Khi Người Miền Tây Phải Về Quê… Tác Giả: Từ Liên.

Chỉ hy vọng rằng, với những người dân miền Tây phải tháo chạy về quê trước và sau đại dịch, trong đó có những người đã phải ôm theo những hộp tro cốt của người thân mất trong đại dịch, đưa họ về quê yên nghỉ, có thể ý thức hơn về vị trí thật sự của họ trong xã hội mà tà quyền cộng sản đang thống trị này…

Sau ba tháng Sài Gòn gần như bị phong tỏa liên tục, với những mức độ khác nhau chút ít, tùy theo các loại chỉ thị hành chính đầy ngẫu hứng, máy móc và vô tình đến tàn nhẫn, được ban hành bởi hàng loạt các quan chức ngồi trong các văn phòng máy lạnh, vào tuần đầu tiên thành phố mở cửa trở lại, người dân Sài Gòn và người cả nước lại tiếp tục sững sờ, bàng hoàng chứng kiến cảnh hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn con người, tuyệt đại đa số họ là những công nhân và những người làm nghề tự do, quê ở miền Miền Tây Nam Bộ… ồ ạt đổ về quê, như những dòng thác lũ đã dâng cao tới vỡ bờ. Những con người tuyệt vọng, đau khổ, không còn cả niềm tin, hy vọng, không còn một chỗ bấu víu nào dù là nhỏ nhất, ngoài một con đường, về quê, về với nơi cuối cùng mà họ tin rằng vẫn còn có những người có thể dang rộng vòng tay với họ, đó là những người họ hàng, bà con của họ, máu mủ ruột rà của họ…

Nhưng ngay cả ước mơ nhỏ bé, chính đáng đó cũng đã và đang gặp những rào cản lớn lao, từ những chốt chặn kẽm gai lẫn bê tông, lẫn những lời hứa suông, hão huyền, trống rỗng từ những quan sức cộng sản, những đội đặc nhiệm, công an, quân đội, dân quân tự vệ với súng ống, trang thiết bị bảo hộ, những kẻ ăn cơm dân, nhận lương từ tiền thuế của dân, lớn lên nhờ thực phẩm của dân, nhưng cam tâm mặc áo đảng, cam tâm làm những kẻ vô lương tri, sẵn sàng đánh đập, khủng bố đồng bào của mình… vào những lúc họ yếu ớt và dễ tổn thương nhất…

Hàng trăm, hàng ngàn videos đã và vẫn tiếp tục được lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày qua, dù bị những lực lượng dư luận viên ráo tiết chặn, xóa, gỡ khỏi môi trường mạng, đã lột tả những thảm cảnh đau khổ không làm sao có thể tưởng tượng được của những người dân Miền Tây cùng đường tháo chạy về quê…

Thật khó tin rằng những hình nhân đang cầm dùi cui đánh đập đồng bào của mình ở ngoài kia lại đáng được gọi là con người, chưa nói là người thi hành công vụ… Và cũng thật khó để hình dung rằng, hàng chục, hàng trăm ngàn con người đủ các thành phần từ trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, thanh niên, tới người già, mệt mỏi, vô vọng ở ngoài kia lại là con dân của xứ thiên đường xã hội chủ nghĩa độc lập, tự do, hạnh phúc… Người ta nhìn thấy một sự lừa dối trắng trợn, vô liêm sỉ của chính quyền, khi hàng ngày, những quan chức chính quyền vẫn không ngừng rao giảng nền chính trị xã hội chủ nghĩa thế kỷ XXI đang ngày càng tỏ ra ưu việt trong thời kỳ 4.0, chính phủ điện tử, công nhân của họ là lực lượng tiên phong đại diện cho giai cấp tiến bộ nhất của xã hội…

Và điều buồn nhất là… phần lớn những người này là những công dân quê gốc ở Miền Tây…

