cứ sự sơ hở nào của nước Nga để lợi dụng công kích, nói xấu nước Nga, đến chỗ luôn luôn khẳng định rằng thời đại Stalin là một thành tựu vĩ đại và không ai được phép bôi nhọ nó.

Một số “công dân“, trong những bức thư gửi các báo như Pravda hoặc Izvestia vào năm 1987, đã chống lại cuộc khôi phục cho những nạn nhân của Stalin với lý lẽ là điều đó là bất công với quá khứ và làm tổn hại đến uy tín của Liên Xô.

Làm sao lại có thể bôi nhọ giá trị của sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, tập thể hóa nông nghiệp, cách mạng văn hóa, cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại, và sự khôi phục nền kinh tế quốc dân sau chiến tranh NHƯ LÀ những sai lầm, hiện tượng tiêu cực, tội ác, phạm pháp? Và lòng nhiệt thành của chúng ta, thanh niên của chúng ta, nhiều bài hát của chúng ta? Chẳng lẽ chúng cũng bị vứt bỏ cả sao?” [ Trang 28 ].

Thời đại Stalin như vậy là đã được nhận xét một cách rộng rãi như là một thời đại thay đổi lớn về xã hội, về sự biến đổi cơ bản từ một nền kinh tế nông thôn thành một nền kinh tế thành thị. Và đối với một số lĩnh vực, trong một chừng mực nhất định, đó là sự thật. Dưới thời Stalin, Liên Xô đã trở thành một cường quốc về công nghiệp.

Dân số Liên Xô đã di chuyển từ nông thôn. Toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa được chỉ huy từ trung tâm đã được thể chế hóa. Nền kinh tế Xô Viết đã duy trì được một tỷ lệ tăng trưởng tương đối cao.

Theo những thống kê chính thức, tổng thu nhập quốc dân của Liên Xô tăng gấp bốn lần trong những kế hoạch năm năm đầu tiên, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm lên tới gần 15%. Điều đó đòi hỏi một sự di chuyển lớn lao của dân cư, với số dân sống ở khu vực thành thị tăng gấp đôi trong vòng 13 năm.

Từ năm 1928 đến năm 1940 sản lượng điện, thép, máy công cụ, xe cơ giới đều tăng mạnh.

Ngay trước cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, công nghiệp đã chiếm 84,7% nền kinh tế Xô Viết. Cho dù số liệu có được thổi phồng trong các báo cáo chính thứ, thì đó vẫn là những thành tựu lớn không thể phủ nhận [ Trang 28 ].

Đà kinh tế lớn mạnh trong những năm đầu của Stalin giải thích một phần sự ngạc nhiên của một số ít người ở phương Tây trước cường độ của chiến dịch chống Stalin ở Liên Xô đã nổi lên một cách dữ dội chỉ ba năm sau khi tên bạo chúa qua đời.

Những chiến dịch này đã làm hé mở những tâm trạng thất vọng, những thực tế của cuộc sống không ổn định, những sự đau khổ vô hạn của con người, sự đổ máu vô nghĩa, tất cả những cái đó dường như đều không thể hiểu được khi nó tồn tại ngay trong lòng những chiến dịch “thắng lợi” vẻ vang của Stalin.

Nikita Khrushchev.
Nikita Khrushchev.

Bài diễn văn nổi tiếng của Khrushchev năm 1956, và sau đó những tư liệu đầy đủ hơn được cung cấp bởi những bài diễn văn chống Stalin trong đợt hai tại Đại Hội Đảng lần thứ XXII vào năm 1961 đã đưa ra bản án kết tội làm choáng váng toàn xã hội Liên Xô, về cái giá mà nó đã phải trả cho cái gọi là “kinh nghiệm Stalin“.

Bất chấp nhịp độ tiến triển của quá trình công nghiệp hóa, cái giá xã hội phải trả trong thời đại Stalin không thể đơn giản chỉ được biện minh bằng những thành tựu của công cuộc hiện đại hóa, chưa kể tới sự sai lầm về mặt đạo đức, những biện minh này cũng không thể đứng vững trong thực tế, trong so sánh giữa các quốc gia trên toàn thế giới.

Trong phạm vi có thể so sánh, điều hiển nhiên là Nhật Bản đã làm tốt hơn cả sau cuộc phục hưng của Minh Trị Thiên Hoàng trong thế kỷ XIX và cả sau Thế Chiến Thứ Hai mà lại không đòi hỏi một sự tổn thất về con người đến như thế.

Cũng như vậy, thành tựu toàn diện của Ý trong công cuộc hiện đại hóa ở thế kỷ này, mà Ý và Nga nói chung là gần nhau xét theo những chỉ tiêu kinh tế – xã hội thời kỳ bắt đầu của thế kỷ này, cũng tốt hơn Liên Xô một cách đáng kể.

Cuối cùng, chính nước Nga Sa Hoàng cũng đã duy trì được một tỷ lệ tăng trưởng cao từ 1890 đến 1914, hơn là Stalin đã đạt được với một cái giá về tổn thất con người là không thể tưởng tượng được.

Cyril E. Black, một sử gia của trường đại học Princeton đã kết luận trong bài viết của ông có tựa đề: “Xã hội Xô Viết: một cách nhìn so sánh”. Bài viết đó đã đưa ra một nhận định sáng suốt về quá trình công nghiệp hóa Xô Viết:

Trong viễn cảnh của 50 năm, sự so sánh trong việc xếp hạng Liên Xô về những chỉ số kết hợp kinh tế – xã hội tính theo đầu người chắc chắn là không có sự thay đổi đáng kể. Nhiều bằng chứng khá hiển nhiên cho thấy rằng Liên Xô cũng chưa vượt trội hơn bất cứ nước nào từ năm 1917 tính theo đầu người…, và 19 hoặc 20 nước xếp hạng cao hơn nước Nga ngày nay, về mặt này thì cũng đứng trên nước Nga vào những năm 1900 và năm 1919“.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người thuộc giới nghiên cứu khoa học ở phương Tây đã chịu ảnh hưởng của quan điểm cho rằng chủ nghĩa Stalin là một “hình thái” tất yếu của lịch sử, được tạo nên do những nhu cầu cấp bách về công cuộc công nghiệp hóa nhằm chuẩn bị cho trận chiến với Hitler. Tuy nhiên, những chiến dịch vạch trần được Khrushchev ủng hộ đã trưng ra nhiều bằng chứng để phá tan cái viễn cảnh đó. Sự kiện được xem là cái đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài huyền thoại về Stalin đã được thực hiện bởi Alexander Solzhenitsyn với tác phẩm “Các Trại Tập Trung” mà ông gọi là “Quần Đảo Gulag” ( The Gulag Archipelago ). Tất cả những nỗ lực này, cùng với nhiều những tiếng nói từ những dân tộc khác đã phải chịu đựng nhiều đau khổ dưới triều đại Stalin, đã đem đến kết quả là ngay cả những đảng cộng sản phương Tây cũng phải thừa nhận rằng chủ nghĩa Stalin là một tội ác man rợ mà lịch sử không cần thiết phải có. Như vậy là chủ nghĩa Stalin đã được quan niệm như là một sai lầm quái đản của kinh nghiệm cộng sản, một sự lầm lạc đáng tiếc và không được phép xảy ra.

Nguồn gốc của những di sản thảm họa mà Stalin đem lại chính là Lenin. Lenin đã để lại hai di sản là những con quái vật kếch xù: đảng cộng sản giáo điều và bộ máy cảnh sát bí mật khủng bố. Một khi những con quái vật đó bắt tay xây dựng lại xã hội thì quyền lực của Nhà Nước phát triển méo mó và bành trướng không thể ngăn chặn nổi. Di sản của Stalin là sự tâng bốc đến tận mây xanh các hành động bạo lực đáng ghê tởm, mà đã được chính Nhà Nước đỡ đầu, nhằm chống lại chính người dân nó. Nhìn cận cảnh, đó là một nhà nước cảnh sát bóp nghẹt sự sáng tạo xã hội, nó bóp chết từ trong trứng nước bất cứ biểu hiện nào của sự manh nha đổi mới trí tuệ, nó thiết lập một hệ thống đặc quyền theo đẳng cấp, và tất cả đều đặt dưới sự kiểm soát chính trị tập trung. Tai hại hơn, phần lớn di sản đó đã không thể kết thúc cùng với cái chết của Stalin, mà nó còn tồn tại dai dẳng ngay cả trong những cuộc tấn công dữ dội do Khrushchev phát động.

Kết quả là nó không chỉ làm cho mô hình Xô Viết mất tín nhiệm trên phạm vi rộng lớn của thế giới, mà sau thời Khrushchev, nước Nga lại tiếp tục hai mươi năm trì trệ tiếp theo về chính trị và xã hội của thời Leonid Brezhnev.

Leonid Brezhnev.
Leonid Brezhnev.

Di sản này, thậm chí vẫn tiếp tục cho tới khi Gorbachev lên nắm quyền. Sức hấp dẫn khó cưỡng chế của thứ quyền lực tuyệt đối cũng như những lợi ích mà nó mang lại, đã khiến một bộ phận lớn những người đang tiếp tục được hưởng hào quang từ trong quá khứ, đã từ chối mọi thay đổi. Thêm vào đó, việc thiếu một bộ máy đáng tin cậy, có thể tập hợp những thành viên có lòng nhiệt thành với đất nước, và có tầm nhìn xa với tương lai của dân tộc, để làm việc cùng nhau, nhằm thiết kế một con đường cải cách toàn diện, với những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, tổng thể và chi tiết, cho toàn bộ “nước Nga mới“, đã khiến những giấc mơ của Gorbachev tan vỡ… nước Nga tiếp tục bị chia rẽ thành một bức tranh có nhiều nhiều mảng màu khác biệt tương phản nhau, thậm chí không dung nạp nhau…

Tác Giả: Từ Liên.

Phần 3: Giới thiệu sách: “THẤT BẠI VĨ ĐẠI – Sự Ra Đời Và Cái Chết Của Chủ Nghĩa Cộng Sản Trong Thế Kỷ XX” của Zbigniew Brzeziński. Tác Giả: Từ Liên.

“Định nghĩa khoa học về chuyên chính là: Một quyền lực không bị hạn chế bởi bất cứ pháp luật nào, không bị ràng buộc bởi bất cứ quy tắc nào và trực tiếp dựa vào sức mạnh”.

Nguyên nhân đẩy nhanh sự hấp hối của chủ nghĩa cộng sản là sự thất bại của kinh nghiệm Liên Xô. Thật vậy, khi chúng ta tiến gần đến cuối thế kỷ XX, hình như càng ngày càng khó mà thuyết phục mọi người tin rằng mô hình Xô Viết đã một thời được xem là hấp dẫn và đáng được noi theo. Đây chính là thước đo cho biết kinh nghiệm của Liên Xô đã xuống thấp đến mức nào trong thiện cảm của công chúng ở nhiều nơi trên thế giới. Do đó, một câu hỏi thích hợp được đặt ra là: VẬY THÌ CÓ CÁI GÌ ĐÃ KHÔNG ĐÚNG VÀ TẠI SAO?

Điều này có lẽ sẽ được suy xét thỏa đáng hơn, khi chúng ta có thể tóm tắt một cách ngắn gọn toàn bộ chiều dài con đường lịch sử của kinh nghiệm Marxist ở nước Nga. Quả là một sự phát triển kỳ lạ khi một học thuyết của Tây Âu, do một trí thức Do Thái Đức lưu vong ( Karl Marx ) đã xây dựng nhờ vào những kiến thức thu thập được trong các thư viện của nước Anh, rồi lại được cấy ghép vào cái truyền thống chuyên chế gần như Đông phương của một đế quốc nửa Âu nửa Á [ Nước Nga ], vẫn còn trong thời kỳ lạc hậu, bởi một nhà cách mạng Nga làm nghề viết sách là Lenin. Có lẽ Lenin đã trở thành “bà đỡ của lịch sử” không những của nước Nga mà của một phần lớn thế giới nữa, theo cái cách có thể chính ông ta cũng không ngờ trước đó.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, vào lúc diễn ra cuộc cách mạng Nga, chủ nghĩa Marx đã không còn là lý thuyết của một thủ thư tầm thường. Nó đã là một phong trào chính trị xã hội có tầm quan trọng ở Châu Âu, và có một diện mạo chính trị cụ thể. Nó được thể hiện như là một sự dấn thân vào xã hội, mà thường được những người theo chủ nghĩa Marxist gọi một cách mĩ miều là “Xã hội dân chủ”. Chủ nghĩa xã hội, đã được khéo léo và mập mờ, được nhập vào khái niệm “xã hội dân chủ”, và từ đó chủ nghĩa Marx [ hiểu theo nghĩa chung nhất ] như vậy, đã được phương Tây xem chủ yếu là mang tinh thần dân chủ.

Mặt khác, vào thời điểm Thế Chiến Thứ Nhất, đã có một chi nhánh Marxist nhỏ hơn tích cực đề cao quan niệm về một “cuộc cách mạng bạo lực nhằm dẫn tới sự áp đặt chuyên chính vô sản”. Những ai lo sợ sự nổi lên của chủ nghĩa xã hội dưới bất cứ chiêu bài nào đều run sợ khi nhớ lại những sự kiện đẫm máu của Công xã Paris năm 1871. Đối với nhiều người, từ “cộng sản” đã được xem là ĐỐI LẬP với từ “dân chủ”. Sự sụp đổ của chế độ Sa Hoàng như vậy là đã gợi lên những phản ứng trái chiều ở phương Tây đi từ phấn khởi hy vọng đầu tiên về nền dân chủ đến sự lo sợ lường trước về một nền độc tài cộng sản.

Kiev Thời Báo: Trong vùng Donetsk do nhóm ly khai chiếm, tượng của Lenin bị giật xuống.
Kiev Thời Báo: Trong vùng Donetsk do nhóm ly khai chiếm, tượng của Lenin bị giật xuống.

DI SẢN LENIN

Những gì đã diễn ra ở nước Nga sau cuộc cách mạng Bolshevik không làm cho những ai đã đọc kỹ Vladimir Ilyich Lenin phải ngạc nhiên. Nhà lãnh đạo Bolshevik của phái triệt để nhất trong số những người Marxist Nga đã không giấu giếm gì về những ý định của ông ta. Hết bài bút chiến này đến bài bút chiến khác, hết bài diễn văn này đến bài diễn văn khác, ông khinh miệt thẳng thừng những người bạn Marxist tán thành quá trình dân chủ. Ông nói không úp mở là theo ông, nước Nga chưa chín muồi cho một nền dân chủ xã hội và chủ nghĩa xã hội sẽ được xây dựng ở nước Nga “từ bên trên”, bởi chuyên chính vô sản [ Trang 17 ]. [ Theo các cơ quan tuyên truyền của Việt Nam: chuyên chính vô sản là một lý thuyết của chủ nghĩa Marx và là một bộ phận quan trọng của chủ nghĩa cộng sản khoa học, theo đó, nó chỉ việc giai cấp công nhân sẽ là giai cấp nắm quyền lực nhà nước và sử dụng quyền lực nhà nước để trấn áp, tiêu diệt giai cấp tư sản, các phần tử thù địch, chống lại nhân dân, để tiến hành xây dựng một xã hội không giai cấp. Tiếng Anh của cụm từ này là: dictatorship of the proletariat, có thể hiểu là Chế độ độc tài toàn trị của giai cấp vô sản ].

Sự “chuyên chính” đó, đến lượt nó phải được thực hiện bởi giai cấp vô sản, nhưng điều này đã không xảy ra trên thực tế, mà chỉ có trên danh nghĩa. Theo Lenin, giai cấp cầm quyền mới này cũng chưa sẵn sàng về mặt chính trị để cầm quyền cũng như bản thân nước Nga chưa chín muồi về mặt lịch sử cho chủ nghĩa xã hội được thực thi. Như vậy, nền chuyên chính mới yêu cầu phải có một đại diện có ý thức về mục đích và về mặt lịch sử để hành động nhân danh giai cấp vô sản. Cụ thể là, do những điều kiện lạc hậu của nước Nga, cả xã hội, cũng như cả giai cấp công nhân công nghiệp tương đối ốm yếu đều được xem là chưa sẵn sàng cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lịch sử do đó được đẩy nhanh bởi một đảng “tiền phong” của những người cách mạng được tổ chức thành đội ngũ đại diện cho những người “đã hiểu biết chắc chắn sứ mệnh lịch sử là gì” và được chuẩn bị trở thành những người tự nguyện bảo vệ sứ mệnh lịch sử đó. Khái niệm của Lenin về đảng tiền phong là câu trả lời “sáng tạo” cho những vấn đề tiến thoái lưỡng nan về một học thuyết chưa vững vàng ở nước Nga. Nhưng, mặt khác, nó cũng cho người ta thấy rằng, vậy là ngay từ buổi đầu của chủ nghĩa xã hội, những người nhân danh lãnh đạo đảng “tiền phong” đã lợi dụng sự hiểu biết non nớt của giai cấp công nhân vừa mới ra đời, ngập tràn bất mãn, và nhiệt thành với những khát vọng về một xã hội phi giai cấp. Một mặt những người này cho rằng, giai cấp công nhân là những người có những động cơ hợp lý nhất để lật đổ giai cấp tư sản đang thống trị họ, nhưng mặt khác, những người lãnh đạo đảng này lại coi công nhân là những người “chưa sẵn sàng về mặt chính trị để có thể nắm quyền”. Cuối cùng là họ, sử dụng những người công nhân này làm bàn đạp cho những tham vọng chính trị của họ, họ dùng sự yếu ớt, thiếu hiểu biết của giai cấp công nhân để biện minh cho việc nhảy lên vũ đài chính trị và nắm quyền thống trị toàn dân, xây dựng nhà nước theo những nguyên lý phi khoa học của họ… và do đó, việc viện dẫn đến tên gọi của chủ nghĩa xã hội trong mối quan hệ giữa Lenin và những người theo ông ta là điều cần được đặt câu hỏi nghi ngờ.

Lenin và những người ủng hộ ông tự xem mình là những người Marxist, những người tiến trên con đường trước hết là đi tới chủ nghĩa xã hội, sau đó là chủ nghĩa cộng sản, và, trong chừng mực nào đó, những người cầm quyền Bolshevik đã tự đồng nhất họ và ý chí chủ quan của họ với học thuyết “chủ nghĩa xã hội”. Sự đồng nhất đó, dù là có phần thực tế, hoặc chỉ là chiến thuật của họ, thì có điều chắc chắn là cơ hội cho những người đề xuất học thuyết này. Nó thu hút trí tưởng tượng của nhiều người ở phương Tây vẫn hy vọng vào thắng lợi của chủ nghĩa xã hội dân chủ [ Democratic socialism: Chủ chương cải tổ xã hội thông qua những cuộc cải tổ hòa bình, không dùng tới một hình thức bạo lực cách mạng nào, mục đích là đạt đến xã hội có nền chính trị dân chủ đi kèm với quyền sở hữu xã hội đối với các phương tiện sản xuất, nó cũng nhấn mạnh khả năng tự quản lý của người lao động và các mô hình quản lý theo hình thức dân chủ của các tổ chức kinh tế trong một nền kinh tế thị trường ]. Mặc dù màn kịch này còn có nhiều chỗ vụng về, nhưng ngôi sao đỏ trên điện Kremlin, xem ra vẫn tiêu biểu cho buổi bình minh của chủ nghĩa xã hội, ngay cả trong hình thức không hoàn hảo ban đầu của nó.

