Chuyện ngụ ngôn xứ Đông Lào – Cái tháp Maslow ngược. Tác giả: Từ Liên.

Trong phần trước, tôi có chia sẻ với bạn đọc là hồi năm 1944, ông nhà văn kính mến George Orwell của chúng ta đã tạm dừng cuốn tiểu thuyết “Trại Súc Vật” của ông ấy bằng dòng mô tả: Những muông thú trong Trại Súc Vật, sau một thời gian bị đàn áp, bị tước đoạt tự do, bị nhồi sọ, bị thanh trừng, bắt đầu trở nên mụ mẫm. Chúng nhìn qua cửa sổ thấy những con heo đang mặc đồ của con người, ngồi trên bàn tiệc ăn như con người, đánh bài, uống rượu và ăn gian y như con người, nhưng chúng không còn có phản ứng gì cả, chúng ngơ ngác nhìn nhau, không vui, không buồn, chúng không còn được là, ngay cả, những loài động vật bình thường nhất như chúng từng là nữa…

Nhìn qua xứ Đông Lào, hoặc theo tinh thần của Ông Orwell, là lấy bối cảnh từ Trại Súc Vật Đông Lào, tôi xin được mạn phép sáng tác thêm một phần ngoại truyện, để mở rộng thêm phần câu chuyện vốn đã tạm dừng lại ở cái kết mở của Ông. Tôi tạm đặt tên phần ngoại truyện này là: CÁI THÁP MASLOW NGƯỢC Ở TRẠI SÚC VẬT ĐÔNG LÀO.

Một số độc giả ở đây chắc cũng đã biết hoặc từng nghe nói về cái tháp Maslow. Đó lá một tháp nhu cầu của con người ( Hierarchy of needs ), được sắp xếp bởi cha đẻ của nhà tâm lí học nhân văn người Mỹ, giáo sư Abraham Maslow ( 1908 – 1970 ), và được giới thiệu đến mọi người vào năm 1943. Trong nhiều thập niên từ khi được công bố, cho đến thời điểm hiện tại, học thuyết nhu cầu của GS Maslow vẫn là nền tảng của nhiều học thuyết kinh tế, xã hội trên khắp thế giới.

Maslow's Hierarchy of Needs: https://www.simplypsychology.org/maslow.html
Maslow’s Hierarchy of Needs: https://www.simplypsychology.org/maslow.html

Về cơ bản, tháp Maslow có năm tầng, sắp xếp các nhu cầu và động lực sống của con người theo thứ tự từ thấp tới quan trọng hơn.

Tầng đáy thứ nhất là những nhu cầu sinh tồn tự nhiên của con người gồm có thở, ăn, uống, ngủ, bài tiết, quần áo, nơi ở và nhu cầu sinh lý.

GS Maslow cho rằng chỉ khi được thỏa mãn các nhu cầu ở tầng thứ nhất, con người mới quan tâm đến tầng thứ hai là nhu cầu được an toàn về thể chất, công việc, sức khỏe, và tài chính.

Thỏa mãn tầng thứ hai, con người mới nghĩ đến tầng thứ ba là tình cảm gia đình, bạn bè, lứa đôi và cộng đồng.

Ở tầng thứ tư – con người có nhu cầu được tôn trọng như một người có nhân phẩm, lòng tự trọng, có sức mạnh nội tâm, tự do tư duy, có lòng tin.

Vượt qua tất cả những tầng này, các cá nhân mới đạt đến tầng cao nhất mà ông gọi là “Self-actualization”, nghĩa là các cá nhân có thể hiện khả năng của bản thân ở mức tối đa, trở thành một phiên bản tốt nhất của chính bản thân mình, đạt đến mức cá nhân mãn nguyện về bản thân mình.

Ở các xứ tư bản giãy chết, sau khi xem xét những khía cạnh hợp lý của học thuyết Maslow, các chuyên gia, các nhà chính trị, xã hội học, các nhà khoa học, các nhà kinh tế học … đã ngồi lại với nhau để đề xuất các giải pháp cho những vấn đề của xã hội. Những nhu cầu ở các tầng của cá nhân trong xã hội được hỗ trợ bằng nhiều cách thức, nhiều con đường để hầu hết cá nhân có thể được đáp ứng những nhu cầu căn bản như ở tầng thứ nhất. Những trợ giúp này vẫn tiếp tục với nhiều hình thức và mức độ khác nhau cho tới khi các cá nhân có thể đạt được tới tầng thứ 4, thứ 5. Và rồi, đến một ngày, toàn bộ xã hội đều được nâng lên trên những tầng cao hơn nhờ những cá nhân đã nhận được hỗ trợ để đạt tới những tầng trên đỉnh chóp này.