Họ là hậu duệ của những con người mang gươm đi mở cõi. Trong lịch sử của Việt Nam, họ được mô tả như là những con người có khí phách hiên ngang, lòng can đảm phi thường, lòng bao dung vô tận… Họ xông pha nơi rừng thiêng nước độc, không có khó khăn gì là có thể cản trở được họ, họ tựa vào Đồng Bằng Sông Cửu Long ( ĐBSCL ), nương theo con nước, không cần đắp đê, ngăn đập gì cả, họ dũng cảm đón những con lũ giận dữ tràn bờ hàng năm, mà dần dần gây dựng được những đồng bằng trồng lúa mênh mang bát bát, những thương cảng sầm uất, những cung đường thủy giao thông nhộn nhịp… Họ gây trồng những giống lúa mới mang đi thi đạt giải của thế giới, đi đầu trong cách mạng nông nghiệp của cả nước, nổi tiếng ở Đông Nam Á, họ nuôi tôm cá xuất khẩu đi các quốc gia trên địa cầu, họ làm ra những giống trái cây nhiệt đới khó có nơi nào sánh bằng… Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp ở ĐBSCL hàng năm mang về cho đất nước này hàng tỷ USD…

https://baotintuc.vn/kinh-te/mo-duongcho-hang-hoa-cua-dbscl-di-xa-bai-1-xuat-khau-bi-duong-ra-20210406135358687.htm

Công cuộc mở cõi của họ cũng gây dựng nên một nền văn hóa độc đáo, các phong tục thờ cúng mang màu sắc địa phương rõ rệt, thơ ca, cải lương, kịch nghệ, chân thật mà giản dị và say đắm lòng người.

Họ làm kinh tế cũng không dở chút nào…

Các ông quan nhà Đảng, dù không ưa sống ở ĐBSCL vì chê tình trạng giao thông tồi tệ, y tế và dịch vụ còn kém xa nơi thành thị, cũng phải nhận thức rằng:

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong: ĐBSCL là vùng đất rộng lớn, chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của Việt Nam. ĐBSCL có vị trí quan trọng, chiến lược trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu Vùng Sông Mekong; có vị trí địa chính trị và địa quân sự hết sức quan trọng trong khu vực cũng như trên thế giới”.

https://dangcongsan.vn/thoi-su/xay-dung-chuoi-gia-tri-nganh-va-san-pham-vung-dong-bang-song-cuu-long-592433.html

Trong nhiều năm qua, chính xác phải nói rằng từ ngày Miền Bắc hoàn thành công cuộc “giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước”, Miền Tây đã gần như bị lãng quên… không có một con đường giao thông nào được xây dựng tử tế, không có các cảng và các dịch vụ hậu cần tương xứng với quy mô của nền kinh tế, giáo dục không được đầu tư…

Thành quả của Đảng dành cho Miền Tây bao gồm:

Đồng Bằng Sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất, thủy sản nhiều nhất, trái cây phong phú nhất nhưng cơ sở hạ tầng ( lại ) kém nhất, nhà ở tệ nhất.

Tuy là vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu với tiềm năng to lớn nhưng thực tế phần lớn cảng biển ở ĐBSCL hiện là cảng quy mô nhỏ, thiếu cảng chuyên dụng container.

Vì vậy, hiện nay 70%-80% hàng hóa sản xuất từ khu vực này phải dồn ngược về Thành Phố Hồ Chí Minh ( TP.HCM ) bằng đường bộ để xuất khẩu, vừa làm đội chi phí, giá thành, lại vừa gia tăng áp lực ( nhiều mặt, nhất là giao thông ) cho tuyến giao thông từ ĐBSCL về TP.HCM.

Mức ngân sách trung ương hỗ trợ các chương trình, dự án giáo dục của vùng này cũng thấp hơn so với các vùng khác… Cái trũng giáo dục – đào tạo của ĐBSCL thể hiện rất rõ qua tỉ lệ học sinh bỏ học chiếm tới 55,1% cả nước, trong khi dân số chiếm gần 20%!