Thời đại Lenin được đánh dấu bằng việc, ngay từ đầu nó đã bắt tay xóa bỏ tàn bạo mọi chống đối, thời đại này ( còn được kéo dài thêm vài năm sau khi Lenin mất năm 1924 ) đã chứng kiến một sự thử nghiệm lớn về xã hội và văn hóa. Sự năng động về trí tuệ diễn ra song song với các kế hoạch kinh tế – xã hội to lớn của Lenin, nó cũng bao trùm luôn cả các lĩnh vực nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, và xét một cách chung hơn là trong đời sống trí tuệ, nét nổi bật là sự cách tân, tạo những tín ngưỡng mới, và mở ra những chân trời khoa học mới. Chính sách kinh tế mới ( New Economic Policy hay NEP ) nổi tiếng mà về thực chất là dựa trên cơ chế thị trường và sáng kiến cá nhân nhằm kích thích khôi phục nền kinh tế là một hành động thích ứng với lịch sử, hoãn lại việc xây dựng tức khắc chủ nghĩa xã hội bởi nền chuyên chính vô sản mới. Nhưng, ngay cả điều này, trong thực tế đã có sự lý tưởng hóa quá mức quá khứ của nước Nga những năm 1920, phần lớn những nguyên nhân dẫn đến thái độ này là do phản ứng lại lịch sử khắc nghiệt dưới thời Stalin sau đó.

Quan trọng hơn, có một sự lừa dối khủng khiếp bao trùm trong hiện tượng “đổi mới xã hội và văn hóa” thể hiện nổi bật trên bề mặt cuộc sống ở Moskva, Leningrad và một vài thành phố lớn khác. Nói cách khác, quá trình đổi mới này cũng chính là quá trình củng cố chế độ một đảng lãnh đạo mới trên quy mô toàn quốc, sự thể chế hóa bạo lực trên quy mô lớn, sự áp đặt một học thuyết còn đang mơ hồ thành học thuyết chính thống, và sự duy trì việc sử dụng những phương tiện chính trị theo những cách thức tàn bạo nhất. Hai nét nổi bật nhất trong cái di sản tai hại của Lenin là tập trung quyền lực chính trị chỉ vào tay một số người và hành động dựa trên khủng bố [ Trang 19 ]. Cái thứ nhất là kết quả của sự tập trung mọi quyền lực chính trị vào một nhóm đảng viên tiên phong ngày càng bị quan liêu hóa nhằm kiểm soát toàn bộ cơ cấu xã hội, tức là một hệ thống kiểm soát chính trị chặt chẽ có cấp bậc từ trên xuống dưới đối với mọi chức vụ. Sự sẵn sàng sử dụng khủng bố đối với những người chống đối có thật, hoặc tưởng tượng bao gồm cả sự cố ý tạo ra những màn kịch để quy cho những người khác vào việc “phạm tội tập thể” của Lenin nhằm bào chữa cho việc đàn áp xã hội trên quy mô lớn; những cái đó làm cho bạo lực có tổ chức trở thành những phương tiện phổ biến và hợp pháp để giải quyết trước hết là các vấn đề chính trị, rồi đến kinh tế và cuối cùng là những vấn đề xã hội hoặc văn hóa. Sự dựa vào khủng bố cũng thúc đẩy sự cộng sinh nhanh chóng giữa đảng cầm quyền và lực lượng công an mật vụ ( mà Lenin đã thành lập gần như tức thời sau khi cầm quyền ).

Viktor Mikhailovich Chebrikov.
Viktor Mikhailovich Chebrikov – Giám Đốc KGB trong sáu ( 6 ) năm.

Không phải ngẫu nhiên mà hơn 60 năm sau khi Lenin mất, Viktor M. Chebrikov, người cầm đầu bộ máy công an mật của Liên Xô, trong bài phát biểu Tháng Chín, 1987, đã viện dẫn Lenin để bào chữa cho sự khủng bố nông dân Nga bằng cách kết tội họ rằng “bọn Kulak [ nông dân tự do hữu sản ở Nga ] đã rất khinh miệt chính quyền Xô Viết và chuẩn bị bóp chết, giết hại hàng trăm nghìn công nhân” [ Trang 19 ]. Cả trước và sau khi nắm chính quyền, Lenin và những người theo ông, đã nghĩ ra nhiều cách thức phong phú để biện hộ cho việc sử dụng bạo lực và khủng bố hàng loạt nhằm đạt tới mục đích. Từ năm 1901, ông ta nói: “Về nguyên tắc, chúng ta chưa bao giờ từ bỏ khủng bố và không thể từ bỏ nó”.

Ngay sau khi nắm chính quyền, Lenin đã không lãng phí thời gian trong việc biến những quan điểm của ông thành sự thực. Trước đó từ lâu, ông ta dựa vào việc sử dụng bừa bãi bạo lực không những để khủng bố toàn thể xã hội mà còn để loại trừ những phiền hà nhỏ nhất mà chính quyền của ông gặp phải, chính tệ nạn quan liêu mà đảng của ông tạo ra.

Khi sắp nổ ra cuộc cách mạng Bolshevik, Lenin viết trong tác phẩm “Nhà Nước và Cách Mạng” rằng khi ông ta gọi là dân chủ thì từ đó có nghĩa là “việc sử dụng sức mạnh có hệ thống của một giai cấp này chống lại giai cấp khác, của một bộ phận nhân dân này chống lại một bộ phận nhân dân khác”. Ông ta tuyên bố công khai “Định nghĩa khoa học về chuyên chính là: Một quyền lực không bị hạn chế bởi bất cứ pháp luật nào, không bị ràng buộc bởi bất cứ quy tắc nào và trực tiếp dựa vào sức mạnh”.

Trong một sắc lệnh ban hành Tháng Giêng, 1918 nhằm tìm cách xác định một chính sách đối xử với những người chống lại chính quyền Xô Viết, chế độ của Lenin kêu gọi các cơ quan nhà nước “Làm sạch đất nước Nga bằng cách diệt trừ các sâu bọ độc hại”.

Alexander Kerensky.
Alexander Fyodorovich Kerensky là Thủ Tướng của Chính Phủ Lâm Thời Nga La Tư từ Tháng Ba đến Tháng Mười, năm 1917.

Bản thân Lenin thúc giục những người lãnh đạo đảng ở một quận tiến hành “Một cuộc khủng bố rộng lớn tàn nhẫn chống bọn Kulak, thầy tu và Bạch Vệ” và “giam giữ mọi phần tử khả nghi trong một trại tập trung ở ngoài thành phố” [ Bạch Vệ Nga: Belaya Armiya, là tập hợp các chính trị gia đối lập với Lenin phải lưu vong ở nước ngoài sau cách mạng Tháng Mười 1917. Ở đó, họ đã lập nên chính phủ lưu vong do Alexander Kerensky đứng đầu. Bạch Vệ là tên gọi chung của các lực lượng chính trị và quân sự khác nhau, theo các khuynh hướng chính trị khác nhau, lực lượng này chống lại những người Bolshevik và Hồng Quân trong Nội Chiến Nga từ năm 1917 đến năm 1923 ] Lenin không tha thứ bất cứ sự chống đối chính trị nào. Ông lập luận rằng “việc tranh luận bằng súng đạn tốt hơn nhiều so với tranh luận với những luận điểm chống đối.” [ Trang 20 ].

Khủng bố hàng loạt như vậy sớm trở thành phương sách hành chính để giải quyết mọi vấn đề. Đối với những công nhân lười biếng, Lenin chủ trương “bắn ngay tại chỗ một trong số mười người phạm tội chây lười”. Đối với những công nhân ngang ngạnh, ông ta nói: “Những kẻ phá rối kỷ luật đó phải bị bắn”. Đối với một việc liên lạc viên trực điện thoại không tốt, ông ta chỉ thị cho Stalin: “Đe dọa bắn tên ngu xuẩn có trách nhiệm về liên lạc điện thoại mà không biết làm thế nào để cho anh một máy khuếch đại tốt hơn và không biết chắp nối một cuộc liên lạc điện thoại”. Đối với bất cứ sự không tuân lệnh nào, dù là nhỏ, trong đám nông dân, chế độ của Lenin ra nghị quyết là “phải bắt con tin trong nông dân để nếu như tuyết không được cào sạch, họ sẽ bị bắn.” [ Trang 20 ].

Cách nhìn hoang tưởng đó đã sản sinh ra một chế độ cai trị hầu như tách hẳn ra ngoài đời sống dân sự thường tình của xã hội, nó chỉ còn là một sự câu kết giữa các thành phần trong chính quyền độc tài khủng bố. Tuy nhiên, điều điên rồ nhất là cái hệ thống chính trị đó của Lenin đã ở vào tư thế sẵn sàng về tâm lý và chính trị cho một cuộc đối đầu toàn diện với xã hội để thực hiện những tham vọng cũng điên rồ của họ. Những người cầm quyền mới chỉ có thể tự biện hộ về mặt lịch sử bằng cách tấn công trực diện vào xã hội, giết chết, xóa bỏ, thủ tiêu hoàn toàn những cái cũ, nhằm tái tạo nó theo hình ảnh của hệ thống chính trị mới mà bản thân họ là đại diện. Một hệ thống chính trị kiểu Lenin dĩ nhiên, không thể chung sống mãi với một xã hội vốn đa dạng về mặt con người cũng như xã hội có đời sống sống động. Một cuộc chung sống như thế hoặc là sẽ làm mục ruỗng chế độ chính trị, hoặc là sẽ thúc đẩy một số đụng độ giữa hai bên.

Mikhail Sergeyevich Gorbachev.
Mikhail Sergeyevich Gorbachev Lãnh đạo tối cao Thứ Tám và Cuối Cùng của Liên Bang Sô Viết.

Giải pháp duy nhất của Lenin là sáng lập ra một đảng tối cao được phú cho quyền lực nhằm thúc đẩy sự tiêu vong không phải của nhà nước mà là của toàn xã hội, đảng của ông ta được xem như một thực thể tự trị – xã hội. Phương châm hoạt động của nó là: Toàn bộ Xã hội phải bị chà đạp thảm khốc nếu nó không chịu hợp tác với Đảng, không tự làm mình bị hòa tan đi cùng với đảng, và tiếp nhận sự thống trị chính trị toàn diện của quyền lực cộng sản. Logic của Lenin và Đảng của ông ta chính là: để hoàn thành việc làm tan rã hoàn toàn những quan hệ xã hội truyền thống, thì sự tập trung quyền lực của nhà nước phải được đề cao, nhằm biến nhà nước thành công cụ thi hành sứ mạng lịch sử. Nhiều thập kỷ sau, năm 1987 trong những cuộc thảo luận do Gorbachev đưa ra trong cải tổ, một trí thức Xô Viết giữ vai trò lãnh đạo đã công khai đặt câu hỏi: “Có phải Stalin đã tạo ra hệ thống của ông ta hay là chính hệ thống đã tạo ra Stalin?Nhưng nếu là chế độ đã sinh ra Stalin, như câu hỏi ngụ ý, vậy thì chế độ đó là của ai? Đó là Lenin đã tạo ra chế độ và chế độ đó đã tạo ra Stalin và rồi sau đó Stalin lại tạo ra chế độ làm cho những tội ác của Stalin có thể diễn ra.

Hơn nữa, không những Lenin chỉ “tạo ra” kẻ sát nhân khủng khiếp Stalin, mà chủ nghĩa giáo điều về tư tưởng của Lenin và sự không khoan dung chính trị của ông ta đã ngăn cản, ở một mức độ rộng lớn, mọi khả năng sáng tạo khác có thể xuất hiện. Về thực chất, di sản kéo dài của chủ nghĩa Lenin là chủ nghĩa Stalin, và đó là sự lên án lịch sử mạnh mẽ nhất về vai trò của Lenin trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga.

Tác Giả: Từ Liên.

Phần 2: Thư của Vợ Tù Nhân Oan: “THẤT BẠI VĨ ĐẠI – Sự Ra Đời Và Cái Chết Của Chủ Nghĩa Cộng Sản Trong Thế Kỷ XX”. Tác Giả: Từ Liên.

Sau 12 năm ở các trại trên miền Bắc, sau các cuộc tra khảo, và công việc kiệt sức ở các hầm mỏ và khu khai thác gỗ, tất cả được trả bằng 270 rúp!

Trong quá trình tóm tắt cuốn sách, chúng tôi đã gặp bức thư này… Bức thư nằm ở phần cuối trong phần “Những di sản của Stalin“…

Lý do mà chúng tôi muốn giới thiệu bức thư này, như là một phần riêng biệt… bởi những gì mà nội dung của bức thư đã thể hiện…

Chúng tôi nghĩ rằng, có không ít người, đã từng là tù nhân chính trị trong nhà tù của chế độ cộng sản, đã mãn hạn, và còn có rất nhiều người khác, vẫn còn đang bị giam cầm không biết tới ngày nào, tính cho tới thời kỳ hiện tại.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn là, phần lớn những người tù đáng kính này, không phải chỉ có thanh xuân của họ bị hủy hoại, không phải chỉ có cuộc đời của họ bị tàn phá, mà còn có cuộc đời của những người khác, mà những trớ trêu của số phận đã đem họ đến với nhau, và ràng buộc họ lại với nhau theo những cách thức khó chia lìa nhất, nhưng cũng đều bị tan vỡ theo những cách tàn nhẫn khác nhau, theo độ dài của những năm tháng tù đày… Trong số đó có cha mẹ của họ, có những người vợ, và những người con của họ…

Người phụ nữ viết bức thư này, có lẽ cũng giống như bao nhiêu người phụ nữ khác, có người thân phải chịu án tù đày dưới chế độ cộng sản, đã rất dũng cảm và kiên cường. Bà đã đấu tranh nhiều năm không ngừng nghỉ, để tìm kiếm, dù chỉ là một chút công lý cho người chồng của bà… Hành trình tìm kiếm ấy, thật phi thường, và có thể sẽ chạm tới trái tim của nhiều người…

Điều mà người phụ nữ này mong muốn, không phải là những nhà cầm quyền, sẽ bù đắp cho những tù nhân chính trị, những tù nhân lương tâm đã mãn hạn tù, những người đã đánh đổi hầu hết những năm tháng trong cuộc đời để giữ vững niềm tin của họ, bằng những sự giúp đỡ vật chất mà họ lẽ ra đã được hưởng… Quan trọng hơn, bà kêu gọi, những người đang sống trong xã hội vào thời điểm hiện tại, cần phải thức tỉnh, cần phải ý thức về việc mình nên làm gì đó, để giúp đỡ những người mà chúng ta còn đang có thể giúp, trước khi mọi chuyện trở thành quá muộn. Mỗi người nên trang bị cho mình một nhận thức rõ ràng rằng, những việc làm trái pháp luật, phi nhân tính, bóp nghẹt tự do, dân chủ, đi ngược lại với mong muốn của hầu hết thế giới như thế này, sẽ không được phép xảy ra với những thế hệ của tương lai nữa.


Cuối cùng, khi sự phơi bày chủ nghĩa Stalin đã mạnh lên trong năm 1987, báo chí Xô Viết tràn ngập những sự hồi tưởng và hồi ức của các cá nhân. Hồi tưởng sau đây là của một phụ nữ được đăng trên tờ Literaturnaia Gazeta ngày 23/12/1987, tờ báo còn ghi chú là họ đã nhận được khoảng 10.000 bức thư tương tự. Bức thư này chỉ là một trong những điển hình về kinh nghiệm đau đớn của hàng triệu người khác trên khắp nước Nga và khu vực Đông Âu rộng lớn.

Toàn văn bức thư:

Tôi là một bạn đọc quan tâm đến tờ báo của các đồng chí. Tôi đã thích thú đọc tờ báo trong suốt một thời gian dài. Gần đây, có nhiều điều đã được viết ra từ những câu chuyện đã bị lãng quên. Tôi đọc một số bài và trái tim tôi rỉ máu. Tôi nhớ lại cuộc đời của tôi và của chồng tôi.

Thế hệ chúng tôi sống thời kỳ khó khăn của những năm 30 [ 1930s ], sau đó là những năm chiến tranh, rồi tới những năm khó khăn sau chiến tranh.

Ngày nay, những cái chết của Kirov, Tukhachevskiy, Yakir và những nạn nhân vô tội khác đã được viết ra một cách công khai. Điều đó có thể hiểu được: số phận của những người nổi tiếng thường được dư luận công khai chú ý.

Nhưng nếu như ngay cả những người có danh tiếng như vậy cũng không tồn tại được, thì làm sao chúng ta có thể nói gì về số phận của những con người bình thường.

Chồng tôi, A. I. Bogomolov chính là một người bình thường như thế. Ông bị bắt sau cuộc chiến tranh với Phần Lan, bị kết án tử hình, sau đó giảm xuống 10 năm tù, cộng với 5 năm bị tước mất quyền công dân. Ông đã sống 4 năm trong một trại giam ở miền Bắc trong những điều kiện thật kinh khủng. Rồi ông lại vướng vào một vụ giữ bắt khác, một sự kết tội khác với 15 tháng tù giam của tridsadka ( Tờ báo chú thích là không rõ ý tác giả của bức thư ở chỗ này ) trong một xà lim ngầm. Trong cả hai trường hợp, ông ấy đều đã không chịu ký vào biên bản buộc tội. Ông đã ở trong tù tại miền Bắc, tất cả là 12 năm. Sức khỏe của ông vĩnh viễn bị tàn phá, phổi ông bị đông cứng. Sau khi mãn hạn tù, ông sống ở Syktyvkar.

Tôi gặp chồng tôi sau 42 năm xa cách, lần cuối cùng tôi gặp ông là vào năm 1940, khi tôi ẵm đứa con mới sanh đến thăm ông tại nhà tù chuyển tiếp ở Leningrad. Chúng tôi gặp nhau… Cảm tưởng của tôi thật là kinh khủng, nhưng chúng tôi quyết định không chia tay: cảm giác của tôi lúc đó giống như là “Vậy là người được gọi là VỢ của người đàn ông này đã chết rồi”, “Người được tôi gọi là CHỒNG cũng đã chết”, và rồi con cái chúng tôi cũng đã trưởng thành.