Trong khi đó, câu chuyện của Trại Súc Vật Đông Lào lại tiếp diễn theo cách khác.

Sau khi những con Heo lãnh tụ đã đạt được những chiến thắng nhất định, bao gồm: Thay đổi ngoại hình của chúng cho giống con người hơn; tiếp tục quá trình nhồi sọ, ngu dân hầu hết những muông thú của nó; mở rộng những quan hệ làm ăn bất hợp pháp với những giống người xấu xa; giới hạn tuyệt đối các quyền hợp pháp của gia súc; đạp đổ toàn bộ hiến pháp và những điều răn mà chúng đã đặt ra lúc đầu. Những con Heo và bè lũ cận thần đã hí hửng tuyên bố rằng chúng đã đưa Trại Súc Vật từ đỉnh cao này tới đỉnh cao khác, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chế độ Cộng sản Súc vật vinh quang muôn năm, đời đời bền vững…

Ngày qua ngày, trại súc vật tiếp tục lê lết mòn mỏi sự tồn tại của mình dưới sự lãnh đạo của các thế hệ Heo kế tiếp. Không có một sự sáng tạo nào, một sự đổi mới nào còn có mảnh đất mà sinh sôi nảy nở, cả một hoang trại tiêu điều, đổ nát dưới sự tàn phá của bè lũ thống trị, chỉ còn nổi bật giữa trang trại là ba cụm công trình lớn: Công trình lăng mộ đồ sộ của Heo lãnh tụ Napoleon, có cảnh vệ chó đứng gác suốt ngày đêm, Công trình nhà ở dành cho các thành viên trong Chính phủ của Heo con trai, Heo cháu, Heo chắt, Heo chút của Heo vĩ đại Napoleon, cao tầng và hiện đại, và thứ ba là những cụm tượng đài vô cùng hoành tráng các ông, bà, cha, mẹ, cô, dì, chú, bác, vợ, con và các đồng chí lãnh tụ cao cấp từng ở xung quanh con Heo cụ Napoleon, cũng như bản thân nó.

Các con thú con của những con vật khác sanh ra trong trại súc vật thường xuyên phải tới kiếm thức ăn là những thứ rác rưởi bị quăng bữa bãi xung quanh những tượng đài này. Dù là rác, nhưng cũng có lẫn vào đó nhiều sơn hào hải vị. Dù chỉ là phần thừa thãi bị quăng bỏ lại, số rác đó vẫn đủ cho tất cả các con thú con khác có một bữa tối đủ no để ngủ ngon.

Một bữa nọ, sau một bữa nhậu ê hề, thừa mứa thức ăn, con Heo chút Napoleon đệ V ngó qua cửa sổ từ tầng cao lộng gió của nó, ngó xuống đám thú con đang lảng vảng kiếm ăn ở dưới các cụm tượng đài. Khi thấy Heo Napoleon đệ V nhìn xuống, chúng liền đồng loạt ngóc đầu lên chờ đợi, mèo con kêu meo meo, gà con kêu chiếp chiếp, cừu con kêu behehe…

Napoleon đệ V thấy mình như Thần linh đứng từ trên Trời nhìn xuống đám thần dân nhỏ bé, bất lực, nghèo khổ của nó. Nó vừa ghê tởm cái vẻ dơ dáy, rách rưới của chúng, vừa thấy mình thật quan trọng và vĩ đại. Nó liền vơ một nắm đồ ăn trên bàn tiệc thừa mứa, thảy xuống dưới cụm tượng đài để ban ơn cho lũ thú con. Lập tức, các con vật ré lên và bắt đầu một cuộc chạy đua cật lực để giành giật những thức ăn thừa thãi vừa được ném xuống rớt tứ tung trên mình mẩy, trên đầu chúng, và dưới đất. Chúng tranh giành nhau, cấu xé nhau, những con yếu ớt không những không giành được thức ăn mà còn bị cấu xé, đánh cho tơi tả, khập khiễng đi về nhà.