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019 - Ảnh: CHÍ QUỐC.
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019 – Ảnh: CHÍ QUỐC.

https://tuoitre.vn/vua-lua-lon-nhat-ca-tom-nhieu-nhat-nhung-ha-tang-nha-cua-te-nhat-20191102105621086.htm

So với cả nước, ĐBSCL vẫn là vùng trũng về giáo dục. Khu vực này luôn gắn với những cái ‘nhất’ buồn: Tỉ lệ sinh viên trên vạn dân thấp nhất ( 71,5 sinh viên/vạn dân ), học sinh ( HS ) bỏ học cao nhất nước ( 3,1% ), số HS ngồi nhầm lớp đứng đầu bảng…”.

Những chuyến đò chông chênh chở học sinh ở Cà Mau đến trường.
Những chuyến đò chông chênh chở học sinh ở Cà Mau đến trường.

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/mien-tay-truong-gan-van-xa-20130903104714738.htm

Tỷ lệ đi học cấp Trung Học Cơ Sở ( THCS ) và Trung Học Phổ Thông ( THPT ) cao nhất là ở Đồng Bằng Sông Hồng ( lần lượt là 97,4% và 87,0% ) và thấp nhất ở ĐBSCL ( lần lượt là 86,8% và 59,6% ). Tỷ lệ đi học đúng tuổi cao nhất ở Đồng Bằng Sông Hồng ở tất cả các cấp học: Tiểu học là 98,8%, THCS là 94,9%, THPT là 83,7%. Tỷ lệ đi học đúng tuổi thấp nhất ở ĐBSCL và Tây Nguyên.

http://consosukien.vn/tha-nh-tu-u-gia-o-du-c-va-da-o-ta-o-qua-ke-t-qua-to-ng-die-u-tra-dan-so-va-nha-o-nam-2019.htm

Chi ngân sách cho giáo dục thấp nhất, giáo viên thiếu nhiều nhất, số phòng học kiên cố ít nhất, tỷ lệ học 2 buổi/ngày thấp nhất, tỷ lệ huy động trẻ đến trường ‘khiêm tốn’ nhất… là những chỉ tiêu ở khu vực ĐBSCL.

Học sinh ở Cần Thơ đi học bằng xuồng.
Học sinh ở Cần Thơ đi học bằng xuồng.

https://thanhnien.vn/noi-cac-chi-tieu-giao-duc-deu-thap-nhat-ca-nuoc-post894186.html

Ngay cả đường bộ, ĐBSCL cũng “yếu” nhất. Cụ thể, xây dựng cao tốc vùng ĐBSCL là ít nhất, chậm nhất trong cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 1.139 km đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó khu vực phía bắc có 898 km, miền Trung có 127 km, khu vực Đông Nam Bộ có 74 km và khu vực ĐBSCL có 120 km ( tính cả 80 km đoạn từ Cao Lãnh – Vàm Cống – Rạch Sỏi vừa hoàn thành cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc )…

https://thanhnien.vn/nghich-ly-o-vua-nong-san-post1027207.html

Những số liệu tương phản và đầy phi lí ở trên đã giải thích lý do tại sao, trong suốt nhiều năm nay, người Miền Tây, dù có rất nhiều nỗ lực và tiềm năng, vẫn khó vươn ra biển lớn và cạnh tranh với các tỉnh thành khác trong khu vực… Cùng với sự cai trị và quản lí kém cỏi của hệ thống quan chức cộng sản ở địa phương, ĐBSCL dần dần đi tới chỗ cạn kiệt, cát dưới lòng sông bị khai thác vô tội vạ làm thay đổi dòng chảy của sông, hóa chất sử dụng bừa bãi làm hư hỏng sự trù phú của đất đai, gây độc hại cho các bãi chăn nuôi thủy sản, sự khai thác quá mức cũng làm cạn kiệt nguồn thủy hải sản tự nhiên… Thêm vào đó, hàng chục con đập trên thượng nguồn sông Mekong đã ngăn cản những sự sinh sản tự nhiên của thủy sản, làm thay đổi lưu lượng lũ của dòng sông, làm mất phù sa của đất nông nghiệp…