Như vậy là trong 5 năm, tôi đã là bác sĩ, y tá, người nuôi dưỡng, là người bạn của anh ấy [ Chúng tôi như đã không còn là vợ chồng nữa ]. Sức khỏe của chồng tôi hoàn toàn bị tàn phá, ông ấy làm việc cho đến khi ông ấy 74 tuổi. Chúng tôi sống trong căn phòng của tôi ở khu tập thể. Bên cạnh phòng chúng tôi, có một người bị bệnh tâm thần. Có những cuộc cãi nhau ầm ĩ, la hét dữ dội và người đàn bà ở phòng bên cạnh chúng tôi đã sử dụng đến nắm đấm để đánh nhau. Chúng tôi không được nhận một căn hộ riêng. Chúng tôi chỉ có hơn 6 mét cho mỗi người.

Nhưng đây là điều tôi muốn nói với ông. Năm 1955, chồng tôi được “phục hồi” [ danh dự ]. Đây là lần thứ hai, lần thứ nhất ông ấy được phục hồi là năm 1940. Khi tôi theo đuổi vụ kiện, và tòa án quân sự khu vực Leningrad đã xem xét lại trường hợp năm 1940 của chồng tôi. Họ đồng ý hủy bỏ bản án vì “thiếu tội danh phạm pháp rõ ràng”. Sau khi được phục hồi, chồng tôi chỉ được lãnh 270 rúp – tức là 2 tháng lương mà ông đã được hưởng đối với chức vụ của mình trước khi xảy ra cuộc chiến tranh với Phần Lan.

Sau 12 năm ở các trại trên miền Bắc, sau các cuộc tra khảo, và công việc kiệt sức ở các hầm mỏ và khu khai thác gỗ, tất cả được trả bằng 270 rúp! Bất cứ lần nào tôi khiếu nại cũng được trả lời rằng họ đã làm điều đó theo luật của năm 1955.

Những quyền lợi của chồng tôi với tư cách một người đã tham gia chiến tranh chỉ được trả lại sau lần phục hồi vừa qua. Hiện nay, ông là thương binh loại 1, bị mù mắt. Tôi đọc cho ông nghe những bài báo và ông ấy khóc. Ông được trợ cấp hưu trí là 113 rúp, trong đó có 15 rúp được cấp cho loại thương binh “được nuôi dưỡng”.

Nhưng tôi đã viết và tôi sẽ còn viết cho các cơ quan chính quyền, vì tôi nghĩ rằng tất cả những cái đó là bất công. Chừng nào tôi còn sống và còn sức khỏe, tôi sẽ còn viết về những người như chồng tôi, đã không được hưởng sự đền bù gì, dù là rất ít, cho tất cả những đau khổ của họ. Họ đã không làm hại gì cho đất nước, nhưng cuộc sống của họ đã bị phá hủy, cuộc sống của gia đình họ đã bị tan vỡ, họ đã bị tước mất sự kính trọng của xã hội, và họ đã không được có quyền chiến đấu, không thể trở thành những thương binh được kính trọng, hoặc những cựu chiến binh đáng tự hào, để được nhận những lời chúc tụng trong những ngày lễ hội kỷ niệm.

Tôi không yêu cầu các đồng chí giúp tôi có được căn hộ. Chúng tôi là những người đã già, và ngay cả khi đồng chí giúp chúng tôi có căn hộ riêng thì cũng là quá muộn đối với chúng tôi. Chồng tôi đã 82 tuổi, gần đây ông ấy hay phải chịu đựng những cơn đau bất thình lình ập đến.

Nhưng tôi yêu cầu đồng chí giúp đỡ tất cả những người vô tội đã đau khổ và đã không thể tự bảo vệ được mình khi họ ‘không được kháng án’.

Ngày nay, người ta đưa lên trên đài phát thanh bài thơ của Tvardovsky ‘Quyền Tưởng Niệm’ [ Right of Rememberance / Right of Memory ]. Tôi nghe mà bàng hoàng, và những dòng nước mắt cũng tuôn ra từ đôi mắt mù lòa của chồng tôi. Trong suốt cuộc đời, ông ấy bao giờ cũng là một công nhân, một đoàn viên thanh niên cộng sản, ông làm việc ở Kuznetskroy, vùng Balkhsh, và bàn tay luôn luôn chai sạn. Ngày nay, tất nhiên ông ấy không thể làm được gì nữa, nhưng ông nhận thức được thời đại mới đã đến và ông tin rằng đó mới chính là một thời đại cách mạng thật sự. Ngày nay, có nhiều điều đã đổi thay, và sẽ là bất công nếu những người đã phải chịu đựng những đau khổ khủng khiếp như vậy lại không còn nữa, trong khi lại có sự quan tâm lớn đến những chiến sĩ lão thành trong chiến tranh và lao động.

Tại sao không xem xét lại đạo luật năm 1955? Tại sao những người đã phải đau khổ vì bị lăng nhục và phải chịu đựng vô số những đau buồn lại không được hưởng bất cứ một sự bù đắp nào, vật chất hoặc tinh thần?

Phải chăng họ đáng trách vì trên thực tế họ đã không có cách nào để tìm kiếm được những bù đắp đó? Tôi yêu cầu đồng chí giúp đỡ tôi và những người còn cần được giúp đỡ.

Ngay cả trong thời kỳ hiện nay, thỉnh thoảng đồng chí lại vẫn nghe thấy người dân nói đến người này hoặc người kia đã là kẻ thù của nhân dân, và đâu có phải là điều vô cớ mà họ lại phải đứng sau những chấn song sắt của nhà tù. Vấn đề ở đây không phải là tiền bồi thường. Vấn đề là xã hội phải có ý thức về bổn phận đối với những người đó…

Valentina Zinovievna Gromova, Leningrad…

Tác Giả: Từ Liên.

Phần 1: Giới thiệu sách: “THẤT BẠI VĨ ĐẠI – Sự Ra Đời Và Cái Chết Của Chủ Nghĩa Cộng Sản Trong Thế Kỷ XX” của Zbigniew Brzeziński. Tác Giả: Từ Liên.

Sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản trong phần lớn lịch sử của thế kỷ XX có gốc rễ từ việc nó đã bắt đầu đề cao một quan điểm mà bị xem là “một sự đơn giản hóa cao độ” tất cả những hiện tượng, đời sống xã hội của con người.

Bản tiếng Anh: “THE GRAND FAILURE: The Birth and Death of Communism in the Twentieth Century”, New York: Charles Scribner’s Sons, 1989; 278 pages.

Các độc giả Việt Nam, chắc cũng có những người đã từng biết tới tác giả Zbigniew Brzeziński ( 1928 – 2017 ), nhà ngoại giao và nhà khoa học chính trị người Mỹ gốc Ba Lan, qua tác phẩm “Bàn Cờ Lớn – Nền Chính Trị Của Các Siêu Cường” [ The Grand Chessboard, American Primacy and Its Geostrategic Imperatives ], được dịch và xuất bản lần đầu ở Việt Nam vào khoảng đầu những năm 2000, và được tái bản lần thứ hai vào năm 2020. Tuy nhiên, có một cuốn sách khác cũng nổi tiếng không kém của tác giả Zbigniew Brzeziński, được giới thiệu lần đầu ở Hoa Kỳ vào năm 1989, trước cuốn “Bàn Cờ Lớn” gần một chục năm, mà hầu như đã chưa bao giờ được dịch và giới thiệu rộng rãi tới công chúng ở Việt Nam, do những lý do kiểm duyệt nghặt nghèo của chính quyền cộng sản. Tác phẩm “SỰ THẤT BẠI VĨ ĐẠI – Sự Ra Đời Và Cái Chết Của Chủ Nghĩa Cộng Sản Trong Thế Kỷ XX“, trình bày những nghiên cứu và quan điểm của tác giả, về những biểu hiện đã bộc lộ rõ ràng, khó có thể che đậy, ở những quốc gia theo hệ thống xã hội chủ nghĩa, những quốc gia, mà trong đó, có chính quê hương Ba Lan của ông, đang phải vận lộn với những khó khăn bủa vây từ khắp mọi hướng, từ kinh tế, xã hội, giáo dục, tới đối nội và đối ngoại.

Sự tích tụ của những khó khăn này đã tạo ra cái mà tác giả Brzeziński gọi là “cuộc khủng hoảng cuối cùng” của chủ nghĩa cộng sản. Cuốn sách đã mô tả và phân tích sự suy sụp dần dần, và cuối cùng là sự khủng hoảng toàn diện của chủ nghĩa cộng sản về cả hai mặt: Hệ thống lý luận và thực tiễn triển khai. Tác giả đã đi đến kết luận rằng, vào thế kỷ tiếp theo [ Từ năm 2000 ], sự suy tàn mang tính lịch sử của chủ nghĩa cộng sản là không thể đảo ngược được, và điều này sẽ làm cho tính thực tế và hệ thống lý thuyết giáo điều của nó sẽ không còn phù hợp và không còn có thể được chấp nhận một cách rộng rãi với những điều kiện thực tại của con người.

Ở những nơi mà ngày nay người ta nhìn thấy thứ chủ nghĩa này vẫn còn có thể thể bám trụ lại được, thì thực chất là chính quyền ở đó đã vứt bỏ hầu hết những gì được coi là bản chất nội tại của lý thuyết này [ chẳng hạn như những khẩu hiệu “Giai cấp công nhân – nông dân đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ nhất của xã hội“, “liên minh công-nông là liên minh đóng vai trò cách mạng trong việc xây dựng và bảo vệ nhà nước“, “giai cấp vô sản và quá trình vô sản hóa toàn dân chính là những điều kiện đảm bảo cho một xã hội tự do và bình đẳng“…, hoặc là những lời hứa “nhà nước của dân, do dân, vì dân“, hoặc là “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu“, “công bằng, bình đẳng chỉ có thể nhờ vào quản lý tập thể“, hay là, nỗ lực xóa sổ chủ nghĩa tư bản hoàn toàn, thay bằng chế độ sở hữu toàn dân, vv ],… dù cho nó có thể giữ lại một vài sự thể hiện ở bề ngoài, mà giờ chỉ còn là tên gọi và những khẩu hiện sáo rỗng.

Theo tác giả của cuốn sách này, bước qua thế kỷ mới [ thế kỷ XXI ], chủ nghĩa cộng sản sẽ chỉ còn được nhớ lại như một sự lầm lạc quái đản và tệ hại nhất về chính trị và trí tuệ của thế kỷ XX.

Lập luận của cuốn sách được phát triển trong sáu phần chính.

Trong phần I, tác giả chứng minh những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tấn bi kịch lịch sử của chủ nghĩa cộng sản, đến chủ yếu từ sự thất bại về mặt chính trị và hệ thống kinh tế – xã hội của Liên Bang Xô Viết [ The Grand Failure ].

Phần II đi sâu vào phân tích những dự tính của Liên Xô nhằm cải cách và tăng thêm sức sống cho hệ thống đó, nhưng kết quả lại chỉ làm tăng thêm tình trạng không ổn định và khích động những xung đột chính trị [ The Soviet Disunion ].

Phần III tác giả xem xét những hậu quả của sự áp đặt chủ nghĩa cộng sản đối với các nước Đông Âu và nhấn mạnh phong trào tự giải phóng của xã hội Ba Lan, đã khởi đầu cho một quá trình bác bỏ quyết liệt hệ thống áp đặt đó [ Organic Objection ].

Phần IV tác giả dành riêng để xem xét về kinh nghiệm của Trung Quốc và kết luận là Trung Quốc có những cơ may kéo dài sự áp đặt của mình, khi những người lãnh đạo đất nước này đã tìm ra một vài cách để loại bỏ, hoặc điều chỉnh những giáo điều cổ hủ đã được xác lập từ rất lâu [ Thực chất là họ lèo lái dư luận, và họ tiến hành những chuyển đổi tinh vi hình thức áp đặt này, qua một hình thức áp đặt và khủng bố kiểu khác ] [ Commercial Communism ].

Phần V, tác giả vạch rõ sự sa sút về mặt hệ tư tưởng và chính trị, cũng như việc suy giảm sức hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản ở tầm quốc tế [ Discredisted Praxis ].

Phần VI, phần cuối cùng xem xét một cách khái quát sự Hấp hối của chủ nghĩa cộng sản và hiện tượng Hậu cộng sản [ The Agony of Communism ].

Cũng như nhiều cuốn sách khác viết về chủ đề này trước đây, việc chuyển ngữ cuốn sách vốn đã khó, mà việc tóm tắt lại những tư tưởng chính của cuốn sách, trong một vài trang, lại còn nhiều thách thức hơn nữa… Tuy nhiên, nhận thấy nội dung của cuốn sách có thể vẫn còn phù hợp đối với các độc giả quan tâm tới hiện tình, và tương lai của đất nước, nhưng lại chưa có nhiều thời gian và cơ hội tiếp xúc với những bài viết, những tác phẩm, đã được những học giả lớn trên thế giới, kỳ công nghiên cứu, phân tích, từ nhiều góc độ khác nhau, chúng tôi mạn phép tóm tắt lại tác phẩm này, bằng thể loại ngôn ngữ bình dân hơn, nhưng vẫn cố đảm bảo theo sát với ý nghĩa của bản gốc… Với những thiếu sót còn lại, vốn là điều không thể tránh khỏi trong quá trình tóm tắt lại tác phẩm trong một bài viết ngắn, chúng tôi kính mong được các độc giả độ lượng…

Sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản trong phần lớn lịch sử của thế kỷ XX có gốc rễ từ việc nó đã bắt đầu đề cao một quan điểm mà bị xem là “một sự đơn giản hóa cao độ” tất cả những hiện tượng, đời sống xã hội của con người.

Con người vốn dĩ sanh ra đã là những thực thể phức tạp, nhiều con người tạo thành xã hội thì tính phức tạp càng tăng lên. Trong đó, mỗi con người không chỉ có những nhu cầu cơ bản như ăn, ở, mặc, hít thở hay có công ăn việc làm, có niềm vui thưởng ngoạn nghệ thuật, có khát vọng sáng tạo, mà họ còn có hàng trăm hàng ngàn những nhu cầu mà đã không được thể hiện ra dưới dạng “hữu hình”. Ngoài ra, họ cũng còn có hàng trăm hàng ngàn những mối quan hệ thân hữu, cộng đồng, xã hội, kinh tế, tôn giáo, tạo thành một mạng lưới chằng chịt, mà không một thang đo nào có thể sắp xếp chúng cho ổn thỏa, không có hệ thống đo lường nào có thể đánh giá chúng cho tường tận…

Tuy nhiên, mọi sự vận động phức tạp đó, đã hoàn toàn “biến mất”, hay bị đè nén, bị dồn ép lại một cách méo mó, bị đơn giản hóa tới mức cực đại trong các học thuyết của chủ nghĩa cộng sản… Chủ nghĩa cộng sản cho rằng nguồn gốc của mọi cái xấu đơn giản chỉ là SỰ THIẾT LẬP QUYỀN TƯ HỮU TÀI SẢN. Họ tin rằng, nếu xóa bỏ cái TÍNH TƯ HỮU / SỰ TƯ HỮU đó đi thì tự nhiên xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, con người có thể đạt tới sự công bằng thật sự và có những cơ hội để hoàn thiện những bản chất tốt đẹp nhất của con người.

Mặt khác, cũng có một sự thật là điều đó lại đã hấp dẫn và tạo ra niềm hy vọng cho hàng trăm triệu con người. Gần như chính xác rằng, sự tuyên truyền như vậy, về mặt tâm lý, nó phù hợp với tình cảm của những khối quần chúng [ phần đông là những người nghèo khổ, không được tiếp cận giáo dục ], mới giác ngộ về mặt chính trị [ Chính xác là những người chưa bao giờ thật sự được học hành nghiêm túc về chính trị, những người chưa thể hiểu chính trị là gì, nhưng lại được gọi là đã “giác ngộ chính trị” ].

Theo ý nghĩa đó, sự hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản có những điểm giống với sự hấp dẫn của các tôn giáo lớn, mỗi tôn giáo đó cung cấp một cách giải thích huyền diệu về cuộc đời. Chính là nhờ sự giải thích vừa mang tính tổng thể, bao quát những vấn đề to lớn, nhưng lại đồng thời được giải thích theo cách rất đơn giản như đã nói ở trên, đã làm nó trở nên vô cùng hấp dẫn, thuyết phục, và nó nhanh chóng trở thành ngọn đuốc dẫn đường cho những hành động nhiệt thành cách mạng…

Thêm vào đó, cũng giống như những tôn giáo lớn, học thuyết cộng sản lại cũng có khả năng cung cấp nhiều mức độ phân tích, từ cách giải thích đơn giản nhất, đến những khái niệm mang tính triết học phức tạp hơn, tùy theo đối tượng mà nó muốn thu hút. Đối với người ít học, chỉ cần học được rằng mọi cuộc đời đều được quy định bởi đấu tranh giai cấp và trạng thái hạnh phúc xã hội sẽ chỉ có thể được hoàn thành bởi xã hội cộng sản.

Đặc biệt là theo quan điểm tâm lý của những “người bị thiệt thòi“, hành động nhiệt thành chính trị để tiêu diệt những người có tài sản, hay những người chỉ cần có đầu óc tư hữu, thực chất là để biện minh cho vấn đề buộc phải sử dụng bạo lực tàn tệ để khuất phục “những kẻ thù của nhân dân”, những kẻ trước đây đã được hưởng thụ vật chất cao hơn thì đến giờ sẽ phải chịu bị sỉ nhục, áp bức và tiêu diệt. Nhưng chủ nghĩa cộng sản còn là một bậc ngụy trang tài tình, khéo léo đến mức tinh tế mà hoàn toàn không dễ có thể nhận ra, đối với ngay cả những người tự cho rằng mình có hiểu biết hơn những người bình dân trong xã hội…

Nó không chỉ thể hiện sự hưởng ứng nồng nhiệt đối với những nỗi lo âu sâu sắc của bộ phận dân chúng ở tầng lớp đáy của xã hội, nó cũng không chỉ thể hiện rằng nó đã làm điều đúng đắn đối với sự căm ghét cái xã hội bất công [ mà do chính nó tiêm nhiễm vào đầu óc dân chúng ]. Nó cũng còn tỏ ra là một hệ thống tư tưởng hiểu biết, sẵn sàng cung cấp một cách nhìn thấu triệt tương lai, cũng như quá khứ, để thỏa mãn lòng khao khát của những bộ phận xã hội mới biết đọc, nhưng lại khao khát hiểu biết mọi thứ về thế giới quanh mình, và cả những người đã có học cao hơn, nhưng vẫn đang loay hoay tìm kiếm một sự giải thích toàn diện về thế giới, nhưng lại không tìm được những giải thích thỏa đáng…

Nếu như đây là KHÔNG PHẢI là những con người đang sống trong một xã hội tự do và rộng mở, có điều kiện tiếp cận với nhiều luồng tư tưởng khác, mà chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là học thuyết Marx-Lenin, thì đối với họ, học thuyết này sẽ cung cấp cho họ: Một chìa khóa cho việc hiểu biết lịch sử nhân loại, một công cụ phân tích để nhận định sự năng động của những thay đổi chính trị và xã hội, một sự lý giải tinh vi về đời sống kinh tế, và một loạt những cách nhìn sâu sắc về động cơ thúc đẩy xã hội [ Trang 2 ].