Con heo Napoleon đệ V nhìn quang cảnh đó, cười ha hả và đóng cửa sổ để quay vô căn phòng máy lạnh mát rượi có nệm lông ngỗng của nó.

Nó ngắm nhìn những tấm hình oanh liệt của tổ tiên nó được vẽ theo phong cách cổ điển, lớn bằng nửa bức tường treo trong căn phòng khách. Ông sơ nó mặc áo veston đen, ông cố nó mặc veston xanh dương, ông nội nó chuyển qua veston nâu, ba nó mặc veston tím. Tới nó chắc chắn là nó sẽ mặc veston màu đỏ. Nhưng đồ màu gì đi chăng nữa thì tất cả dòng họ nhà nó đều có đôi tai rất to, cái mặt thiệt mập và cái mũi heo không thể dấu đi đâu được, dài, to, thô thiển, nhô hẳn ra khỏi khuôn mặt. Ở góc trên của mỗi tấm hình, đều có gắn hình một cái liềm bị cắt ngang bởi một cái búa trên nền đỏ. Nó nghe ba nó giải thích là đây là hai thứ vũ khí quan trọng đã giúp ông sơ nó đánh bại được ông chủ Jones thời xưa, và là vũ khí tối quan trọng khiến tổ tiên nhà nó có thể trấn áp được biết bao nhiêu cuộc nổi dậy của muông thú trong rừng. Với mỗi muông thú nổi giận, chỉ cần vài cái búa và mấy lưỡi liềm thôi là sau đó không có con nào còn nguyên vẹn mà chống đối sự cai trị của dòng họ nhà nó nữa. Nhờ vậy mà dòng họ nhà nó mới có thể tiếp tục tồn tại, còn ngai vàng mới được truyền cho tới tận đời nó hiện nay.

Nó nghĩ mãi về những chiến công của dòng họ nhà nó. Nó tự nghĩ mình phải làm cái gì đó thật mới, làm rạng danh dòng họ của mình. Nó bèn triệu tập các cố vấn của nó vô để hiến kế đổi mới đất nước, để tên tuổi của nó được đời đời vinh danh.

Sau một hồi bàn cãi, có một con cố vấn là con Bò đội nón, đứng ra nói:

Hôm bữa tôi thấy thằng bé chắt của ông Jones đi ngang qua trang trại, tôi nghe nó nói nó có học ở trường về cái ông GS Maslow gì đó đã xây dựng được cái tháp gì đó nổi tiếng lắm. Giờ ở đâu người ta cũng phải học cái thứ đó, để áp dụng trong thực tiễn. Nghe đồn tên tuổi ổng nổi như cồn, mấy trại khác ở gần chỗ chúng ta họ cũng đang đồn về việc cử người đi để rước cái tháp đó về mà áp dụng.

Vừa nghe tới đó, con Napoleon đệ V giật mình như vừa tìm được bí kíp gì đó hết sức quan trọng. Nó ra lệnh cho con Bò đội nón và đội ngũ cố vấn của nó: Nếu như vậy thì các người đi rước cái tháp đó về liền cho ta, ngay lập tức, ta phải có cái tháp đó trước khi những trại khác họ rước về được, có vậy thì trại ta mới tiến lên vượt tất cả các trại khác được…

Các con cố vấn vâng, dạ ran phòng, rồi bọn chúng cuống cuồng sai người chạy đi xuất tiền ở kho bạc, để nhờ người đi kiếm một cái tháp Maslow đem về.

Qua nhiều bước giao dịch phức tạp ở các thị trường đen thì cuối cùng đám cố vấn cũng mang về được hình vẽ của một cái tháp Maslow cực lớn, chúng kéo cuộn giấy về để trong dinh thự của con Napoleon đệ V để nó nghiên cứu.

Bữa đó, trong dinh thự của con thủ lĩnh, đèn sáng trưng, mọi con vật đứng vòng quanh tấm hình to bằng một cái bàn ăn lớn, đang được trải ra giữa phòng khách.

Con Napoleon đệ V hết xoay ngang rồi dọc cái tháp, chật vật đánh vần và suy ngẫm, cho tới khi nó đọc được tất cả những dòng chữ diễn giải trên các bậc thang của cái tháp, nhưng nó hoàn toàn chẳng hiểu những dòng chữ ấy có ý nghĩa gì cả. Các con vật khác cũng nhìn nhau bối rối.