Phần lớn người Miền Tây đã không được chuẩn bị bất kỳ điều gì cho tất cả những gì đã xảy ra trong nhiều năm qua… Kết quả là, trong cơn lốc đô thị hóa, một làn sóng tha phương cầu thực đã xuất hiện trong cộng đồng những người dân miền Tây. Những người từ trẻ tới trung niên dắt díu nhau lên thành phố, chủ yếu làm công nhân trong các khu công nghiệp, và những ngành nghề tự do trong khối dịch vụ, bán vé số, buôn gánh bán bưng, chạy xe ôm, không có ngành nghề nào lại không có dấu vết của những người dân xuất thân miền Tây… Trong số tiền thuế khổng lồ mà thành phố thu về mỗi ngày, cũng như trong 82% mà Sài Gòn đóng góp cho Trung Ương hàng năm, chắc chắn có không ít mồ hôi của những người dân từ miền Tây.

Những người dân này, dù mới lên Sài gòn vài năm hay đã sống ở thành phố nhiều năm, vẫn giữ nhiều tập quán của dân Miền Tây, tính tình hào sảng, chất phác, và nhiều người không có thói quen tiết kiệm tằn tiện kiểu những người ở miền Bắc, miền Trung. Đáng trân trọng nhất là, phần lớn họ sống trong nhiều hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn giữ được nhiều đặc tính khác của miền Tây như phong cách ăn nói dạ thưa rất nhẹ nhàng…, văn hóa “Mày có biết bố mày là ai không” dường như không có chỗ đứng trong cộng đồng người dân miền Tây…

Tất cả những người này, cùng với nhiều công nhân và người lao động tự do ở những tỉnh thành khác, khi đại dịch ập đến, cũng như khi làn sóng đô thị hóa xảy ra vài chục năm trước đây, họ cũng đã không được chuẩn bị gì… Họ đã tin tưởng vào những lời hứa vô trách nhiệm của các quan chức trung ương và địa phương, rằng chính quyền sẽ sớm dập được dịch, y như cách chính quyền đã đánh gục những kẻ thù của họ, là những đám phản động hoạt động dân chủ nằm vùng ở cả Việt Nam lẫn ở hải ngoại, họ đã tin rằng những gói cứu trợ khổng lồ được hứa hẹn từ chính phủ sẽ sớm đến tay họ, những quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ mở rộng để trả lại cho họ những gì họ đã đóng góp…, những vaccine có chất lượng ổn và rẻ như AstraZeneca sẽ được nhập về để họ sớm có thể đi làm trở lại, chính phủ sẽ phát các gói an sinh xã hội, quân đội sẽ giúp họ đi chợ, hệ thống y tế sẽ chăm sóc họ lúc đau bệnh, chính phủ sẽ miễn tiền điện, nước và cấp phát cho họ những điều kiện tối thiểu để họ có thể sinh tồn… Những đứa trẻ sẽ có sữa và bỉm, những học sinh sẽ được hỗ trợ phương tiện để học trong mùa dịch bệnh… Trường hợp họ mong muốn được về quê, sẽ có những phương tiện của chính quyền đưa họ về. Họ sẽ được cách ly không tốn tiền, không phải trả tiền xét nghiệm và thuốc điều trị, nếu tệ nhất là họ chết, người nhà của họ sẽ không phải lo chi phí mai táng.