Nó làm cho những người theo chủ nghĩa cộng sản tự cảm thấy mình đúng đắn và đồng thời tự tin… Nó tự xem mình vừa là một hệ thống triết học toàn diện, vừa là khoa học của mọi khoa học. Nó sẵn sàng trao tặng những lời hứa, những sự giải thích phù hợp với mọi đối tượng mà nó muốn thuyết phục. Dù ở mức độ cá nhân hay về mặt tri thức…, nó cung cấp kịp thời sự hướng dẫn, sự khuyên giải mang tính bài học lịch sử, và trên hết, sự đơn giản hóa đến cao độ những cái mà nó cho rằng có thể hoàn thành thông qua hành động chính trị trực tiếp“. Hơn nữa, bằng cách liên kết những cảm xúc nồng nhiệt của con người với với phần lý trí còn non nớt, học thuyết cộng sản nhấn mạnh rằng: “Nhiệt tình chính trị có thể chuyển biến thành quyền lực chính trị to lớn“… “Cùng nhau xây dựng xã hội là điểm xuất phát để nắm được quyền lực chính trị” [ Nắm được quyền lực rồi để làm gì thì họ không giải thích rõ ràng… ].

Nhưng rõ ràng là, cùng với nhau, sự kết hợp này đã sản sinh ra tính tàn ác của quyền lực nhà nước tập trung, là cái trở thành đặc trưng nổi bật nhất của chủ nghĩa cộng sản” [ Trang 3 ].

Sự xuất hiện chủ nghĩa cộng sản như là một biểu hiện chính trị lớn của thế kỷ XX cần được xem xét đồng thời với sự nổi lên của chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa Nazi. Trên thực tế, giữa chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa Nazi đã có mối quan hệ rõ ràng về loại hình nhà nước, về lịch sử và sự tương đồng về mặt chính trị”.

Cả hai đều là những phản ứng đối với những chấn thương của thời đại công nghiệp hóa, của những bất công trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản, của sự xuất hiện hàng triệu người tự nhiên bị “mất gốc” [ Mất đi những công việc truyền thống, mất đi thị trường truyền thống, mất đi thứ “quyền lực” có tính truyền thống mà những đặc điểm của những xã hội trước đó trao tặng cho họ ].

Những người này đại diện cho thế hệ đầu tiên của những người công nhân công nghiệp, của sự căm ghét giai cấp do những “tổn hại” mà họ phải chịu đựng khi xã hội đột nhiên thay đổi đem lại. Thế Chiến Thứ Nhất dẫn đến sự sụp đổ của những giá trị đương thời và trật tự chính trị ở nước Nga sa hoàng và nước Đức đế chế. Nó tạo nên những sự căng thẳng gay gắt về mặt xã hội ở một đất nước vừa mới bắt đầu bước vào thời kỳ công nghiệp hóa.

Tất cả những điều đó làm nổi lên những phong trào mà ngay từ đầu đã bị lèo lái, bị ràng buộc một cách sai lầm với khái niệm về công bằng xã hội xung quanh [ Thay vì chỉ đấu tranh để đòi được cải thiện điều kiện sống sao cho xứng đáng với sức lao động mà họ đã bỏ ra ], thì họ kêu gọi lòng căm thù xã hội, và tuyên bố bạo lực xã hội cần phải được tiến hành như là một công cụ quan trọng nhất của công cuộc cứu rỗi xã hội.

Cuộc chiến tranh khốc liệt về sau giữa nước Đức Nazi của Hitler với nước Nga Xô Viết của Stalin đã làm cho người ta quên đi đó là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa hai thành phần của cùng một niềm tin. Dù rằng, một bên thì tuyên bố kiên quyết chống chủ nghĩa Marx và chủ trương một sự CĂM THÙ CHỦNG TỘC chưa từng thấy, còn một bên thì tự xem mình là con đẻ duy nhất của chủ nghĩa Marx bằng cách chủ trương CĂM THÙ GIAI CẤP chưa từng thấy. Nhưng cả hai đều nâng nhà nước lên thành cơ quan cao nhất của hành động tập thể, cả hai đều sử dụng khủng bố tàn bạo như là phương tiện để khiến cả xã hội phải quy phục, và cả hai đều tiến hành những cuộc giết người hàng loạt không có gì so sánh nổi trong lịch sử loài người. Cả hai cũng tổ chức kiểm soát xã hội bằng những cách giống nhau, từ những nhóm thanh niên cuồng nhiệt đến những tên chỉ điểm láng giềng và [ lèo lái ] những phương tiện thông tin đại chúng tập trung đã hoàn toàn bị kiểm duyệt. Và cuối cùng, cả hai đều nhận định rằng họ dấn mình vào sự nghiệp xây dựng những nhà nước đầy quyền uy “xã hội chủ nghĩa”.

Cần ghi nhận ở đây rằng Hitler là một kẻ học trò khao khát học những cách thực hành chính trị do Lenin và Mussolini khởi xướng. Cả hai người đó đều là những người báo trước cho những hành động của Hitler, đặc biệt là về mặt sử dụng những phương tiện thông tin đại chúng mới nhằm kích động, và sau đó động viên những đám quần chúng mới thức tỉnh về mặt chính trị. Nhưng cả ba đều là những người tiên phong trong việc đi tìm quyền lực tuyệt đối… Về mặt triết học, cả Lenin và Hitler đều biện minh cho những hệ tư tưởng kêu gọi xây dựng xã hội trên quy mô tập trung, đều tự cho họ vai trò là những người nắm toàn quyền chân lý, đều làm cho xã hội phụ thuộc vào đạo đức của một hệ tư tưởng, đạo đức duy nhất, mà đối với Lenin là dựa trên cơ sở đấu tranh giai cấp, còn đối với Hitler là sự bá chủ về chủng tộc, để rồi từ đó, biện minh cho sự lựa chọn mọi hành động của họ… Về mặt thể chế, Hitler học ở Lenin cách xây dựng nhà nước dựa trên sự khủng bố, hoàn thiện nó với bộ máy cảnh sát bí mật, với những bản án chỉ có trên hình thức mà thực chất là nội dung đã được dàn dựng.

Trên thực tế, không có gì quá đáng để nói rằng Hitler là một phần tử Leninist cũng như Stalin là một phần tử Nazi. Cả hai bạo chúa đều biện minh cho việc áp đặt hoàn toàn sự kiểm soát của Nhà Nước bằng cách tuyên bố công khai những mục tiêu xây dựng lại xã hội từ gốc đến ngọn với một khái niệm vừa giáo điều vừa mơ hồ về một trật tự xã hội không tưởng mới. Việc xây dựng này lại chỉ có thể hoàn thành thông qua việc sử dụng trực tiếp quyền lực nhà nước, tiêu diệt các hình thái xã hội truyền thống và loại trừ mọi biểu hiện của các phong trào tự phát xã hội.” [ Trang 7-8 ].

[ Cần nói thêm rằng, tất cả những quan điểm này cũng hoàn toàn tương đồng với những gì học giả Hayek đã chỉ ra trong cuốn “Đường Về Nô Lệ”, xuất bản từ năm 1944 ].

Chế độ cộng sản cho đến năm 1917 chỉ thu hẹp ở một phần của đế chế của Sa Hoàng thì sau đó đã lan qua hầu hết Trung Âu. Trung Quốc đã tuyên bố trung thành với mô hình Xô Viết từ năm 1949. Tiếp đó, chế độ cộng sản xuất hiện ở một nửa nước Triều Tiên năm 1945 và ở một nửa nước Việt Nam năm 1954. Trong vòng một thập kỷ sau khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, hơn một tỷ người sống dưới chế độ cộng sản… Trong những thập kỷ sau đó, thế giới chứng kiến ở hầu khắp những nơi này, khuynh hướng dựa trên hành động độc tài chuyên quyền của nhà nước để đối phó với tình trạng tồi tệ về kinh tế và xã hội trở nên thắng thế. Trong những năm 1950 và 1960, phần lớn thế giới thứ ba đều hoan nghênh không chút phê phán mô hình Xô Viết, xem nó như là con đường tốt nhất và nhanh nhất dẫn đến hiện đại hóa và công bằng xã hội.

Những nhà lãnh đạo Xô Viết, trong những chuyến đi ra nước ngoài, được tắm mình trong sự nịnh hót và họ thoải mái khuyến cáo một cách vô trách nhiệm, việc làm cách nào tốt nhất để đi đến chủ nghĩa xã hội như những gì mà Liên Xô đã làm.

Tình trạng tương tự như vậy chắc chắn là không thể xảy ra ở những xã hội có truyền thống dân chủ mạnh mẽ. Những quốc gia dân chủ đã luôn tiến hành những cố gắng đặc biệt để nhằm ngăn chặn một sự tập trung quá đáng quyền lực trong tay các cá nhân, cũng như giảm thiểu việc cá nhân hoặc các nhóm lợi ích lạm dụng quyền lực chính trị. Sự tự do lựa chọn của các cá nhân đã luôn được bảo vệ.

Sự mê hoặc đầu tiên được tạo ra bởi những cố gắng phi thường của Liên Xô nhằm xây dựng một xã hội mới trong những năm 1930, lại tăng lên mạnh mẽ với sự kiện Stalin đánh bại Hitler. Những thành tựu của hệ thống Xô Viết cũng như những lời hứa hẹn là đưa thế kỷ XX vào một thời đại được thống trị của chủ nghĩa cộng sản đã trở nên có sức hấp dẫn đặc biệt… Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một thế kỷ kể từ sự khởi đầu của nó, chủ nghĩa cộng sản đã trượt dài trên con đường tàn lụi: Những tư tưởng và thực tế gắn bó với chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn mất uy tín, trong nội bộ chủ nghĩa cộng sản thế giới cũng như bên ngoài nó.

Vào cuối những năm 1980, để thúc đẩy nền kinh tế đã hoàn toàn trì trệ của họ lê lết đến chỗ đạt được năng suất cao hơn, và để động viên công nhân của họ có những cố gắng lớn hơn, những nhà lãnh đạo cộng sản ở Liên Xô, Trung Quốc và Đông Âu, đã không thể làm gì, ngoài việc gián tiếp hay trực tiếp thừa nhận sự sai lầm có hệ thống của họ… Theo báo Sự Thật [ Pravda ], Liên Xô ngày 11/8/1988, công nhân Xô Viết được nghe Alexandre Yakovlev, thành viên của Bộ Chính Trị tuyên bố rằng ngày nay “tư tưởng hữu sản phải được đề cao”, “nhận thức về quyền sở hữu là một điều tốt, vì khi người công nhân có lợi ích ở một cái gì đó thì người ta sẽ làm cả việc dời núi, nếu không có lợi ích đó, người ta sẽ thờ ơ”. Ở Ba Lan, một ủy viên bộ chính trị, Stanislaw Ciosek nói rằng: “Không thể cải thiện được đời sống theo một mức độ như nhau đối với mọi người”. “Chắc chắn rằng ai phục vụ nền kinh tế của đất nước tốt thì sẽ được trả công khá hơn”. Ciosek nói thêm: “Đó là những quy luật cứng rắn của kinh tế”. Và chỉ một vài tháng trước đó, ở tận cùng viễn đông của thế giới cộng sản, công nhân Trung Quốc được Hồ Khởi Lập, một ủy viên mới của Bộ Chính Trị mở mắt cho về mặt hệ tư tưởng. Ông ta nói: “Cái gì có lợi cho sự phát triển của lực lượng sản xuất là cần thiết và được chủ nghĩa xã hội cho phép” [ Trang 11 ].

Rõ ràng, cho tới thời điểm nói trên, chủ nghĩa cộng sản đã gần như không thể chối bỏ rằng, họ không thể tồn tại được nếu như không có những “bệ đỡ” tối quan trọng mà chủ nghĩa tư bản đã xây dựng: Quyền tư hữu cá nhân, tự do sáng tạo của các cá nhân, và hệ thống kinh tế thị trường tự do cạnh tranh.. Vào đêm trước thập kỷ cuối cùng của thế kỷ, hầu hết mọi hệ thống cộng sản đều tiến hành cải cách mà trên thực tế là có giá trị tương đương với sự bác bỏ kinh nghiệm Marx-Lenin.

Điều quan trọng nhất là chúng cũng bác bỏ về mặt triết học những tiền đề nguồn gốc của chủ nghĩa cộng sản. Ở khắp mọi nơi trong các nước xã hội chủ nghĩa ngày nay, việc ca tụng Nhà Nước đã dần dần phải nhường chỗ cho việc phục hồi nhân quyền, sáng kiến cá nhân và ngay cả kinh doanh tư nhân. Sự rút lui của chủ nghĩa độc tài toàn trị, sự ưu tiên ngày càng tăng lên đối với quyền con người và sự chuyển sang chủ nghĩa thực dụng kinh tế, đặc biệt là ở khu vực Đông Âu, nơi còn lưu giữ những kết nối lịch sử gần gũi với truyền thống tự do của Phương Tây cổ đại, chính là những biểu hiện tiêu biểu cho một cuộc cách mạng to lớn về thái độ và về triết lý cơ bản đối với cuộc sống của con người.

Nhìn xa hơn, đó chính là một bước ngoặt mà chắc chắn là sẽ đem lại những kết quả có tác động lâu dài. Nó sẽ tạo ra những ảnh hưởng cả về kinh tế và chính trị trên quy mô toàn thế giới. Và càng ngày người ta càng thấy rõ ràng, nó báo trước khả năng là vào ngày đầu tiên của kỷ nguyên mới, học thuyết cộng sản, lần này đã được chứng minh một cách xác thực, rằng nó chỉ còn giữ một tầm quan trọng vô cùng nhỏ bé đối với tương lai của nhân loại trong thế kỷ XXI.

Tuy nhiên, trong xã hội loài người, mọi việc lại cũng sẽ không chỉ kết thúc đơn giản như vậy. Cuộc khủng hoảng cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản hiện đại sẽ đưa đến những câu hỏi về ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA TIẾP THEO, đối với những học thuyết của nó, cũng như những thực tiễn triển khai đã diễn ra trong thế kỷ này.

Mặt khác, việc xem xét một cách nghiêm túc về những học thuyết vĩ đại, mơ hồ, nhưng có sức hút to lớn của chủ nghĩa cộng sản, thứ mà đã đem lại những niềm hy vọng, cũng như những sự thất vọng to lớn, những thất bại khổng lồ, trong cả giới lãnh đạo lẫn dân chúng, và đặc biệt là những tội ác khủng khiếp, tích tụ lại qua nhiều năm tháng, đã làm mất tín nhiệm hoàn toàn một hệ tư tưởng, một phong trào chính trị, là điều vẫn còn cần thiết, và phải làm. Nó có thể dẫn chúng ta đến với một chìa khóa để hiểu biết sâu sắc, khoa học, và có hệ thống… về nhiều vấn đề khác nhau mà có liên quan tới cuộc sống của hàng tỷ con người trong thời kỳ hiện tại, và tương lai…

Cuối cùng, việc phân tích về những mô hình đã được thực nghiệm và đã thất bại của những xã hội cộng sản này liệu có thể được xem như là một cánh cửa dẫn tới con đường cứu vớt [ đối với các quốc gia, với những nhóm người đã, đang, và vẫn còn cảm tình với chế độ cộng sản ] chăng? [ Trang 12 ].

Tác Giả: Từ Liên.

Phần 5/5: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Phần cuối. Tác Giả: Từ Liên.

Tuy nhiên, tôi tin rằng bất cứ một người nào dù sống ở đâu trên trái đất này, tự nhận mình là người Việt Nam, đều có chung mong đợi một ngày đất nước phát triển, nền dân chủ được thực thi rộng rãi trong đời sống xã hội ở Việt Nam. Khi đó, những người Việt Nam có thể ngẩng cao đầu bước đi với niềm tự hào là công dân của một quốc gia tự do, có thể tự tin cầm một cuốn hộ chiếu trên tay mà không cảm thấy hổ nhục, có thể tự giới thiệu mình là người Việt Nam mà không cảm thấy ngại ngùng trước con mắt của bạn bè thế giới.

Ở những phần trước, tôi đã tóm tắt và phân tích những lập luận của GS Haykek về 4 luận điểm : (1) Sự xuất hiện của các thể chế độc tài toàn trị và Bản chất của những con người lãnh đạo ở những thể chế đó; (2) Tại sao các thể chế độc tài toàn trị không bao giờ có thể thực hiện lời hứa hoang đường của họ về tự do và thịnh vượng cho những cộng đồng dân cư mà họ cai trị; (3) Người dân của những nước sống dưới chế độ độc tài cũng cần tự chịu trách nhiệm vì đã cho phép chế độ độc tài cai trị và áp bức họ; (4) Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa phát xít chỉ là hai tên gọi khác nhau của Chủ nghĩa độc tài toàn trị.

Trong phần cuối cùng này, tôi xin tóm tắt và phân tích những GỢI Ý của GS Hayek về những biện pháp mà những người dân đang sống dưới chế độc độc tài toàn trị có thể suy nghĩ, cân nhắc, để tự quyết định xem mình có nên rời bỏ Con Đường Nô Lệ để xây dựng Con Đường Tự Do cho bản thân mình và dân tộc mình.

Cá nhân tôi cho rằng đây là một trong những chương quan trọng nhất của tác phẩm Đường Về Nô Lệ. Nếu như vì một lý do nào đó mà chương này đã bị khiếm khuyết đi, thì có lẽ tác phẩm này sẽ không được coi là hoàn thiện, có ý nghĩa sâu sắc, và khó có thể có sức sống mãnh liệt như vậy trong suốt 80 năm qua.

Dù chỉ là những “gợi ý” từ một trí thúc lỗi lạc, nhìn từ góc độ của một người Phương Tây, và đối tượng nhắm tới là những quốc gia Châu Âu thời kỳ hậu Thế Chiến Thứ II, nhưng tôi tin rằng mỗi người dân trên thế giới này đều có thể tìm ra một vài điểm đồng điệu nào đó. Từ góc độ của mình, từ hoàn cảnh của mình, từ thực tiễn xã hội của mình, mỗi người có thể sẽ tìm ra những cách thức riêng để đóng góp cho nền tự do của bản thân, cũng như cộng đồng và dân tộc.