Rồi cũng đến lúc nó phải giải thích với những con thú quần thần khác, dù gì nó cũng là lãnh tụ và có trình độ văn hóa cao nhất trong cả bọn cơ mà. Con Napoleon chỉ vào cái CHÓP NHỌN nhỏ nhất của cái tháp Maslow. Nó giảng giải với những con vật khác:

  • Tầng đầu của cái tháp này là mãn nguyện bản thân và vị trí cao nhất mà mỗi cá nhân đạt được nè. Ta cảm thấy nó giống với ta bây giờ. Nhu cầu này thật quá dễ để đạt được. Nó giống như là Ta hưởng điều này từ cha ta, cha ta hưởng từ ông ta, vậy thôi, KHÔNG CÒN GÌ DỄ DÀNG HƠN ĐÒI HỎI NÀY.

Nó chỉ tới tầng tiếp theo:

Cái tầng thứ hai này, là sức mạnh, tự do, sự tôn kính của những loài khác, chà, cái này cũng QUÁ DỄ với ta, với tất cả chúng ta. Chúng ta đều đã đạt được rồi. Cho ta hỏi ở đây có ai trong số các người dám không tôn trọng ta? Muông thú ngoài kia có ai dám nói xấu, bất kính với bọn chúng ta không? Chúng ta có toàn bộ TỰ DO làm tất cả những gì ta muốn, xây nhà cao, cửa rộng, cướp đất cướp nhà, thậm chí vợ đẹp của người khác, chích vaxin tốt nhất, ai dám nói gì chúng ta? Chúng ta có sức mạnh Búa và Liềm mà tổ tiên ta để lại cho chúng ta, bất cứ con thú nào cũng phải khuất phục và thần phục chúng ta.

Nó chỉ dòng tiếp theo…

Cái tầng thứ ba này, là tình bạn, gia đình và cảm giác kết nối cộng đồng … Nó nhìn quanh nó, ngập ngừng và bối rối, hình như nó biết là nó chẳng có gì trong số đó hiện diện ở đây cả. Xung quanh nó chỉ toàn những kẻ xu nịnh, những kẻ cơ hội đang chỉ chờ đợi nó suy yếu sẽ giành ngôi báu của nó, những kẻ rất đáng ngờ dù ngoài mặt chúng không thể hiện ra, chẳng có mấy ai đối đãi với nó thật lòng. Nhu cầu của tầng này quả là bắt đầu HƠI KHÓ đối với nó. Nhưng rồi nó nhìn lên những tấm hình của tổ tiên nó treo vòng quanh căn phòng và lấy lại được sự tự tin: Và đây, ta cũng có tạm đủ rồi, ông sơ, ông cố, ông nội, cha ta đã để lại cho vị trí này, vậy chẳng phải là ta có kết nối với nhiều người lắm sao…

Tới tầng thứ tư này, nhu cầu có tài sản, có công việc làm, được chăm sóc sức khỏe, và nhu cầu được an toàn… Nó thở dài, nhu cầu của tầng này này bắt đầu trở nên quá KHÓ KHĂN với nó. Nó đã hiển nhiên được trao chức thái tử Đỏ từ khi nó lọt lòng rồi, làm sao mà khác được, có muốn cũng không làm khác được, nó phải là lãnh tụ dù muốn hay không, nó có từ chối không làm người ta cũng ép nó phải làm, vì điều đó là HỒNG PHÚC của dân tộc nó mà, làm sao lại có chuyện thất nghiệp được. Từ đời sông sơ, ông cố nó còn không thể thất nghiệp thì làm sao nó lại bị đe dọa về công việc được. Còn nữa, làm gì có chuyện nó không có tài sản, tài sản nó xài tới đời cháu đời chắt của nó cũng không hết, chuyện này là quá khó. Còn sức khỏe ư? nó có cả đội ngũ bác sĩ người nó mướn riêng để chăm sóc sức khỏe cho nó, làm gì mà nó còn phải ao ước hay có nhu cầu nào ở đây mà chưa được đáp ứng đâu. Xem ra, cái tầng này là QUÁ KHÓ đối với nó để đạt đến cái hoàn cảnh như là ông Maslow liệt kê ra như vậy.