Đáp lại tất cả sự mong đợi của họ là sự trì trệ, ách tắc, những lời nói dối quanh co, và sự nhắm mắt làm ngơ đến tàn nhẫn trước những khổ đau và tuyệt vọng của họ… của đám chính quyền địa phương lẫn trung ương…

Dịch bệnh đã càng ngày càng tệ hại với việc càn quét “F0” và dồn những F0, F1 vào các trại cách ly tập trung của chính quyền, với việc lấy mẫu gộp cưỡng bức một cách cẩu thả, với những thủ tục tàn nhẫn và hoàn toàn không cần thiết để chặn mọi con đường sống của người dân, chặn mọi con đường đi làm ăn, chặn mọi con đường lưu thông hàng hóa, chặn mọi con đường sản xuất, tiêu thụ, chặn các gói cứu trợ khẩn cấp, và luôn cả những con đường quay trở về nhà…

Trong cuộc họp chiều ngày chiều 28, Tháng Chín. Thứ Trưởng Bộ Công An Lê Quốc Hùng cho biết, theo thống kê, hiện có 3,5 triệu người các tỉnh, thành trong cả nước làm việc tại TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Trong đó có 2,1 triệu người có nguyện vọng về quê.

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/cac-tinh-thanh-nao-duoc-khuyen-nghi-nguoi-dan-khong-nen-tu-y-ve-que-672733

Trong những con số thống kê chưa đầy đủ này, [ có những người ước tính con số thực phải gấp rưỡi ], không biết thực sự có bao nhiêu con người đã được chính quyền hỗ trợ về những điều kiện sinh tồn cơ bản, cũng như những điều kiện để họ có quay trở về nhà tại địa phương của họ… Những lời ca thán tràn ngập trên các mạng xã hội, cảnh những đoàn người hàng trăm ngàn người dắt díu nhau, nối đuôi nhau trên những phương tiện thô sơ lẫn đi bộ tháo chạy về quê từ thời điểm trước Tháng Bảy, và trong tuần đầu của Tháng Mười, khi Sài Gòn vừa hé mở cửa… đã cho thấy một thực trạng khác hẳn. Nói đúng hơn là đã chẳng có chính quyền nào ở đây cùng họ, đứng về phía họ, lắng nghe nỗi đau khổ và những tâm tư nguyện vọng của họ, của con cháu họ… Họ là những người đã bị gạt ra khỏi rìa của cái xã hội độc tài toàn trị này từ lâu lắm rồi, họ không được coi là những con người, những công dân của xã hội… Họ hoàn toàn cô đơn và bất lực, họ chỉ có thể trông chờ vào chính bản thân họ, và những người bà con ruột thịt của họ tại quê nhà. Đó là lí do, đứng giữa lằn ranh sanh tử, họ chỉ có một con đường là quay về…

Con đường đó cũng đang bị chặn bởi một đám quan chức hủ bại, vô lương tâm, không có trái tim và không có dũng khí để nhìn vào sự thực, nhìn vào thảm cảnh mà đồng bào mình đang đối diện …

Chúng chặn đứng đường sống của người dân, bằng những khẩu hiệu thật ngô nghê “Người dân từ vùng dịch không tự ý di chuyển về quê… Nhưng chúng không bao giờ CÓ THỂ đặt câu hỏi “TẠI SAO ANH/CHỊ/CÔ/CHÚ LẠI PHẢI VỀ QUÊ”, “ANH/CHỊ CẦN CHÚNG TÔI LÀM NHỮNG ĐIỀU CỤ THỂ GÌ ĐỂ ANH/CHỊ KHÔNG VỀ QUÊ LÚC NÀY”?

NẾU KHÔNG CÓ NHỮNG CÂU HỎI NÀY, VÀ KHÔNG CÓ NHỮNG LỜI GIẢI ĐÁP VÀ VIỆC LÀM CỤ THỂ, sẽ chẳng có gì có thể cản trở đám người tuyệt vọng và mệt mỏi ngoài kia quay trở về nơi cuối cùng họ còn có thể hy vọng hết…

Và người ta đã thấy, bất chấp hàng ngàn lời kêu gọi của các quan chức, người dân đã trả hết nhà trọ, gom hết đồ đạc trên những phương tiện thô sơ… đã ngồi ngay trên các vỉa hè, dọc theo các xa lộ, dưới chân các cầu vượt… Họ cũng chẳng còn cách nào khác… Họ đã thắp nhang khấn vái trước các chốt chặn, đã quỳ lạy công an như tế sao để kiếm đường về quê ở chốt Cầu Đôi, Tỉnh Lộ 10, huyện Bình Chánh, TPHCM, đã xô xát với lực lượng ngăn chặn ở các chốt kiểm dịch khác…

Trong khi đó, chính quyền không phải là không biết thực trạng, họ chỉ cố gắng làm ngơ nhiều nhất có thể.