Từ thuở hồng hoang, con người đã phục tùng những hiện tượng tự nhiên mà họ tin rằng do những đấng siêu nhiên toàn năng tạo ra. Họ đã tôn sùng những vị thần mà họ không thể thấy hình dạng, nhưng họ xem sự hiện diện của các Ngài là một phần trong cuộc sống thường nhật của họ. Và cũng không thể chối bỏ rằng, sự phục tùng này trong buổi đầu, đã tạo điều kiện cho sự phát triển của nền văn minh. Sự sợ hãi những lực lượng Tự nhiên đầy quyền năng đó, khiến con người biết cách tôn trọng thiên nhiên, lòng sợ hãi sự trừng phạt của đấng Siêu Nhiên làm nảy sinh những quy chuẩn đạo đức và phép tắc trong cư xử giữa con người với nhau trong xã hội loài người, thúc đẩy họ thực hiện những bổn phận và nghĩa vụ của mình đối với gia đình, cộng đồng, và môi trường tự nhiên.

Nhờ sự phục tùng như thế mà hằng ngày chúng ta mới có thể đóng góp một phần sức lực của mình để xây dựng nên những chuyện thần kì mà không một người nào trong chúng ta có thể hiểu hết được” [ Trang 457 ].

Mặt khác, GS Hayek cũng lập luận rằng rằng, ngay kể trong các xã hội nguyên thủy sơ khai như vậy, vẫn đã xuất hiện những cá nhân sáng suốt và có tư duy vượt khỏi bầy đàn, khỏi cộng đồng, những người đã có khả năng nhìn xuyên qua những tấm màn bao phủ các hiện tượng tự nhiên khủng khiếp và hư ảo đó, tiếp cận được phần nào sự thật. Họ đã đoán được những dấu hiệu “nổi giận” của tự nhiên nhờ vào nhiều dấu hiện lặp đi lặp lại ngày càng rõ ràng trước khi những hiện tượng này xảy ra. Họ lờ mờ hiểu được những nguyên lý khoa học ở phía sau sự thịnh nộ của các lực lượng Siêu Nhiên này. Tuy vậy, trong bối cảnh tri thức của phần lớn con người sống trong các xã hội nguyên thủy còn quá hữu hạn, việc “giải thích một cách duy lý về sự cần thiết phải phục tùng các lực lượng, mà cơ chế hoạt động của nó ta vẫn chưa nắm được một cách cụ thể là việc cực kì khó, [ khó hơn rất nhiều so với việc khuyên người ta ] là phục tùng chúng” [ Trang 461 ].

Những con người nguyên thủy nhưng sáng suốt, và có đầu óc nhìn xa trông rộng đó, họ biết rằng sớm hay muộn gì cũng đến một ngày con người sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn nhờ học hỏi những thế hệ trước, và ngày đó, họ có thể truyền lại những gì họ hiểu biết. Trong khi chờ đến lúc đó, họ đã âm thầm làm những công việc của mình, như gieo những hạt mầm vào lòng đất và thí nghiệm những điều kiện sống phù hợp nhất với hạt mầm đó, chờ một ngày chúng nảy nở, tái sinh thành những cái cây mạnh mẽ.

Xem xét từ khía cạnh lịch sử đó, Hayek rút ra kết luận rằng, NẾU NHƯ MỖI NGƯỜI CHỈ BIẾT ĐI THEO ĐÁM ĐÔNG, HOẶC NGỒI YÊN, VÀ KHÔNG CHỊU LÀM BẤT CỨ VIỆC GÌ KHI ANH TA CHƯA HIỂU BIẾT ĐƯỢC SỰ CẦN THIẾT CỦA NÓ, THÌ CHẮC CHẮN XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI ĐÃ KHÔNG THỂ TIẾN XA ĐẾN NHƯ NGÀY HÔM NAY … [ Trang 461 ]. Đôi khi, chính thái độ không chịu phục tùng những điều kiện tự nhiên áp đặt lên chúng ta, mà loài người đã từng bước một, giải phóng mình khỏi thế giới mê muội và tăm tối, dò dẫm đi về phía ánh sáng. Nhờ vào sự cố gắng bền bỉ không ngừng của những cá nhân như thế trong suốt nhiều thế hệ, mà con người đã đạt đến một hoàn cảnh sống đáng ngưỡng mộ như thời điểm đầu thế kỷ XX.

[ Ở đây, tác giả cũng khẳng định rằng, những khía cạnh tốt của việc thực hành tôn trọng thiên nhiên [ dưới dạng một tôn giáo hoặc một hình thức thờ cúng ] và việc duy trì những giá trị đạo đức nguyên thủy, vẫn giữ nguyên giá trị trong đời sống loài người hiện đại. Việc xem thường, xuyên tạc, loại bỏ những giá trị luân lý, đạo đức của quá khứ, vốn đã được chứng minh qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có khả năng sẽ đưa tới sự hủy diệt của bất kỳ một nền văn minh nào trong thời kỳ hiện tại ].

Tuy nhiên, cũng thật đáng thất vọng, vì bất chấp những “Khát khao giải thoát khỏi những trói buộc mà con người đã nhận thức được, song người ta lại không hiểu rằng những trói buộc của hệ thống chuyên chế mà họ sẽ tự giác khoác lên mình còn nặng nề và đau khổ hơn nhiều” [ So với những gì các đấng Siêu Nhiên mang đến cho con người ] [ Trang 462 ].

Con đường tiến tới Tự Do và Thịnh Vượng, mà ông gợi ý ở đây là “chúng ta phải tìm cách phối hợp những cố gắng của các cá nhân với “những lực lượng siêu nhiên” [ Đại diện cho những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức, định hình loài người chúng ta, trong so sánh với các loại động vật khác ]. Tiến trình kết hợp những sức mạnh này, dù có diễn ra ở quy mô nào đi chăng nữa, phải diễn ra một cách tự nguyện và dân chủ, tôn trọng sự khác biệt giữa những cá nhân: “ý tưởng then chốt là tự do cá nhân KHÔNG THỂ HÒA HỢP với quyền uy tuyệt đối mà cả xã hội phải phục tùng một cách toàn diện và vĩnh viễn” [ Trang 463 ].

Ông cũng bổ sung, “Ngoại lệ duy nhất [ Đối với việc cá nhân phải hy sinh phần nào tự do cá nhân của mình ], là tình trạng chiến tranh hay những thảm họa tạm thời khác, khi mà hầu như tất cả đều phải phục vụ cho nhu cầu bức bách trước mắt“. Nhưng, điều này cũng chỉ có ý nghĩa là “Cái giá chúng ta phải trả trong ngắn hạn nhằm bảo vệ sự tự do của chúng ta trong dài hạn“. Có nghĩa là, chúng ta chấp nhận hy sinh, vì chúng ta tin rằng, chính quyền của thời kỳ hậu chiến / hậu thảm họa, sẽ bảo vệ cho quyền làm người Tự Do của chúng ta.

Cũng đứng trên nguyên tắc này, ông đã khẳng định rằng, có nhiều thứ thuộc về thời chiến sẽ không thể áp dụng lại trong thời bình được, “Điều đó giải thích tại sao nhiều câu nói thịnh hành hiện nay rằng trong thời bình chúng ta cũng sẽ làm những việc như chúng ta đã học làm trong thời chiến là những câu nói hoàn toàn sai: có thể tạm thời hi sinh tự do để trong tương lai tự do càng vững chắc hơn, nhưng không thể nói như thế được nếu hệ thống phi tự do như thế trở thành vĩnh cửu” [ Trang 463 ].

Tuy nhiên, ở những nhà nước độc tài toàn trị, chúng ta không khó để thấy rằng, có nhiều mô hình từ kinh tế, chính trị tới văn hóa, là những sản phẩm “con đẻ” của thời kỳ chiến tranh, vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng trong xã hội hiện đại, trở thành những lực cản to lớn cho sự phát triển của xã hội hiện tại.

Ở Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên… nhà nước nắm độc quyền về mọi lĩnh vực sinh tử đối với mỗi cá nhân, cộng đồng người, từ lương thực thực phẩm, tới năng lượng, giao thông vận tải, tài nguyên thiên nhiên, giáo dục, y tế. Các thành viên vừa thiếu khả năng, vừa thiếu nhân tâm của Đảng độc tài và bộ máy cai trị khổng lồ của họ vươn ra như những cái vòi bạch tuộc, bám vào khắp mọi nơi để hút cạn kiệt đi những nguồn lực tốt nhất mà xã hội có thể tích lũy, chúng không còn chừa lại một không gian nào cho những cá nhân có đầu óc tự do, những cộng đồng đặc thù, những nhà khoa học, các chuyên gia trong các lĩnh vực, những người thực hành tôn giáo, đạo đức, để họ làm công việc của mình.

Kết quả là, chúng ta đã được nhìn thấy những thiệt hại về kinh tế, văn hóa, giáo dục vô cùng thảm khốc đối với những dân tộc này, như đã đề cập ở những phần trước.

Ngay vào thời điểm này đây, khi dịch bệnh virus Vũ Hán quét qua thế giới, chúng ta cũng đang được chứng kiến những thất bại đau đớn, không còn có thể che dấu bằng bất cứ thứ vỏ bọc nào nữa, và cũng không còn đáng để tha thứ, nhìn từ bất cứ phương diện nào, của bộ máy lãnh đạo toàn trị của các đảng độc tài, trong đó có Việt Nam.

Ở Việt Nam, cho dù chiến tranh đã qua từ bao nhiêu thập niên, giờ này lãnh đạo Việt Nam vẫn không ngừng đổ lỗi tình trạng nghèo khổ, lạc hậu của Việt Nam là do chiến tranh. Những khẩu hiệu kiểu như “Quyết tâm, Quyết tử, Quyết chiến, Quyết thắng, Quán triệt mục tiêu, Chỉ đạo sâu sát, Lãnh đạo triệt để, Toàn dân thi đua, Hạ gục nhanh, Tiêu diệt gọn…” vẫn hiện diện trong các hội thảo khoa học, các cuộc họp ở các công sở, một cách sáo rỗng và phi thực tế.

Các mô hình Mặt Trận Tổ Quốc, Bộ Chính Trị, Dân Quân Tự Vệ, AK 47, lực lượng dư luận viên, Ban Tuyên Giáo Trung Ương và cơ sở, Học Viện Báo Chí tuyên truyền, tổ chức Đảng từ cấp cơ sở tới cấp Trung Ương, cơ chế ấp “chiến lược”, khái niệm sở hữu toàn dân, lập chỉ tiêu, kế hoạch… Tất cả đều là tư duy thời chiến nhưng vẫn được bưng nguyên xi vào trong đời sống của người dân trong thời hậu chiến, khiến cho đời sống của người dân trong cả nước vẫn bị bao phủ và nhận chìm trong bầu không khí chiến tranh. Việc hy sinh đi cái tự do của người dân, thay vì chỉ là tạm thời thì, đã trở thành tình trạng vĩnh viễn.

Theo quan điểm của Hayek, nếu như người ta chỉ háo hức với việc chiến tranh kết thúc, người ta thiếu những kế hoạch tái thiết thời hậu chiến được tính toán một cách chi tiết và khoa học, thì đất nước sẽ không bao giờ thực sự có khả năng bước ra khỏi được tư duy “chiến tranh”. Ông cho rằng, dĩ nhiên cần phải có thời gian để mỗi quốc gia chuyển tiếp từ “Chiến Tranh” qua “Hòa Bình”, nhưng thời gian này cần phải gắn với những mục tiêu ngắn hạn và rõ ràng và tối cần thiết, mang tính chất “bắc cầu” giữa hai giai đoạn. Nhà nước không được phép “mị dân” bằng những từ ngữ hoa mỹ, nhưng mơ hồ, trong giai đoạn này, chẳng hạn như, “dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, ai cũng có việc làm…”, vì nó có thể dẫn tới những biện pháp cực kì thiển cận. Họ cũng không nên đưa ra những kế hoạch hay chỉ tiêu to lớn mà kèm theo những đòi hỏi quyết liệt và thiếu trách nhiệm như “phải làm bằng mọi giá” của những người lí tưởng hóa. Điều này chắc chắn sẽ mang lại nhiều tác hại to lớn [ Trang 463 ].

Là một nhà kinh tế học, GS Hayek cho rằng, muốn xây dựng một xã hội thời hậu chiến, người ta phải ưu tiên vực dậy nền kinh tế, trong đó quan trọng nhất là sử dụng nguồn lực lao động một cách hợp lý. “Không nghi ngờ gì rằng vào thời điểm sau chiến tranh, sự khôn ngoan trong quản lí kinh tế còn quan trọng hơn cả thời kỳ trước đó, và số phận của nền văn minh của chúng ta rốt cuộc sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ giải quyết những vấn đề kinh tế như thế nào” [ Trang 464 ].

Điều này là vì “Một trong những đặc điểm quan trọng của thời hậu chiến là hàng trăm ngàn người, cả đàn ông và đàn bà, do nhu cầu chiến tranh đã phải chuyển qua làm những công việc mà người ta không mong muốn. Trong thời bình khả năng sử dụng một số lượng người lớn đến như thế sẽ không còn… Việc tái đào tạo, chắc chắn sẽ được thực hiện trên quy mô to lớn, cũng không thể giải quyết được toàn bộ vấn đề..” [ Trang 464 ].

Ông giải thích, “Nếu không [ có kế hoạch phân phối nguồn lực lao động này hợp lý ], nó sẽ dẫn tới việc tiếp tục dư số lượng người lao động. Nó sẽ làm cho năng suất lao động giảm và sẽ làm gia tăng tỉ lệ những người làm việc mà lương bổng của họ được giữ nguyên chỉ nhờ các biện pháp nhân tạo [ của thời chiến ]”.

Một luận điểm khác cũng được Hayek chỉ ra ở đây, đó là TÌNH TRẠNG PHÂN PHỐI LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM, TÀI SẢN THEO KIỂU “BÌNH QUÂN CHỦ NGHĨA” TRONG THỜI CHIẾN, SẼ KHÔNG THỂ TIẾP TỤC ĐƯỢC THỰC HIỆN TRONG THỜI BÌNH. Ông cho điều đúng đắn nhất mà xã hội thời Hậu chiến nên làm đó là “Phải tìm cách nâng cao thu nhập của các cá nhân. Cũng như toàn xã hội, để mọi người có thể được hưởng phúc lợi xã hội tốt hơn“.

Ông cảnh báo “Có lẽ cũng không kém phần quan trọng là không được khắc phục tình trạng nghèo đói bằng các biện pháp thiển cận như tái phân phối thay vì phải nâng cao thu nhập, làm như thế là đẩy nhiều nhóm xã hội đông người thành kẻ thù của trật tự hiện hành“… [ Trang 465 ].

Ông lưu ý rằng, việc truất hữu tài sản của giai cấp trung lưu để chia đều cho những giai cấp nghèo khổ hơn, chính là chúng ta đang dùng tới các hình thức bạo lực để trấn áp Tự Do của người khác, và những ai đồng ý với điều đó, chính là họ đang giúp sức cho việc ngóc đầu dậy của chủ nghĩa toàn trị trên đất nước của họ. Cũng tương tự như thế, việc cướp của người giàu chia cho người nghèo tự nó sẽ không làm cho tài sản xã hội tăng lên mà nó còn bắt những người có khả năng hơn phải hi sinh phẩm giá và hạ thấp những chuẩn mực cuộc sống của mình, trong khi nó không hề làm tăng phẩm giá hay chuẩn mực cuộc sống của những tầng lớp thấp kém hơn.

Chúng ta chỉ có thể xây dựng được một thế giới tử tế nếu chúng ta có thể tiếp tục cải thiện được điều kiện sống cho tất cả mọi người… Chúng ta muốn khôi phục và đạt được mức sống cao hơn thì chúng ta phải tiến hành những điều chỉnh lớn chưa từng có, và chỉ khi mỗi người chúng ta sẵn sàng tuân theo những nhu cầu tất yếu của quá trình tái điều chỉnh này thì chúng ta mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn như những người tự do, những người có quyền lựa chọn cách sống riêng của mình” [ Trang 465 ].

Để làm được điều đó mà không gây ra nhiều xáo trộn trong xã hội, ông đề nghị các chính phủ “Hãy tìm mọi cách để đảm bảo một mức sống tối thiểu đồng đều cho tất cả mọi người, NHƯNG ĐỒNG THỜI VỚI VIỆC ĐẢM BẢO MỘT MỨC SỐNG TỐI THIỂU NHƯ THẾ RỒI, THÌ MỌI ĐÒI HỎI VỀ ƯU TIÊN, ƯU ĐÃI CHO NHỮNG GIAI TẦNG ĐẶC BIỆT [ Những người không thể / hoặc không muốn lao động trong xã hội, thường xuyên sống bằng trợ cấp, và những nhóm lãnh đạo đã quen được hưởng những ưu đãi đặc biệt ] CŨNG PHẢI BỊ BÃI BỎ. Mọi lí do cho phép thành lập những nhóm khép kín nhằm bảo đảm những tiêu chuẩn đặc biệt cho họ cũng sẽ phải bị bãi bỏ“.

GS Hayek cho rằng, nếu những nhà lãnh đạo đất nước [ Tầng lớp đã được ưu ái nhiều trong những thời kỳ khó khăn ] không đồng ý hy sinh những lợi ích của mình như ý kiến trên, mà họ tìm những cách thức khác để biện minh, chẳng hạn như “Mặc xác kinh tế, chúng ta sẽ xây dựng một thế giới tử tế”, thì “đấy là những lời kêu gọi nghe có vẻ cao thượng nhưng trên thực tế lại là những lời nói hoàn toàn vô trách nhiệm… Điều duy nhất mà nền dân chủ hiện đại không thể chịu đựng được, nó nhất định sẽ bị tổn thương, đấy là khi nó buộc phải giữ mức sống thấp đối với dân chúng của nó ngay cả trong thời bình hoặc chứng kiến sự giẫm chân tại chỗ của nền kinh tế trong một thời gian dài” [ Trang 478 ].

Điều này, giải thích cho nhiều người trong chúng ta rằng, tại sao những quốc gia như Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cuba, lại chưa bao giờ có khả năng chạm vào cánh cửa của nền “dân chủ”. Hayek cũng cảnh báo rằng, lãnh đạo của các quốc gia độc tài toàn trị, để giữ lại những quyền lợi và ưu tiên của mình, họ sẽ tiếp tục tự lừa phỉnh dân chúng rằng toàn dân đang hi sinh quyền lợi vật chất nhân danh những mục đích lí tưởng cao đẹp của Chủ Nghĩa Xã Hội, Chủ Nghĩa Cộng Sản, hoặc cái gì đó tương tự. Sự lừa phỉnh của tầng lớp lãnh đạo này, đến lượt nó, sẽ có thể làm nảy sinh, ngay cả ở những con người lương thiện nhất trong xã hội, những bản tính lừa lọc, dối trá, nghi kỵ, ích kỷ, giảo hoạt, háo danh, khi họ phải hàng ngày đối mặt với các thủ đoạn và đòi hỏi của bộ máy cai trị.