Tới tầng cuối cùng, nó đọc thấy: Không khí, nước, thức ăn, chỗ ngủ, quần áo, thức ăn và nhu cầu sinh lý… Mồ hôi nó lấm tấm trên mặt…

Cái này thì KHÓ KHỦNG KHIẾP các bạn ạ, ta không bao giờ lại có thể đạt đến cái trạng thái thiếu những thứ này được. Bàn ăn của ta toàn sơn hào hải vị thừa mứa, giường ta ngủ là nệm lông ngỗng loại I, nhà ta ở xây kiên cố tới mức các cuộc biểu tình không làm ta lo lắng. Biểu ta cần thức ăn hay cần chỗ ở thì còn khó hơn là biểu ta tìm đường lên trời nữa. Tới bao giờ ta mới CÓ NHU CẦU VỀ những thứ này được đây? Tới bao giờ ta mới đạt được đến cái tầng này của tháp đây? Chắc phải mấy kiếp nữa… Chậc, trong tất cả các tầng thì cái tầng này là khó nhất so với ta. Các người thấy thế nào? Ta nói có đúng không?

Tất cả các con cố vấn dều vỗ tay rầm rầm, tung hê thủ lĩnh của chúng vang dội. “Đồng chí Napoleon thông thái tuyệt vời, đồng chí Napoleon muôn năm”.

Thế rồi cả bọn thống nhất treo cái tháp của ông Maslow lên tường để còn dùng làm tài liệu giảng dạy cho các vị lãnh tụ của chúng trong tương lai. Tuy nhiên, vì chúng xếp cái tháp theo nhu cầu từ những nhu cầu dễ nhất tới những cái khó nhất THEO CÁCH HIỂU BIẾT CỦA CHÚNG, nên cái tháp của ông Maslow bị treo ngược lên tường, y như một cái cây thông giáng sinh chổng ngược lên trời. Con Napoleon để V và đồng bọn rất lấy làm hỉ hả vì chuyện đó.

Rồi một năm, dịch bịnh lan tràn khắp các Trại láng giềng và Trại Súc Vật Đông Lào. Muông thú đói khát kêu gào khổ sở thảm thiết thấu trời xanh, các dấu hiệu dân chúng đang chết dần chết mòn đã bắt đầu xuất hiện…

Con Napoleon đệ V trước những tin tức không tốt dồn dập báo tới. Nó liền triệu tập đội ngũ cố vấn của nó lại… Nó chỉ vô cái tháp treo trên tường, và dõng dạc ra lệnh cho các con thú thuộc hạ:

Hãy yêu cầu muông thú ngoài kia nỗ lực hết sức để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, hãy làm mọi điều mỗi muông thú có khả năng làm để thoát khỏi cảnh bệnh dịch và nghèo đói bủa vây này. Đây chính là cơ hội cho mọi muông thú thể hiện khả năng kiệt xuất của chính mình. Hãy ra lệnh cho các muông thú phải biết tôn trọng phẩm giá của mình, phải có lòng tự trọng để đừng đi xin xỏ ai, cũng đừng kêu than, hãy tự thân vận động, các muông thú có tự do không bị cầm tù, hãy tự lo cho bản thân mình và cho gia đình mình trước khi kêu gào lãnh tụ hay đoàn này hội kia. Và cuối cùng, các ngươi hãy ra lệnh cho các muông thú, hãy yêu thương lẫn nhau, hãy dựa vào gia đình, bạn bè, cộng đồng mà sống qua ngày, hãy chia sẻ với chính phủ để cùng với chính phủ sớm vượt qua bệnh dịch.

Rồi nó gằn giọng: BA CÁI NHU CẦU THẤP NHẤT, DỄ NHẤT này mà họ còn làm không xong thì làm sao mà làm cái gì được nữa…

Các con vật khác gật đầu lia lịa, chỉ riêng con cố vấn Bò Đội Nón vẫn chưa hiểu, nó ngơ ngác hỏi:

Thưa lãnh tụ, còn hai cái nhu cầu cao nhất kia thì sao ạ?: (2) Được đảm bảo an toàn sức khỏe, công ăn, việc làm, có an sinh xã hội, và (1) Được ăn, uống, có nơi ở, có chỗ ngủ, có quần áo mặc…

Con Heo lãnh tụ Napoleon thở dài thất vọng, rồi quát lên:

Dễ như ba cái nhu cầu ở những tầng dưới mà đám muông thú đó còn không có làm được thì người nói làm chi hai cái nhu cầu trên cùng đó, nó khó tới mức ta không dám đề nghị ai làm hết trơn.