Ngày 01/10/2021, một tờ báo đưa tin: “Tối 30/9, hàng nghìn người ở TP.HCM sau khi nghe tin Thành Phố nới lỏng giãn cách từ 0 giờ ngày 01/10, đã ‘khăn gói’ tự ý chạy xe máy trở về quê. Dòng người đổ về khu vực thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM, nơi giáp ranh tỉnh Long An mỗi lúc một đông. Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt chặn này đã giải thích, khuyên người dân quay trở lại và không cho đi tiếp. Tuy nhiên tới khuya, người dân vẫn không chịu quay lại, thậm chí lượng xe máy vẫn tiếp tục đổ về cửa ngõ này càng đông hơn. Đa phần trong số đó là các gia đình trẻ, trên xe chở theo đồ đạc, vợ con. Nhìn những đứa trẻ ngủ gục ngay trên xe, nhiều người mệt mỏi vì đã chạy xe từ chiều đành ngồi bệt ngay bên lề đường… thật sự rất xót xa. Họ là những người có hoàn cảnh khó khăn khi đã bám trụ ở Thành Phố này mấy tháng nay trong khi công việc không có, thu nhập không có. Số tiền chắt bóp bấy lâu bỏ ra chi tiêu thời gian giãn cách có lẽ tới nay đã cạn kiệt. Họ cũng hi vọng dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động trở lại và họ sẽ có công việc. Nhưng có lẽ, họ đã không thể chịu đựng thêm được nữa nên tối qua đã ‘đánh liều’ rời Thành Phố”.

Nghịch lý thay, cuối bài báo lại kết luận một cách đầy vô cảm.

“Trước tình hình đó, Thủ Tướng Chính Phủ yêu cầu: Tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm soát người ra vào ‘Khu vực’. Việc đưa đón người ra, vào ‘Khu vực’ phải được chính quyền các tỉnh, thành phố trong ‘Khu vực’ và tỉnh, thành phố khác thống nhất, tổ chức an toàn, chu đáo. Chính quyền TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An chịu trách nhiệm trước Thủ Tướng Chính Phủ nếu để người dân tự phát ra khỏi địa phương mình về các tỉnh, thành phố khác ngoài ‘Khu vực’”.

https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/nguoi-dan-tu-vung-dich-khong-tu-y-di-chuyen-ve-que-592619.html

Hàng chục ngàn hoàn cảnh khác được báo chí và các mạng xã hội liệt kê…

Ông Văn Công Đệ, 47 tuổi, cho biết vì nghe TP.HCM nới lỏng giãn cách nên chiều nay chở vợ đi xét nghiệm để về quê ở huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng. Ông cùng vợ đều làm phụ hồ nhưng 4 tháng qua mất việc. ‘Tôi thiếu tiền trọ 3 tháng rồi, ở trên đây cũng không có tiền ăn, bữa giờ cứ phải trông vô thực phẩm được hỗ trợ, bữa đói bữa no’, ông Đệ nói.

Lái xe máy chở hai con 11-3 tuổi về quê An Giang nhưng cũng bị chặn lại, công nhân Nguyễn Thị Thu, 42 tuổi, nói dù biết không được về quê nhưng thấy hội đồng hương trên mạng xã hội kêu gọi nên đã ‘đánh liều’ vì công ty đã phá sản. ‘Hai đứa con tôi mấy tháng nay thiếu ăn, sút kg. Phải chi tôi có chỗ làm sau ngày 1/10 hi vọng còn bám trụ được’, nữ công nhân nói.

https://vnexpress.net/hang-nghin-nguoi-ve-que-tu-phat-o-cua-ngo-tp-hcm-4365375.html

Vậy là hóa ra không chỉ có người dân vô sản không được chuẩn bị gì, mà cả chính quyền cũng không thèm chuẩn bị gì cho những kịch bản mà họ đã nhìn thấy từ trước khi Sài Gòn phong tỏa… Hình như, đối với chính quyền, đám dân này là vô hình, không có ai là đảng viên, và cũng không được coi là công dân trong xã hội đảng trị.