Như vậy, liệu năm mươi năm tiếp xúc với chủ nghĩa tập thể có nâng cao được tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta hay sự thay đổi sẽ đi theo chiều ngược lại?” [ Trang 471 ].

Liên quan đến việc xây dựng một xã hội “Công bằng, bình đẳng, văn minh, nhân bản“. Hayek cho rằng, “Mặc dù chúng ta thường tỏ ra tự hào là nhạy cảm hơn với các bất công xã hội, nhưng hành động của mỗi người chúng ta thì lại chưa chứng tỏ được điều đó” [ Nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng, sẽ luôn có những tầng lớp được hưởng đặc quyền đặc lợi hơn phần lớn những người dân trong xã hội, dù họ không thể chứng minh được những đóng góp của họ là xứng đáng với những đặc quyền đặc lợi đó, thì có nghĩa là chúng ta đã phản lại tinh thần công bằng của nền dân chủ tự do ] [ Trang 471 ].

Cũng như vậy, về mặt đạo đức xã hội, Hayek khẳng định, “Các tiêu chuẩn đạo đức nhất định phải gắn bó mật thiết với các hành vi mang tính cá nhân [ Cá nhân tự quyết định mình nên trở thành người như thế nào, thông qua những hành động của mình ], cũng như chúng chỉ có hiệu lực khi cá nhân được tự do quyết định và tự nguyện hi sinh các quyền lợi cá nhân [ mà không bị một sức ép nào từ bên ngoài ] nhằm thực thi các quy tắc đạo đức. Chỉ khi chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyền lợi của mình, và có tự do trong việc chọn lựa hi sinh các quyền lợi đó, thì quyết định của chúng ta mới có giá trị đạo đức“.

Chắc chắn rằng, chúng ta sẽ CHẲNG THỂ được coi là vị tha khi chúng ta chỉ muốn hi sinh quyền lợi của người khác [ Như cách mà các nhà lãnh đạo độc tài toàn trị hy sinh quyền lợi của dân chúng ] cho những mong ước của chúng ta, chúng ta sẽ KHÔNG XỨNG ĐÁNG được vinh danh nếu như chúng ta ép người khác vào chỗ không còn lựa chọn nào khác, ngoài hi sinh lợi ích của họ, cho những mong muốn của chúng ta, dù rằng với bất kỳ mục đích nào. Thêm vào đó, nếu những thành viên của một xã hội mà trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, cũng cam chịu phải làm cái điều [ mà họ được tuyên truyền rằng là điều tốt ] dù phải hy sinh quyền lợi của họ, thì họ cũng chẳng có gì để chúng ta phải ca ngợi [ Vì họ đã không tự biết suy nghĩ để bảo vệ quyền lợi của chính mình ] [ Trang 472 ].

Hayek bày tỏ niềm tin tưởng mạnh mẽ vào việc “Chỉ có thể gọi một xã hội là văn minh, nhân bản, đạo đức khi từng thành viên trong xã hội đó tự ý thức được vai trò cá nhân và xã hội của mình, khi từng cá nhân trong xã hội đó nỗ lực để trở nên có đạo đức và hành xử phù hợp, mà không thể có trường hợp ngược lại” [ Tức, gọi nhà nước đó là nhà nước đạo đức trước, rồi dân chúng tự động trở nên có đạo đức. Không thể có chuyện gọi nhà nước là Xã Hội Chủ Nghĩa hay Cộng Sản, thì người dân sẽ theo đó mà có tinh thần Xã Hội Chủ Nghĩa ].

Ông lập luận:

Tự do hành động ngay trong những hoàn cảnh thách thức những lựa chọn của chúng ta, cũng như biết tự chịu trách nhiệm khi chọn lựa cách tổ chức cuộc sống phù hợp với lương tâm của mình, chính là những điều kiện cần thiết để ý thức về đạo đức [ của mỗi cá nhân ] có thể phát triển… Mỗi cá nhân sẽ chịu trách nhiệm, không phải trước cấp trên, mà trước lương tâm của mình…. Ý thức về trách nhiệm SẼ KHÔNG đến từ việc một cá nhân vì bị cưỡng bức mà phải thực hành, mà cần phải đến từ việc cá nhân coi cái gì đó là có giá trị, và họ phải dám hy sinh những cái khác, cũng như sẵn sàng chấp nhận hậu quả của những quyết định do mình đưa ra, tất cả những điều đó chính là bản chất của đức hạnh, theo nghĩa đúng đắn nhất của từ này” [ Trang 472-473 ].

Ông cũng cho rằng, “Trong lĩnh vực hành vi cá nhân thì ảnh hưởng của chủ nghĩa tập thể chỉ mang tính phá hoại. Phong trào nào mà hứa hẹn sẽ giải thoát con người ta khỏi trách nhiệm cá nhân, chắc chắn nó sẽ trở thành phong trào phi đạo đức” [ BLM? ]. Trên thực tế dù lí tưởng ban đầu của nó có cao quý đến mức nào, và…

Lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền cải thiện tình hình HOẶC ngồi im, cam chịu phục tùng mệnh lệnh của nhà cầm quyền, miễn là những người khác xung quanh mình cũng bị buộc phải làm như thế, VÀ, tự mình sẵn sàng đứng lên làm những việc mà mình cho là đúng, ngay cả khi phải hi sinh những ước mơ riêng của mình, cũng như việc mình sẽ có thể phải hứng chịu những điều tiếng không hay LÀ HAI VIỆC HOÀN TOÀN KHÁC NHAU“. [ Một cá nhân tự do, và biết suy nghĩ thì phải phân biệt được hai điều này rõ ràng ].

Ông cho rằng, trong các xã hội, khi các nhà độc tài toàn trị lên tiếng, họ thường có xu hướng kêu gọi con người hướng vào những hành động tập thể và bỏ qua những suy tư về bản thân họ như là những con người cá nhân cụ thể. Điều này cực kỳ là tai hại, vì có nghĩa là họ cũng bỏ qua cả những sai trái của những con người cá nhân, và chỉ dành sự quan tâm cho những mục đích tập thể, cho dù cái mục đích đó nó tàn nhẫn và phi nhân tính.

Có nhiều sự kiện chứng tỏ rằng trên thực tế càng ngày chúng ta càng dễ bỏ qua những hành động bất lương cụ thể, càng ngày càng tỏ ra bàng quan đối với những bất công riêng lẻ, trong khi đó lại chú mục vào cái hệ thống lí tưởng, trong đó nhà nước sẽ tổ chức mọi việc một cách hoàn hảo. Có thể, như đã nói bên trên, CHÍNH NIỀM SAY MÊ HÀNH ĐỘNG TẬP THỂ LÀ CON ĐƯỜNG ĐƯA CHÚNG TA CHÌM ĐẮM VÀO THÓI ÍCH KỶ TRÊN QUY MÔ TẬP THỂ” [ Trang 474 ].

Và như vậy, “Những đức tính tốt như tự lập, tự lực cánh sinh, sẵn sàng mạo hiểm, sẵn sàng bảo vệ ý kiến của mình dù trái ngược với đa số và tinh thần sẵn sàng hợp tác với người khác, là những đức tính tối quan trọng của xã hội cá nhân chủ nghĩa thì nay không còn được đánh giá cao, và ít được thực hành hơn trước. Chủ nghĩa tập thể không thể thay thế được những đức tính đó, nhưng trong khi phá hủy chúng, chủ nghĩa tập thể đã để lại một khoảng trống về mặt đạo đức, mà sau đó lại được lấp đầy bằng một yêu cầu duy nhất là các cá nhân phải phục tùng và tham gia thực hiện những điều mà tập thể [ chứ không phải cá nhân ] quyết định là tốt” [ Trang 475 ].

Nguy hiểm hơn, điều này sẽ khiến cho sự lựa chọn về khía cạnh đạo đức đạo đức của các ứng cử viên [ là những người sẽ đại diện cho ý chí của người dân ] trong các cuộc bầu cử định kì ngày một thu hẹp thêm. Các ứng cử viên sẽ không còn cần phải chứng minh những giá trị đạo đức của cá nhân họ, cũng không cần phải chứng minh lòng chân thành cũng như lương tâm, năng lực của mình, mà chỉ cần đưa ra những lời hứa hẹn sáo rỗng về tinh thần và mục tiêu của tập thể, khiến cho việc lựa chọn ra người đại diện chính quyền này có thể thất bại hoàn toàn, hoặc đem lại những hậu quả vô cùng tai hại.

Vì các QUY TẮC HÀNH XỬ CỦA CÁ NHÂN CHÍNH LÀ CỘI NGUỒN ĐỨC HẠNH CỦA CÁC HÀNH ĐỘNG CHÍNH TRỊ TẬP THỂ, cho nên quả là chuyện lạ nếu tiêu chuẩn đạo đức cá nhân giảm đi LẠI CÓ THỂ ĐI kèm với sự gia tăng các tiêu chuẩn của hành động xã hội”. [ Chỉ có nhiều cá nhân tốt tạo ra xã hội tốt, chứ khó có thể ngược lại ] [ Trang 476 ].

GS Hayek cũng cho rằng, ở những xã hội khác nhau, vào những thời điểm khác nhau, con người sẽ sắp xếp lại các thang giá trị của mình, trong đó, họ sẽ có thể coi một số giá trị là cao hơn, một số thấp hơn so với các thế hệ đi trước.

Tuy nhiên, ông tin rằng, có những giá trị sẽ giống nhau ở nhiều xã hội, và nhiều xã hội sẽ chia sẻ những giá trị này. Một trong số đó là những điều kiện cơ bản, ở mức ít nhất là đủ cho nhu cầu tối thiểu của con người [ Ăn, ở, mặc, hít thở không khí sạch ].

Ông lập luận:

Nhưng xin hãy tự hỏi: những mục tiêu nào đang bị coi là thấp, và giá trị nào có thể phải hi sinh… nếu chúng xung đột với các giá trị khác? Trong các họa phẩm vẽ về tương lai mà các văn sĩ và các diễn giả đưa ra cho chúng ta, thì những giá trị nào có vị trí mờ nhạt hơn so với những bức tranh từng hiện diện trong những giấc mơ và niềm hi vọng của cha ông chúng ta?

Chắc chắn là tiện nghi vật chất, nâng cao mức sống và bảo đảm một vị trí xã hội nhất định KHÔNG THỂ CHIẾM CÁC VỊ TRÍ THẤP TRÊN THANG GIÁ TRỊ CỦA CHÚNG TA” [ Nếu chúng ta là những con người bình thường, bằng xương bằng thịt, và có lý trí ].

LIỆU CÓ VĂN SĨ HAY DIỄN GIẢ NÀO DÁM ĐỀ NGHỊ QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN NHÂN DANH NHỮNG LÝ TƯỞNG CAO CẢ MÀ CHẤP NHẬN HY SINH CÁC TRIỂN VỌNG VẬT CHẤT CỦA HỌ HAY KHÔNG?

Vậy mà ngay vào lúc này, sau 80 năm Hayek đã cảnh báo điều này, thì ở các quốc gia độc tài toàn trị, nơi các lãnh đạo độc tài toàn trị thường xuyên kêu gọi những người dân khốn khổ của mình hy sinh những khát vọng cá nhân cho những mục tiêu tập thể lý tưởng đến độ hoang tưởng, nơi người ta thường xuyên kêu gọi những con người còn đang trong những hoàn cảnh sống thấp kém, phải biết quên đi những đòi hỏi vật chất, những đòi hỏi cơ bản của con người, để toàn tâm hướng tới những giá trị đạo đức cao cả, những thứ mà chỉ có các bậc triết nhân, vĩ nhân, những người đã đạt đến những hoàn cảnh sống hết sức đầy đủ rồi mới dám mơ tưởng đến. [ Điển hình là vào ngày 11/08/2021 Tổng Bí Thư của Đảng Cộng Sản Việt Nam mới phát biểu: Tiền bạc lắm làm gì, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất ].

Thêm vào đó, Hayek cũng đặt câu hỏi về những giá trị quan trọng mà người dân không được phép để nó bị xâm phạm theo bất cứ cách thức nào, trong bất cứ kế hoạch nào trong tương lai, trong đó bao gồm các: quyền tự do cá nhân, quyền tự do đi lại, quyền tự do ngôn luận nữa, và quyền lên tiếng đòi hỏi chính phủ phải cung cấp cho mình những thứ mà mình cần, sau khi mình đã có những đóng góp hợp lý [ Trang 477 ].

[ Ở những xứ sở độc tài toàn trị ], việc phân biệt đối xử với những thành viên và những người không phải thành viên của các “nhóm lợi ích” [ thường là bộ máy lãnh đạo và bè lũ tay sai ], đấy là chưa nói tới những sắc dân thuộc các thành phần khác, càng ngày càng được coi là vấn đề đương nhiên… Những bất công do chính phủ gây ra cho các cá nhân, khi nó chỉ hành động nhằm bảo vệ quyền lợi của một nhóm nào đó, đã bị người ta lờ đi với thái độ bàng quan có thể sánh ngang với sự tàn nhẫn… Những vụ vi phạm trắng trợn quyền cơ bản của con người, thí dụ như ép buộc di dân hàng loạt [ Đi kinh tế mới, dồn người vào các trại cải tạo ] được ngay cả những người tự nhận là theo trường phái tự do ủng hộ.

TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU NÀY, CHỨNG TỎ RẰNG Ý THỨC ĐẠO ĐỨC CỦA CHÚNG TA ĐÃ CÙN MÒN ĐI, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ SẮC BÉN THÊM [ Theo quy luật về sự tiến hóa của con người ] [ Trang 477 ].


Bình luận về sự thoái hóa đạo đức của con người nói chung trong các xã hội độc tài toàn trị nói chung, Hayek cho rằng:

Có một khía cạnh trong sự thay đổi của các giá trị đạo đức, mà do sự lấn tới của chủ nghĩa tập thể đã gây ra, rất đáng được suy ngẫm vào lúc này. Đó là những đức tính càng ngày càng ít được coi trọng, và vì vậy càng ngày càng trở thành hiếm hoi hơn, nhưng trước đây các đức tính này từng là niềm tự hào của người Anglo-Saxon [ Người Anh hiện tại ] và họ cũng được mọi người thừa nhận là xuất sắc về mặt đó” [ Trang 478 ].

Những đức tính mà các dân tộc này sở hữu là TÍNH ĐỘC LẬP VÀ TỰ LỰC CÁNH SINH, SÁNG KIẾN CÁ NHÂN VÀ TRÁCH NHIỆM CỘNG ĐỒNG, BIẾT TỔ CHỨC VÀ DỰA VÀO CÁC HOẠT ĐỒNG TÌNH NGUYỆN, TRONG KHI, KHÔNG CAN THIỆP VÀO CÔNG VIỆC CỦA NGƯỜI KHÁC, CŨNG NHƯ KHOAN DUNG VỚI NHỮNG NGƯỜI CÓ SUY NGHĨ KHÁC MÌNH, KỂ CẢ VỚI NHỮNG NGƯỜI CÓ KHUYNH HƯỚNG BỊ COI LÀ LẬP DỊ, TÔN TRỌNG TẬP QUÁN TRUYỀN THỐNG, CÓ THÁI ĐỘ NGHI NGỜ LÀNH MẠNH ĐỐI VỚI CHÍNH QUYỀN VÀ NHÀ CHỨC TRÁCH.

Gần như tất cả các truyền thống và thiết chế, trong đó tinh thần đạo đức dân chủ được thể hiện một cách đặc trưng nhất và đến lượt nó, lại hun đúc nên tinh thần dân tộc và toàn bộ bầu không khí đạo đức của nước Anh và nước Mĩ này, lại đang bị chủ nghĩa tập thể và các xu hướng tập quyền gắn liền với nó phá hủy” [ Trang 478 ]. Hayek xem việc mà người [ Anh ] coi thường những đóng góp có giá trị nhất của họ cho nhân loại là “một trong những cảnh tượng đáng buồn nhất trong thời đại chúng ta“. Ông cho rằng khi người ta xem thường những giá trị tượng trưng cho Con người cá nhân Độc Lập, Tự Do và nền Dân Chủ như vậy, thì nền dân chủ sớm muộn gì cũng bị lung lay, tiến đến chỗ có thể bị thay thế bằng nền cai trị độc tài toàn trị. “Những người Xã Hội Chủ Nghĩa này, dĩ nhiên là không bao giờ chịu công nhận rằng, các giá trị đạo đức mà đa số họ vẫn lấy làm tự hào [ Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc ], lại là sản phẩm của những thiết chế mà họ đã và đang kêu gọi phá hủy” [ Trang 479 ].

Đáng kinh ngạc hơn, khi Hayek viết cuốn sách này, chiến tranh Thế Giới Thứ II vẫn chưa kết thúc, nhưng Hayek đã có suy nghĩ tới việc chính các nước đồng minh ở Phương Tây sẽ phải gánh vác vai trò tái thiết lại Châu Âu, sau thất bại của phe phát xít. Hayek đã nói rằng, “Nếu sau này chúng ta [ Anh và các nước đồng minh ], phải giúp nước Đức và Ý tái thiết lại đất nước sau thế chiến, [ ông tin rằng ] “những quốc gia này sẽ hiểu sâu sắc rằng, TẤT CẢ CÁC Ý ĐỊNH TỐT ĐẸP LẪN TÍNH HIỆU QUẢ CỦA HỆ THỐNG ĐỀU SẼ CHẲNG THỂ BẢO VỆ ĐƯỢC SỰ ĐÚNG ĐẮN CỦA CHÚNG, TRONG MỘT HỆ THỐNG MÀ KHÔNG CÓ CẢ TỰ DO LẪN TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN. Người Đức và người Ý, là những người đã thấm nhuần bài học về sự độc tài của chính phủ tiền nhiệm của họ, phải làm trước hết là TỰ BẢO VỆ HỌ BẰNG CÁCH CHỐNG LẠI MÔ HÌNH NHÀ NƯỚC TẬP TRUNG TOÀN TRỊ” [ Trang 483 ].