Nói rồi, nó tuyên bố kết thúc cuộc họp và đi ngủ…

Vậy là từ bữa sau, khắp Trại Súc Vật Đông Lào, ở đâu mở ti vi, báo đài lên người ta cũng thấy những dòng kêu gọi tha thiết của chính phủ.

Hỡi các bạn, xin hãy nỗ lực hết sức để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, hãy làm mọi điều mỗi muông thú có khả năng làm để thoát khỏi cảnh bệnh dịch và nghèo đói bủa vây này. Đây chính là cơ hội cho mọi muông thú thể hiện khả năng kiệt xuất của chính mình. Hãy tuân thủ pháp luật, tuân thủ luật pháp và các điều kiện về cách ly, chỉ ra đường trong trường hợp cần thiết để mua nhu yếu phẩm. Lưu ý, chỉ có nhu yếu phẩm thôi, bánh mì, bắp và sữa không phải là lương thực và cũng không phải là nhu yếu phẩm, ai bất tuân lệnh sẽ bị phạt rất nặng, hình phạt cao nhất có thể là phải dùng tới Búa và Liềm. Hỡi muông thú, phải biết tôn trọng phẩm giá của mình, phải có lòng tự trọng để đừng đi xin xỏ ai, cũng đừng kêu than, hãy tự thân vận động mà sinh tồn. Các ngươi có tự do, các ngươi không bị cầm tù, hãy tự lo cho bản thân và gia đình mình trước khi kêu gào lãnh tụ hay đoàn này, hội kia. Hỡi muông thú, trong thời điểm khó khăn này, hãy yêu thương lẫn nhau, hãy dựa vào gia đình, bạn bè, cộng đồng mà sống qua ngày, chủ nhà trọ hãy giảm giá cho người thuê, người có tiền hãy giúp đỡ người không có tiền, tất cả muông thú xin hãy thông cảm và chia sẻ với chính phủ để cùng với chính phủ sớm vượt qua bệnh dịch…

Muông thú xứ Đông Lào chưng hửng! Ăn, uống, chỗ ở, quần áo, không khí trong lành còn không có để đảm bảo nhu cầu sinh tồn, làm thế nào chúng có thể tiếp tục tồn tại CHỨ đừng nói là phải cam lòng chịu ngồi trong nhà chịu chết đói, tôn trọng pháp luật, giúp đỡ người khác, giữ gìn phẩm giá, hay trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình….

Hóa ra cái tháp Maslow có hai cách hiểu: Dân thường hiểu cái tháp là cái tháp được xây từ cạnh đáy lớn nhất đến những tầng nhỏ hơn như chúng ta vẫn thường thấy hình dạng của những cái Kim tự tháp. Họ muốn được hít thở, ăn uống, bài tiết, chỗ ở, quần áo trước những cái khác, theo đúng trật tự “Có thực mới vực được đạo”.

Trong khi đó, lãnh tụ hiểu cái tháp là cái tháp theo chiều ngược lại, đúng với vị thế của họ trong thời điểm hiện tại.

Việc bất đồng trong cách hiểu cái tháp Maslow khiến cho xứ Đông Lào tiếp tục đứng trong hàng ngũ những trại súc vật chậm tiến nhất của thời kỳ hiện tại ( Bao gồm xếp hạng hộ chiếu, năng suất lao động, nợ quốc gia so với khả năng trả nợ, xếp hạng giáo dục, xếp hạng về quyền từ do của con người, xếp hạng về ô nhiễm, xếp hàng về chỉ số minh bạch… )

Vậy mà nghe đồn là cho tới giờ này, ở dinh chính phủ lộng lẫy của con Napoleon đệ V ấy, cái tháp Nhu cầu của GS Maslow vẫn đang ở trong tình trạng bị treo ngược.

Thỉnh thoảng, nó vẫn trở thành tài liệu học tập chính thức cho một số môn học lý luận để đào tạo những lãnh đạo tương lai của Trại Súc Vật Đông Lào.

Tác giả: Từ Liên.