Ngay từ giữa Tháng Tám, đã có một bài viết đăng trên trang Vieclamnhamay.vn, người viết có nickname “Ms Công nhân”, đã chỉ ra những nguyên nhân rất cụ thể của việc “Tại sao công nhân bất chấp phạm luật để tháo chạy về quê?

“TP.HCM tăng thời hạn giãn cách xã hội để dập dịch không báo trước, Điều này gây khó khăn cho người lao động, nhất là đối tượng vốn “ăn bữa nay, lo bữa mai”, kinh tế eo hẹp. Dịch bệnh khiến nhiều người mất việc làm, giảm lương, đói khổ nhiều tháng qua, dần bất an, kiệt quệ.

Trong khi chính quyền cho hay đã, đang và sẽ nỗ lực hỗ trợ người dân toàn thành phố về nhu yếu phẩm, lương thực, tiền mặt nhưng hỏi ra mới biết “kẻ có người không”. Không việc làm, không thu nhập, không chỗ ở, TP.HCM giờ tràn ngập cảnh “người vô gia cư” sống vạ vật, ngủ tạm ở mé hiên, trước cửa tiệm và sống nhờ vào phần quà hỗ trợ của các nhóm thiện nguyện qua ngày.

Và còn nhiều lý do vô hình, kèm nỗi lo thiếu thốn đủ bề chực chờ ập đến khiến lao động xa quê phập phồng lo sợ…

Rõ ràng, việc người ngoại tỉnh tự phát bỏ nơi cư trú, vượt chốt về quê là vi phạm quy định phòng chống dịch của thành phố. Họ sai vì không chịu ‘ở yên tại chỗ’ theo chỉ thị 16. Nhưng ở lại thì… khổ – khó – khóc không ai hay.

Có người còn bảo dẫu có bắt nộp phạt thì cũng đành chịu, trong người họ chỉ còn vỏn vẹn vài trăm làm lộ phí đi đường.

Còn bắt quay lại thì sao? – Không còn chỗ để về. Nhà trọ đã trả, thuê lại cũng không có tiền thuê. Rồi thuê được thì tiền điện, tiền nước, tiền ăn, tiền sữa, tiền tã… lấy đâu ra?

Tiền hỗ trợ ư? Kẻ có người không.

Rồi tiền nợ ngân hàng chi tiêu tạm trước đó, lấy gì trả?

…vô vàn khó khăn cứ thế bủa vây công nhân nghèo”.

https://vieclamnhamay.vn/tin-tuc/tai-sao-cong-nhan-bat-chap-pham-luat-de-thao-chay-ve-que

Những câu chuyện này, sẽ còn tiếp tục trong những ngày tới, sẽ còn tiếp tục để lại những di sản và hậu quả lâu dài, cho những con người ở trên những vùng đất mà cộng sản đang thống trị…

Không rõ những sự thật trần trụi tàn nhẫn này đã đủ để cho nhiều người nhận ra được sự cai trị “tài tình, sáng suốt, nhân đạo” của Đảng Cộng Sản hay không… Có một cô gái trẻ người miền Tây, bằng chất giọng nhẹ nhàng và chất phác tới mức làm người xem rơi nước mắt, đã nói trong một video đăng trên mạng xã hội rằng “Em cảm thấy mình đã bị [ chính quyền ] lừa gạt quá nhiều lần rồi…”.