Sau cùng thì, những nhận định sau của GS Hayek cũng có thể rất đáng cân nhắc cho người dân ở những nước đang nằm dưới sự cai trị của bộ máy độc tài toàn trị:

Người dân không cần những kế hoạch đại quy mô nhằm tổ chức lại toàn bộ xã hội, cái họ cần là cơ hội xây dựng lại thế giới nhỏ bé của mình một cách thanh bình và trong tự do. Họ hoàn toàn có thể hi vọng vào sự trợ giúp của những kiều dân của các nước từng là đối thủ của họ, KHÔNG PHẢI vì họ tin rằng bị người Anh hay người Mĩ chỉ đạo thì tốt hơn là bị người Đức [ hay người Liên Xô, Trung Hoa ] chỉ đạo, MÀ VÌ HỌ TIN RẰNG, trong cái thế giới mà, nơi các lí tưởng dân chủ đã chiến thắng, người dân sẽ ít cam chịu sự chỉ đạo từ bên trên hơn, người dân sẽ được sống trong hòa bình và theo đuổi những mối quan tâm riêng của mình” [ Trang 483 ].

Bên cạnh đó, Hayyek cũng đưa ra những lời gợi ý, mà có thể ngay vào thời điểm này, có thể là vô cùng cần thiết cho việc xây dựng đất nước trong tương lai, của người dân ở các quốc gia độc tài toàn trị:

Muốn thắng trong cuộc đấu tranh tư tưởng và lôi kéo được những phần tử tử tế trong các quốc gia thù địch, thì trước hết chúng ta phải giành lại lòng tin vào những giá trị truyền thống mà chúng ta từng bảo vệ trong quá khứ [ Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc, Dân Chủ, Yêu Nước Thương Nòi, Can Đảm, Hy Sinh, Có Trách Nhiệm ], và phải có đủ dũng khí đạo đức để bảo vệ những lí tưởng mà đối thủ của chúng ta [ Là những kẻ muốn duy trì chế độ độc tài, toàn trị ] đang tấn công chúng ta….

Chúng ta sẽ giành được niềm tin và sự ủng hộ KHÔNG PHẢI bằng những lời xin lỗi đáng xấu hổ, KHÔNG PHẢI bằng những lời bảo đảm rằng chúng ta sẽ cải tổ một cách nhanh chóng, KHÔNG PHẢI bằng những lời giải thích rằng chúng ta đang đi tìm sự thỏa hiệp giữa các giá trị tự do truyền thống và những tư tưởng toàn trị mới, mà chính là niềm tin không hề lay chuyển của chúng ta vào những truyền thống đã làm cho nước Anh và nước Mĩ [ và những quốc gia dân chủ tự do khác ], trở thành quốc gia của những con người tự do, ngay thẳng, khoan dung và độc lập. Đó mới là điều đáng để chúng ta quan tâm [ Trang 484 ].

Phần kết,

Tôi xin tạm dừng phần tóm tắt tác phẩm “Đường Về Nô Lệ” của tác giả Hayek ở đây. Trong tác phẩm vĩ đại này, GS Hayek cũng còn dành ra chương cuối cùng để tiên đoán về trật tự thế giới sau Thế Chiến Thứ Hai, về xu hướng quốc tế hóa và khu vực hóa, về sự trỗi dậy của những hình thức chủ nghĩa độc tài toàn trị mới, trong các khu vực, khi những quốc gia có nhiều thế mạnh hơn cố gắng áp đặt những chuẩn mực của mình lên những quốc gia nhỏ bé hơn, và điều này sẽ dẫn tới nguy cơ tan vỡ của chủ nghĩa khu vực [ Như chúng ta đã được chứng kiến hiện tượng Brexit trong những năm qua ].

Tôi hiểu một cách sâu sắc rằng bản tóm tắt này còn rất nhiều thiếu sót, và những phân tích cũng còn rất thiển cận và vụng về, không thể chuyển tải được toàn bộ ý nghĩa to lớn của tác phẩm.

Tuy nhiên, tôi tin rằng bất cứ một người nào dù sống ở đâu trên trái đất này, tự nhận mình là người Việt Nam, đều có chung mong đợi một ngày đất nước phát triển, nền dân chủ được thực thi rộng rãi trong đời sống xã hội ở Việt Nam. Khi đó, những người Việt Nam có thể ngẩng cao đầu bước đi với niềm tự hào là công dân của một quốc gia tự do, có thể tự tin cầm một cuốn hộ chiếu trên tay mà không cảm thấy hổ nhục, có thể tự giới thiệu mình là người Việt Nam mà không cảm thấy ngại ngùng trước con mắt của bạn bè thế giới.

[ Xếp hạng của Tổ Chức Cư Trú và Công Dân Toàn Cầu Henley & Partners, trong suốt nhiều năm, hộ chiếu Việt Nam chỉ được xếp dưới hoặc cùng lắm là ngang bằng với hộ chiếu Lào và Campuchia ( Báo Thanh niên; https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ho-chieu-viet-nam-kem-quyen-luc-hon-ca-lao-campuchia-966451.html ) ].

Tính đến Tháng Bảy, 2021, hộ chiếu Việt Nam xếp hạng thứ 94/199 hộ chiếu, đồng hạng với Nigeria, Mali và Cambodia.

Chúng ta là một quốc gia đang sống trong hòa bình, chúng ta có “Rừng vàng biển bạc, có lịch sử 4,000 năm, có gần 100 triệu dân trong thời điểm hiện tại, dân chúng ta thông minh, chăm chỉ, yêu nước, thương nòi, nước chúng ta có sự lãnh đạo thiên tài, sáng suốt của Đảng cộng sản quang vinh muôn năm, chúng ta làm được những điều mà thế giới chưa bao giờ làm được…”. Vậy mà vì cớ gì mà người Việt Nam cầm cái hộ chiếu của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trên tay, lại không thể mở mày mở mặt ra được với bất cứ quốc gia nào trên thế giới này? Có điều gì đó là nghịch lý đến nỗi nó không đáng được tha thứ ở đây không?

Chắc chắn là không phải riêng tôi, mà còn rất nhiều người Việt Nam khác, cũng có niềm tin vững vàng rằng Việt Nam có những tiềm năng con người to lớn, không thua kém bất cứ một quốc gia nào ở trong khu vực Đông Nam Á, và có thể là ngoài khu vực này nữa. Trong suốt nhiều năm qua, những tiềm năng này đã tỏa sáng rực rỡ khi chúng được mang đi vun trồng ở những mảnh đất của tự do.

Chắc hẳn tất cả các độc giả có đọc bài này của tôi, cũng đồng ý rằng, từng người người Việt Nam một, cho dù xuất thân trong những điều kiện khác biệt to lớn, đều xứng đáng được bước đi trên Đại Lộ Tự Do, thay vì Đại Lộ Nô Lệ, mà những sai lầm nối tiếp của nhiều con người tham vọng và mơ mộng trong lịch sử một trăm năm, đã dẫn dắt những dân tộc khổ đau, trong đó có Việt Nam bước vào.

Và hẳn chúng ta cũng có thể chia sẻ với nhau rằng: Nếu như càng ngày càng có nhiều những người Việt Nam trẻ tuổi, và đang sở hữu nhiều điều kiện tốt hơn hẳn những thế hệ cha anh, có thể dành nhiều thời gian hơn để nghĩ về những gì đã, và đang xảy ra trên mảnh đất thân yêu này, cũng như nghĩ về những ước mơ mà chúng ta muốn hiện thực hóa trong những thế hệ tiếp theo của chúng ta, chúng ta đều có thể chung tay, làm những điều dù là nhỏ bé nhất, trong hoàn cảnh và phù hợp với điều kiện, sức lực của mỗi người, để góp phần cải tạo lại mảnh đất đau thương này.

Mỗi ngày, chúng ta có thể gieo xuống mảnh đất đó những hạt mầm khỏe mạnh. Chúng ta sẽ nuôi dưỡng chúng, chăm sóc chúng, làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ chúng, và chờ đến một ngày, chúng ta lại có thể nhìn thấy chúng trưởng thành rực rỡ, đơm hoa kết trái, không phải trên Đại Lộ của Nô Lệ, mà sẽ là trên một đại lộ mới có tên Đại Lộ TỰ DO.

Tác Giả: Từ Liên.

Phần 4: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác Giả: Từ Liên.

Chủ Nghĩa Phát Xít Và Chủ Nghĩa Xã Hội Chỉ Là Những Tên Gọi, Hình Thức Khác Nhau Của Chủ Nghĩa Độc Tài Toàn Trị.

CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CHỈ LÀ NHỮNG TÊN GỌI, HÌNH THỨC KHÁC NHAU CỦA CHỦ NGHĨA ĐỘC TÀI TOÀN TRỊ.

Phần 1: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác giả: Từ Liên.

Phần 2: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek — Tóm Tắt. Tác Giả: Từ Liên.

Phần 3: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác Giả: Từ Liên.

Trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến những sự kiện xuất hiện ở một vài quốc gia Châu Âu, và đặc biệt là ở Hoa Kỳ, khiến cho nhiều người liên tưởng tới sự nảy sinh của những mầm mống CNXH, ở những vùng đất nằm bên ngoài những quốc gia vẫn còn theo hệ thống này trong thời kỳ hiện đại.

Trong bối cảnh như vậy, dường như nhiều quốc gia đã quên rằng từ cách nay hơn một thế kỷ, đã có những nhà nghiên cứu kinh tế, chính trị, xã hội, trong đó có Alexis de Tocqueville, có Hayek, bằng những khảo cứu nghiêm túc về lịch sử của xã hội loài người, bằng những quan sát và trải nghiệm thực tiễn của họ, đã liên tục cảnh báo nhân loại, rằng có rất nhiều nguy cơ luôn rình rập xung quanh cuộc sống của con người để đánh lừa con người và dụ dỗ họ đi ra khỏi cánh cửa rộng mở của thế giới của chủ nghĩa tự do và chui vào trong tấm lưới sắt “chủ nghĩa độc tài toàn trị“.

Xin được trích nguyên văn ở đây những nhận xét của tác giả Hayek cách nay gần 80 năm về điều này:

Nhưng trong mấy năm gần đây [ Thời điểm Hayek viết cuốn sách này, 1942-1943 ], các ý kiến bàn về những hậu quả không thể lường được của chủ nghĩa xã hội, tưởng như đã rơi vào quên lãng từ lâu, lại được gióng lên với một sức mạnh mới và từ những hướng bất ngờ nhất. Các nhà quan sát, hết người này đến người khác, xuất phát từ những xu hướng hoàn toàn trái ngược nhau, ĐÃ NHẬN RA SỰ TƯƠNG ĐỒNG ĐẾN KINH NGẠC GIỮA CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT VÀ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN. Trong khi những người “tiến bộ” ở Anh và ở một số nơi khác tiếp tục tự lừa mình rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít là những hiện tượng trái ngược nhau thì càng ngày càng có nhiều người tự hỏi rằng phải chăng các chính thể chuyên chế mới nổi đó có cùng cội rễ.

Kết luận mà Max Eastman, một người bạn cũ của Lenin, rút ra đã làm cho ngay cả những người cộng sản cũng phải choáng váng. “Chủ nghĩa Stalin”, ông viết, “không những không tốt hơn mà còn xấu hơn cả chủ nghĩa phát xít vì nó tàn nhẫn hơn, dã man hơn, bất công hơn, vô luân và thiếu dân chủ hơn, không thể biện hộ bằng hi vọng hay sám hối”. Rồi ông viết tiếp: “Đúng hơn, phải gọi nó là siêu phát xít” khi nó [ tìm mọi biện pháp ] để theo đuổi quá trình quốc hữu hóa và tập thể hóa, và xây dựng xã hội phi giai cấp”.

Ghi nhận của Eastman là rất đáng chú ý, nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất khi một nhà quan sát vốn có thiện cảm với các cuộc thí nghiệm ở Nga rút ra kết luận tương tự. Mấy năm trước, William Henry Chamberlin, một nhà báo Mĩ từng sống ở Nga suốt mười hai năm, đã chứng kiến sự đổ vỡ tất cả các lí tưởng của mình khi ông tiến hành tổng kết những điều quan sát được và so sánh kinh nghiệm ở Liên Xô với kinh nghiệm ở Đức và Ý: “Chủ nghĩa xã hội, ít nhất là trong những giai đoạn đầu, không phải là con đường dẫn tới tự do mà là tới chế độ độc tài và các phong trào chống lại độc tài, dẫn tới những cuộc nội chiến khốc liệt nhất. Giành và giữ chủ nghĩa xã hội bằng các phương pháp dân chủ, hòa bình dĩ nhiên là điều không tưởng”.

Frederick Augustus Voigt, một nhà báo người Anh, sau khi quan sát các sự kiện ở Châu Âu, cũng rút ra kết luận tương tự như thế: “Chủ nghĩa Marx đã dẫn đến chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa xã hội quốc gia vì về bản chất nó chính là chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa xã hội quốc gia”.

Còn Walter Lippmann thì tin rằng: “Thế hệ chúng ta, bằng chính kinh nghiệm của mình, sẽ nhận ra rằng từ bỏ tự do nhân danh tổ chức cưỡng bức sẽ đưa người ta đến đâu. Tưởng rằng sẽ được giàu sang, ai ngờ trên thực tế người ta lại trở thành nghèo túng. Còn khi lãnh đạo có tổ chức được tăng cường thì cũng là lúc tính đa dạng phải nhường chỗ cho sự đơn điệu. Đấy là cái giá phải trả cho xã hội được lập kế hoạch và cách tổ chức công việc của con người theo lối độc tài”

Có thể tìm thấy vô số những điều khẳng định tương tự trong các tác phẩm được công bố mấy năm gần đây, đặc biệt là của những người vốn là công dân của các nước đã bước chân lên con đường phát triển toàn trị,những người từng trải qua giai đoạn chuyển đổi và buộc phải xem xét lại quan điểm của mình là có sức thuyết phục hơn cả. Xin dẫn ra ở đây một lời phát biểu nữa, của một người Đức, có thể cũng nói ý tương tự, nhưng thể hiện rõ hơn bản chất của vấn đề.

Niềm tin vào tính khả thi của tự do và công bằng theo lí luận của Marx đã hoàn toàn đổ vỡ, Peter Drucker viết, “đấy chính là lí do thúc đẩy nước Nga bước lên con đường dẫn tới xã hội toàn trị, đầy cấm đoán, phi kinh tế, thiếu tự do và đầy bất công mà nước Đức đã theo. Không, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít không phải là những thực thể giống nhau. Chủ nghĩa phát xít là giai đoạn tiếp theo, sau khi chủ nghĩa cộng sản đã chứng tỏ rằng đấy chỉ là một ảo tưởng, như đã từng xảy ra ở Nga dưới thời Stalin cũng như ở Đức trước khi Hitler cướp được chính quyền.

Sự chuyển hóa về mặt trí tuệ của các lãnh tụ quốc xã và phát xít cũng có ý nghĩa không kém. Những người theo dõi quá trình phát triển của các phong trào này ở Ý hay ở Đức, không thể không ngạc nhiên khi thấy rất nhiều lãnh tụ, từ Mussolini trở xuống, kể cả Pierre Laval ( một trong những lãnh tụ Đảng cộng sản Pháp), và Vidkun Quisling ( một trong những lãnh tụ của đảng Cực Hữu Na Uy ), đã khởi đầu như những người xã hội chủ nghĩa, để cuối cùng trở thành những tên phát xít hay quốc xã.

Và điều gì đúng đối với các lãnh tụ thì còn đúng hơn đối với các đảng viên bình thường của phong trào nữa… [ Đường về Nô lệ, Trang 135 – 138 ]

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, chủ nghĩa phát xít đã chính thức đầu hàng quân đồng minh ở cả ba quốc gia Đức, Ý, Nhật. Những đảng phát xít ở những quốc gia này bị buộc phải giải thể, bị xóa sổ và nhiều thành viên của chúng bị quy là tội phạm chiến tranh, bị xử tội ở các tòa án hình sự quốc tế. Tuy nhiên, những gốc rễ của thứ chủ nghĩa này vẫn hoàn toàn chưa bị tiêu diệt ở nhiều nơi trên thế giới.

Các Đảng toàn trị còn lại, đứng đầu là Đảng Cộng Sản Liên Xô và Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tiếp tục tồn tại dưới danh nghĩa các nhà nước xã hội chủ nghĩa, đã thu hút được một lực lượng khổng lồ quần chúng nhân dân ở khu vực Đông Âu và một phần Á Châu. Hậu quả tai hại của những công cuộc cai trị này, đã được người dân của một số các quốc gia, trong đó có nhiều các quốc gia Đông Âu từng bị xáp nhập vào Nga, nổi bật là Ba Lan, nhận ra. Nhưng vẫn còn có những quốc gia khác, hoặc do người dân chưa nhận thức đầy đủ thực trạng của mình, hoặc do bè lũ lãnh đạo độc tài đã cài cắm, đã ăn sâu bám rễ quá mạnh trong đời sống của dân chúng, hút máu họ, khiến họ kiệt sức, không còn đủ nội lực để tự giải phóng mình khỏi sự cai trị đó. Họ vẫn phải tiếp tục sống thân phận Nô Lệ, cho dù hiện nay nhân loại đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp Tự Do Hóa con người.

MARX NÓI: TÔN GIÁO LÀ THUỐC PHIỆN CỦA NHÂN DÂN! THUỐC PHIỆN CỦA ĐẢNG DÀNH CHO NHÂN DÂN LÀ GÌ?

Như trong những phần trước, tôi cũng đã đề cập sơ lược đến những “liều thuốc phiện” mà các lý thuyết chủ nghĩa xã hội / chủ nghĩa phát xít / chủ nghĩa toàn trị, đã luôn chuẩn bị sẵn và tìm mọi cách để mời mọc những thành viên mới gia nhập vào hàng ngũ của mình. Liều thuốc đó thường kèm theo công thức sau đây:

Các lãnh đạo tiềm năng của các đảng độc tài toàn trị sẽ cung cấp cho (1) những trí thức mơ mộng và thường là đang có sẵn những bất mãn với điều kiện hiện tại của họ, (2) các thành phần “tiểu tư sản” có sở hữu một số tài sản nào đó, điều mà cả hai dạng người này cần: Cảm giác rằng tài năng của mình được trọng dụng, được đánh giá xứng đáng, cảm giác được trở thành vị cứu tinh của nhân loại, thỏa mãn tính háo danh của một số người, và cũng đem lại cả cảm giác an ủi to lớn rằng trí tuệ, tài sản của mình được sử dụng để làm những điều vĩ đại, đem lại lợi ích cho nhân loại [ Trong đó có cả những cá nhân có lòng nhiệt thành thực sự ]. (3) Với quần chúng nhân dân nghèo khổ, ít được tiếp cận với giáo dục [ Những gia đình nông dân, công nhân ], họ sẽ nhấn mạnh vào hoàn cảnh nghèo khổ của những người này, nhấn mạnh vào lòng căm thù họ cần phải có đối với những người giàu có hơn, tinh hoa hơn họ, nhấn mạnh rằng giấc mơ thịnh vượng, hùng cường của xã hội chủ nghĩa chắc chắn sẽ đến với họ.