Không rõ những thảm cảnh này có đủ lay động trái tim của những người Việt Nam còn đang u mê, vững niềm tin vào Đảng vào chính quyền… Nếu họ không cảm thấy trái tim của họ rung động trước những khổ đau của đồng loại, của những người đồng bào Việt Nam máu đỏ, da vàng, trong đó có trẻ nhỏ, có bà mẹ mang thai và có những người già không nơi nương tựa… thì có lẽ chúng ta không còn có gì để hy vọng ở những người này nữa…

Trong khi những dòng người nhẫn nại lẫn phẫn nộ đổ về các chốt chặn cửa ngõ Sài Gòn không hề giảm đi… thì chính quyền thành phố Sài Gòn vẫn điềm nhiên rao giảng: “TP.HCM chốt phương án đón người lao động ở quê trở lại làm việc” [ Tuổi Trẻ 01/10/2021 ], ông chủ tịch Phúc, trong buổi tiếp xúc cử tri đầu tiên đối với cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM theo hình thức trực tuyến vào sáng 02, Tháng Mười, vẫn dán mắt vào tờ giấy để đọc dòng chữ “Ánh sáng đã xuất hiện cuối đường hầm”, và tiếp tục nói về một tương lai mà “mây đen phủ kín toàn cầu và mặt trời tỏa sáng ở Việt Nam”, như ông Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nói khi dịch mới bùng phát vào năm ngoái.

https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-anh-sang-da-xuat-hien-cuoi-duong-ham-20211002092034279.htm

Không ai biết, thiếu đi những dòng người đã miệt mài đóng góp mồ hôi nước mắt, đã héo mòn cả tuổi xuân trong những khu công nghiệp mà đa số còn thiếu nhiều chuẩn an toàn theo quy định quốc tế, trong những khu nhà trọ với những điều kiện tồi tàn, vệ sinh vô cùng kém cỏi… ở ngoại thành của TP.HCM, và sự rút đi của những nhà đầu tư tiềm năng… thì Sài Gòn sẽ mất đi những gì… Sài Gòn sẽ phục hồi như thế nào…

Chỉ hy vọng rằng, với những người dân miền Tây phải tháo chạy về quê trước và sau đại dịch, trong đó có những người đã phải ôm theo những hộp tro cốt của người thân mất trong đại dịch, đưa họ về quê yên nghỉ, có thể ý thức hơn về vị trí thật sự của họ trong xã hội mà tà quyền cộng sản đang thống trị này…

Cầu mong rằng, sau đại dịch này, bên cạnh những mất mát không thể bù đắp, người Miền Tây sẽ đoàn kết hơn, họ sẽ lập các nhóm hội, lập các câu lạc bộ, sẽ trò chuyện, chia sẻ với nhau nhiều hơn, họ sẽ kể lại cho con cháu họ nhiều hơn về những gì họ đã tự mình trải qua, những gì họ đã nhận thức được về thân phận của những con người bình thường, thân phận của những người công nhân, giai cấp tiên phong của Đảng lãnh đạo, giai cấp được biểu tượng hóa bằng một cái búa trên lá cờ Đảng… có ý nghĩa thực sự như thế nào đối với tà quyền Việt cộng độc tài đang thống trị trên quê hương họ hiện nay…

Sẽ chẳng có con đường nào tốt hơn để tiến về phía trước, cho họ và cho con cháu họ… Một ngày nào đó, chuyện cũng sẽ phải xảy ra như chuyện họ buộc phải đặt tính mệnh của họ ra mà thông các chốt chặn để về lại quê hương thôi… Con cháu họ cũng phải học cách để “thông chốt” thứ chính phủ chuyên chế, toàn trị đã thống trị đất nước này gần 80 năm, để những thế hệ sau có thể ngẩng cao đầu mà về quê, mỗi khi chúng muốn về, ngẩng cao đầu mà sống như những công dân có quyền tự do, có phẩm giá và có lòng tự trọng, để không hổ thẹn với tiền nhân đã nhọc công khai hoang mở cõi, mở ra phần đất phía Nam trù phú, đẹp đẽ, hào sảng…

Cố gắng lên bà con Miền Tây…

Tác Giả: Từ Liên.

Leave a comment