Người nào còn do dự, lưỡng lự trước những lời hứa to lớn của chúng, chắc chắn sẽ có những đội ngũ tuyên truyền, làm công tác tư tưởng, tác động từ vòng trong tới vòng ngoài, từ xa tới gần, từ khuyên nhủ tới đe nẹt, từ những người bà con, đồng nghiệp, những người thân thương nhất của họ, đến khi họ phải lung lay. Người nào vẫn chống đối, kiên quyết, thì sẽ có sẵn lực lượng an ninh, mật vụ, công an chìm nổi, sẵn sàng sử dụng những biện pháp bằng vũ lực để dọa dẫm hoặc hành động thẳng tay, khiến cho họ phải quy phục.

Cũng bằng những cách thức như vậy, các Đảng độc tài, phát xít sẽ khéo léo cài cắm người vào mọi tổ chức dân sự, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức học thuật, các tổ chức kinh tế, xã hội ở các quy mô khác nhau. Họ cũng thường xuyên “nặn” ra những cơ sở y như thật và tồn tại trên thực tế để lừa bịp dân chúng. Họ xây những thánh đường Hồi Giáo đẹp [ Ở Tân Cương Trung Quốc ], những Chùa chiền, đền tháp lộng lẫy, những Nhà Thờ tráng lệ, những Học Viện [ Chẳng hạn như Học Viện Khổng Tử ], những Mặt Trận Tổ Quốc, các tổ chức dân sự, kinh tế, từ thiện khác, với vẻ bề ngoài y như là những cơ sở do các nhóm tôn giáo, xã hội của những người dân tạo ra cho chính lợi ích của họ.

Tuy nhiên, những cơ sở này chỉ được sử dụng cho mục đích tuyên truyền của các Đảng độc tài, được quảng bá rầm rộ với những mục tiêu tiêu tốt đẹp nhất, đánh thẳng vào niềm tin của hàng chục triệu người dân thơ ngây và mù quáng. Những cơ sở đội lốt các cơ sở dân sự, tôn giáo này được lãnh đạo bởi các đảng viên trung kiên, và có hẳn một mạng lưới an ninh, tuyên truyền rộng lớn hỗ trợ họ, một mặt, để đưa nhiều người dân của những xứ này vào bẫy độc tài toàn trị, mặt khác, tạo ra hình ảnh giả tạo, nhưng đẹp đẽ, khoan dung của họ, trước con mắt của toàn dân và thế giới.

Bằng những biện pháp “tinh xảo” và phối hợp với nhau một cách có hệ thống chặt chẽ như vậy, bè nhóm của những người theo chủ nghĩa tộc tài toàn trị đã có thể bắt đầu thực thi việc xây dựng một nhà nô lệ theo ý định của họ, mà gặp rất ít cản trở từ phía dưới đẩy lên. Trong đó, họ khéo léo thay thế những niềm tin tôn giáo của dân chúng thành niềm tin vào Đảng của họ, họ biến những lãnh tụ độc tài tối cao của họ thành những lãnh tụ “tôn giáo” trong học thuyết tư tưởng của họ. Trên thực tế, dưới nhiều “lốt” khác nhau, họ chính là những người chủ nô cai trị đám đông cuồng nhiệt còn lại.

Một ví dụ cụ thể được nhà nghiên cứu Ma Tianjie viết trong bài viết “Khi Marx gặp Hồi Giáo” [ When Marx Meets Islam: https://foreignpolicy.com/2017/03/31/when-marx-meets-islam-china-religious-ethnic-policy-tension-weibo/%5D, chỉ ra:

Đảng Cộng Sản vô thần chính thức đã thấy quan điểm của mình thay đổi đáng kể về vấn đề hóc búa này [ Họ tuyên bố Đảng vô thần nhưng lại thần thánh hóa các lãnh tụ độc tài ] trong nhiều thập kỷ. Nó đã chuyển từ sự “tán tỉnh” trong những năm đầu vì lợi ích xây dựng liên minh chính trị, mở ra sự thù địch trong những nhóm khác nhau, mà điều này hoàn toàn là do kết quả của các cuộc đấu tranh chính trị nội bộ gây ra, rồi chuyển sang hòa giải trong những ngày đầu của thời kỳ Cải Cách và Mở Cửa, và cuối cùng là sự mơ hồ thận trọng xác định cách tiếp cận của nó ngày nay“.

Ở một đoạn khác, ông cũng ví tư tưởng Mao của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng không khác nhiều hệ tư tưởng của những người Hồi Giáo quá khích, mà ông gọi là “hệ tư tưởng Mao cuồng tín“.

Thật ra, tất cả những điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu lỗi lạc nhìn thấy từ cách chúng ta rất lâu, và vẫn luôn cố gắng cảnh báo cho chúng ta bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, ở các xứ độc tài toàn trị trong thời kỳ hiện tại, người ta vẫn thấy vở kịch này được diễn lại, với những đạo diễn và những nhà biên kịch là những nhà ngụy biện và những nhà văn viết chuyện viễn tưởng giỏi nhất trong lịch sử nhân loại.

Mặc dù, nếu cẩn thận quan sát, người ta vẫn nhìn những cảnh báo về “mối nguy hại mà Đảng Cộng Sản” có thể gây ra cho nhân loại ở nhiều quốc gia, như những ví dụ dưới đây:

Ở Nhật Bản: Chủ nghĩa xã hội và cánh tả đã thất bại như thế nào [ How socialism and the left wing failed in Japan: https://www.japantimes.co.jp/news/2019/12/30/national/politics-diplomacy/socialism-japan/%5D.

Ở Đức: Các quan chức bầu cử cấm Đảng Cộng sản Đức tranh cử [ Election officials ban German Communist Party from running candidates: https://www.peoplesworld.org/article/election-officials-ban-german-communist-party-from-running-candidates/%5D.

Ở Ukraine: Đảng Cộng sản Ukraine ‘bị cấm’ đưa ra ứng cử viên cho Cuộc bầu cử Tổng Thống [ ‘Banned’ Ukrainian Communist Party puts forward candidate for Presidential Elections: https://khpg.org/en/1546645733 ].

Ở Nga: Cấm các ứng cử viên lãnh đạo Đảng Cộng Sản tham gia bầu cử [ Leading Communist barred from election by Kremlin : https://www.thetimes.co.uk/article/communist-party-candidate-unable-to-stand-against-putin-in-russian-elections-d3vzw6xlz ].

Ở Italy: Những người bảo thủ đề xuất luật cấm hoàn toàn chủ nghĩa cộng sản và Đảng Hồi Giáo ở Ý [ Conservatives Propose Law to Outright Ban Communism, Islamism in Italy: https://www.breitbart.com/europe/2021/06/08/conservatives-propose-law-to-outright-ban-communism-islamism-in-italy/ ].

Ở Trung Quốc: Đảng cộng sản ra sức đàn áp những tôn giáo khác, đặc biệt là những tôn giáo độc thần, có niềm tin mạnh mẽ, và sẵn sáng tiến tới chủ nghĩa độc tài, chẳng hạn như Islam giáo.

Trong khi đó, phần lớn các quốc gia Islam không chấp nhận chủ nghĩa xã hội / chủ nghĩa cộng sản, xuất phát từ lý do họ không công nhận những chính phủ và những con người vô thần.

Nếu ai quan sát kỹ danh sách những quốc gia có xu hướng cấm đảng cộng sản hoạt động, người ta sẽ thấy dẫn đầu thường là những quốc gia đã từng có thời gian bị đặt dưới sự lãnh đạo của chủ nghĩa phát xít hoặc chủ nghĩa xã hội, hoặc những quốc gia trong thời điểm hiện tại vẫn đang tồn tại một bộ máy cai trị theo kiểu độc tài, toàn trị.

Câu hỏi là: Do những quốc gia này có những trải nghiệm đau thương về chủ nghĩa phát xít hoặc chủ nghĩa cộng sản, nên họ hiểu những tai hại mà thứ chủ nghĩa này mang lại, hay còn có những ẩn ý nào khác nữa khiến họ phải có những biện pháp kiềm chế hoạt động của chủ nghĩa cộng sản ở quốc gia của họ?

Ngay cả câu trả lời cho những thắc mắc này cũng đã được Hayek và nhiều nhà nghiên cứu khác gợi ý cách đây đã gần 80 năm, xin được trích nguyên văn như sau:

Không có gì ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh, ở Đức trước năm 1933 và ở Ý trước năm 1922, cộng sản và quốc xã hay phát xít thường xuyên xung đột với nhau hơn là xung đột với các đảng phái khác. Đấy là vì họ cạnh tranh với nhau trong việc thu phục những người có cùng não trạng và căm thù nhau vì đảng này coi đảng kia là những kẻ dị giáo, NHƯNG HÀNH ĐỘNG CỦA HỌ LẠI CHỨNG TỎ RẰNG ĐẤY LÀ NHỮNG KẺ ĐỒNG HỘI ĐỒNG THUYỀN. Kẻ thù thực sự của cả hai đảng, người chẳng có gì chung với họ, người mà họ chẳng thể nào thuyết phục được lại chính là người theo chủ nghĩa tự do kiểu cũ. Trong khi quốc xã coi cộng sản, cộng sản coi quốc xã và cả hai đều coi những người xã hội chủ nghĩa là đội dự bị tiềm năng của mình, thì họ lại nhận thức rõ rằng sẽ không bao giờ có chuyện thỏa hiệp giữa họ và những người thực sự tin tưởng vào quyền tự do cá nhân.

Giáo sư Eduard Heimann, một trong các lãnh tụ của phong trào xã hội chủ nghĩa mang màu sắc tôn giáo ở Đức, trong bài báo với tựa đề tuyệt vời là “Tái phát hiện chủ nghĩa tự do” đã viết như sau: “Chủ nghĩa Hitler tự tuyên bố là học thuyết dân chủ và chủ nghĩa xã hội đích thực… Chủ nghĩa Hitler còn đi xa hơn khi tuyên bố là người bảo vệ Thiên Chúa Giáo, và sự thật kinh hoàng là ngay cả sự diễn giải sai lầm thô bạo như thế vẫn tạo ấn tượng đối với một số người. Giữa sự mù mờ và tráo trở đó vẫn có một điều chắc chắn: không bao giờ Hitler tuyên bố là người ủng hộ chủ nghĩa tự do chân chính cả. Nghĩa là chủ nghĩa tự do là học thuyết bị Hitler căm ghét nhất”. Cần nói thêm rằng Hitler không có điều kiện thể hiện lòng căm thù của mình vì khi hắn lên cầm quyền thì chủ nghĩa tự do ở Đức hầu như đã chết hẳn rồi. Chính chủ nghĩa xã hội đã giết chết nó.

Đối với những người có điều kiện quan sát sự chuyển hóa từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa phát xít ở khoảng cách tương đối gần thì mối liên hệ của hai học thuyết này càng đặc biệt rõ, CHỈ CÓ Ở NHỮNG NƯỚC DÂN CHỦ THÌ MỚI CÓ NHIỀU NGƯỜI TIẾP TỤC NGHĨ RẰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CÓ THỂ KẾT HỢP ĐƯỢC VỚI TỰ DO MÀ THÔI… [ Ở những nơi mà ], tất cả các mối liên hệ của các khía cạnh này chưa được làm rõ, thì nhiều người sẽ vẫn không tin rằng chủ nghĩa xã hội dân chủ là một giấc mơ địa đàng ( Utopia ) vĩ đại của mấy thế hệ gần đây, nó không chỉ là bất khả thi, mà cố gắng nhằm hiện thực hóa nó nhất định sẽ dẫn đến những kết quả tồi tệ khác hẳn và hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với những người hôm nay đang ủng hộ nó [ Trang 138-141 ].

Là những con người ra đời ở những thế hệ sau, có điều kiện chứng kiến, hoặc đọc lại toàn bộ lịch sử thế giới từ sau thế chiến thứ II đến hiện nay, hẳn nhiều người cũng đồng ý rằng, những nhận định của Hayek về chủ nghĩa phát xít cũng như chủ nghĩa cộng sản, và các hình thức khác của chúng nữa là gần như hoàn toàn chính xác.

Hẳn là hình thức cai trị và tàn sát người dân trên quy mô lớn, nhân danh những mục đích cao cả, dưới những tên gọi và hình thức khác nhau được liệt kê ở dưới đây, không bao giờ có thể tìm được chỗ đứng trong những nền dân chủ tự do:

Chủ nghĩa phát xít đã phát minh ra hình thức các Trại Tập Trung; Chủ nghĩa xã hội của Liên Xô đã lập ra Các trại cải tạo lao động, theo sau là Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng xây dựng hàng loạt các Trại tập trung cải tạo, mà đặc biệt hơn ở chỗ là những trại này vẫn còn tồn tại đến tận thời điểm hiện tại.

[ Vào năm 2017, khi Việt Nam háo hức kỷ niệm 100 năm Cách Mạng Tháng Mười Nga, Giáo sư Stephen Kotkin đã viết trên The Wall Street Journal rằng chủ nghĩa cộng sản đã giết chết ít nhất 65 triệu người từ năm 1917 đến năm 2017 [ Communism’s Bloody Century: https://www.wsj.com/articles/the-communist-century-1509726265 ]. Cùng năm đó, nhà nghiên cứu David Satter, còn cho rằng có khoảng 100 triệu ngưới đã bị Đảng Cộng Sản Liên Xô sát hại bằng nhiều hình thức khác nhau trong 100 năm qua [ 100 Years of Communism—and 100 Million Dead: https://www.wsj.com/articles/100-years-of-communismand-100-million-dead-1510011810 ], và ông gọi Đảng Cộng Sản Liên Xô là thảm họa lớn nhất trong lịch sử.

Dưới một hình thức khác, Tổ chức Khmer Đỏ ở Campuchia, ( Khmer Rouge, tức Đảng Cộng Sản ở Campuchia do PolPot lãnh đạo ): Diệt chủng khoảng 1/3 trong tổng số 7 triệu người dân Cambodia.

Mặt Trận Yêu Nước Rwandan ( The Rwandan Patriotic Front ): Diệt chủng khoảng trên dưới 1 triệu người, trong đó có 70% dân số người Tutsi, 30% người Pygmy trong 100 ngày từ 7 Tháng Tư đến giữa Tháng Bảy năm 1994.

Một nghiên cứu khác của Đại học Hawaii do Giáo sư R.J. Rummel xuất bản vào năm 1991, có tên “Thế kỷ đẫm máu của Trung Quốc” [ China’s Bloody Century: https://hawaii.edu/powerkills/NOTE2.HTM ], tổng kết rằng:

Chế độ ngụy dân chủ [ Democide ] như vậy phổ biến hơn nhiều so với những gì người ta vẫn tưởng, thậm chí còn lớn hơn nhiều lần so với con số thiệt mạng trong tất cả các cuộc chiến của thế kỷ này.

Có 61,911,000 người đã bị Liên Xô sát hại, 38,702,000 bị giết bởi những người cộng sản Trung Quốc, 10,114,000 bị giết bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, 17,000,000 chết bởi Đức Quốc Xã và 5,890,000 bởi quân phiệt Nhật Bản trong Thế Chiến Thứ Hai. Điều này thậm chí không làm cạn kiệt danh sách những kẻ giết người lớn của thế kỷ này, bao gồm các chính phủ trong quá khứ của Thổ Nhĩ Kỳ, Campuchia, Pakistan, Nam Tư; cũng không bao gồm những kẻ giết người ít hơn nhưng cũng phải chịu trách nhiệm cho hàng trăm nghìn cái chết, chẳng hạn như các chính phủ trong quá khứ của Uganda, Indonesia, Albania, Burundi, Tiệp Khắc, Ethiopia, Hungary, Romania, Tây Ban Nha và Việt Nam.

Tóm lại, hơn 100,000,000 người đã bị chính phủ của họ sát hại kể từ năm 1900, nhiều hơn gấp nhiều lần so với 35,654,000 người chết vì tất cả các cuộc chiến tranh trong và ngoài nước xảy ra trong những năm này, bao gồm cả Thế chiến I và II“.

Tôi cho rằng, những con số hẳn không biết nói dối, hoặc chỉ có thể nói dối rất ít thôi. Nhiều bằng chứng lịch sử đã được tìm ra và được lưu giữ cẩn thận bởi các nhà nghiên cứu và thân nhân của những người tử nạn dưới các chế độ độc tài toàn trị trên khắp thế giới.

Nhờ có mạng lưới Internet phủ khắp toàn cầu mà ngày nay người ta hoàn toàn có thể kiểm chứng những dự đoán của Hayek cách nay đã gần 8 thập niên.

Tôi có lòng tin chắc chắn rằng, nhiều người trong số các độc giả, cũng như những thần dân của các chế độ độc tài toàn trị, có thể đọc, và hiểu, và có những cảm xúc khác nhau về những con số này, cả ở trên mặt báo, lẫn những gì “phía sau những dòng chữ” đó.

Ở đây, sự thật có thể là khó chấp nhận nhất đối với nhiều người thường xuyên phê phán chủ nghĩa phát xít và ca ngợi chủ nghĩa xã hội chính là CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI / CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN, chỉ là những hình thức khác nhau của chủ nghĩa độc tài toàn trị. Nhưng sự thật thì chỉ có Một.

Đại Lộ Nô Lệ được xây dựng trên máu, hồ hôi và nước mắt của hàng trăm triệu con người nô lệ. Đích đến của nó là Nhà Tù và chế độ Nô lệ.

Dĩ nhiên, việc khai phá Đại Lộ Tự Do chắc chắn cũng phải trả bằng mồ hôi, máu, và nước mắt tương xứng, của ít nhất là vài thế hệ. Nhưng điểm đến cuối cùng của nó là Tự Do và những giá trị lớn lao hơn mà tự do mang lại cho mỗi người.

Nếu như con đường nào cũng đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu, nước mắt và hy sinh. Tại sao chúng ta lại phải chọn con đường về Nô Lệ?

Đằng nào cũng là xương máu của chúng ta. Tại sao chúng ta lại chọn hy sinh chỉ để trải đường cho một bộ phận lãnh đạo không có tài, đức, cũng như lòng thương xót đối với dân tộc của mình, bước lên đỉnh cao của vinh quanh và nô dịch chúng ta?

Thay vì xương máu đó là để cho chúng ta, cho gia đình, cộng đồng và cho toàn thể dân tộc của chúng ta?

Tôi chắc chắn rằng GS Hayek, từ cách thời đại mà chúng ta sống 80 năm, hẳn cũng rất mong mọi người sẽ suy nghĩ nghiêm túc về câu hỏi này.

Phần 1: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác giả: Từ Liên.

Phần 2: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek — Tóm Tắt. Tác Giả: Từ Liên.

Phần 3: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác Giả: Từ Liên.

Tác Giả: Từ Liên.